Sớm đưa Luật Biên phòng Việt Nam vào cuộc sống

(PLVN) - Để nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống, Thượng tướng Võ Minh Lương đề nghị đại biểu của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành có biên giới; các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt một số nội dung.
Thượng tướng Võ Minh Lương phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Thượng tướng Võ Minh Lương phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Ngày 27/4, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và hơn 2.800 đại biểu tại 56 điểm cầu trực tuyến từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 11/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 là văn bản pháp lý rất quan trọng, đã thể chế đầy đủ quan điểm, tư tưởng của Đảng về bảo vệ Tổ quốc; về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia như:“Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, đó là “Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Tại Hội nghị, các đại biểu được tập huấn 2 chuyên đề giới thiệu về những nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam và những nội dung cơ bản trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Biên phòng Việt Nam. Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định đầy đủ, toàn diện, cụ thể về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Tổ quốc; đặc biệt là quy định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Các điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc tập huấn Luật Biên phòng Việt Nam

Các điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc tập huấn Luật Biên phòng Việt Nam

Đến nay, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Biên phòng Việt Nam gồm có hai nghị định: Nghị định số 106/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam; Nghị định số 02/2021/NĐ-CP ngày 2/12/2021 quy định quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng và 2 thông tư: Thông tư số 163/2021/TT-BQP ngày 14/12/2021 của Bộ Quốc phòng quy định hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và quản lý, bảo vệ biên giới tăng cường của Bộ đội Biên phòng và Thông tư số 02/2022/TT-BQP của Bộ Quốc phòng.

Để tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2011 - 2025”, nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống, Thượng tướng Võ Minh Lương đề nghị đại biểu của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành có biên giới; các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt một số nội dung như:

Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức tập huấn cho các đối tượng thuộc quyền, nhất là các đối tượng có liên quan trực tiếp, nắm vững những nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam. Nêu cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nơi có biên giới quốc gia về nhiệm vụ biên phòng, nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các bộ, ngành, địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng, quan tâm xây dựng lực lượng chuyên trách, nòng cốt chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, ổn định về tổ chức. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp nhằm xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới vững mạnh.

Thượng tướng Võ Minh Lương yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng; các quân khu, quân chủng, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng tiếp tục tổ chức quán triệt trong cơ quan, đơn vị mình nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam, trong đó, tập trung vào nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các quân khu, quân chủng, cảnh sát biển, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; xác định rõ cơ chế phối hợp, phối thuộc trong thực hiện các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Đồng thời giao Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền và cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới; hoàn thành nhiệm vụ tập huấn trong Quý II năm 2022 theo tiến độ được xác định tại Kế hoạch triển khai thực hiện đề án của Bộ Quốc phòng.

Đọc thêm