Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền sở tại cùng hoạt động hiệu quả của mô hình “liên gia tự quản”, tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn này cơ bản được giữ vững. Không những vậy, mô hình liên gia còn được xem như khắc tinh, giúp đối phó hiệu quả nạn ma túy.
Giờ đây, trở lại những “vùng rốn” ma túy một thuở, dáng dấp của thứ tệ nạn ấy đã và đang được đẩy lùi.
“Điểm nóng” chuyển mình
Cách đây ít năm, huyện Thuận Châu là một trong những địa bàn trung chuyển của các đối tượng buôn bán ma túy. Tại nơi đây, những kẻ buôn bán “cái chết trắng” đã vươn vòi bạch tuộc của mình ra khắp bản làng, ngõ xóm. Chúng lôi kéo người dân tham gia vào chuỗi vận chuyển khép kín.
Trước những diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng của tệ nạn ở khu vực biên giới, Thuận Châu đã huy động sức mạnh của các cơ quan đoàn thể và người dân cùng tham gia công tác phòng chống tội phạm. Đặc biệt, thông qua nhiều mô hình xây dựng thôn, xã điểm không có ma túy, đã góp phần tích cực giúp nâng cao nhận thức của người dân.
Bon Phặng là một ví dụ điển hình. Nơi đây có không ít “anh chị” đang thụ án vì làm chân rết phân phối, buôn bán “cái chết trắng”. Hiện nay, công an xã đang quản lý hơn 50 người được tha tù trở về địa phương.
Nói sâu hơn về “cơn bão” ma túy một thuở “quét” qua vùng đất này, anh Lò Văn Ơn ở bản Kéo Pháy kể: Năm 2000, Ơn cũng bập vào ma túy và mau chóng bị cơn lốc nghiệt ngã này cuốn đi. Không chỉ chích hút, anh thấy bà con trong bản người âm thầm, kẻ công khai bán thuốc thì cũng tìm cách đi theo.
Năm 2004, Ơn bị Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La kết án 4 năm tù giam. Năm 2010, sau khi ra tù Ơn mở xưởng mộc. Anh mời hai người cùng cảnh, được tha tù về làm chung với mình, mở cho họ cơ hội được hòa nhập cuộc sống. Việc làm ấy khiến bà con trong vùng, chính quyền địa phương xã Bon Phặng rất nể phục.
Con trai Lò Văn Ơn nhờ thế cũng được tạo điều kiện giúp đỡ, cai dứt hẳn ma túy. Có chút vốn liếng, anh Ơn mua thêm cưa máy, nhận thêm 3 người từng bị phạt tù, nghiện ngập khác vào làm việc, giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời.
Năm 2014, Lò Văn Ơn được đi dự Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Hiện tại, anh Ơn là một trong những thành viên tích cực trong tổ liên gia tự quản giúp giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, đấu tranh tố giác tội phạm.
Tương tự như vậy, ở Thôm Mòn hiện tại tình hình an ninh trật tự cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực. Được xem là xã vùng hai của huyện, Thôm Mòn có 20 bản, 1.347 hộ với 6.499 nhân khẩu. Những năm trước đây, tình hình tội phạm hoạt động trên địa bàn diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là tội phạm ma túy và trộm cắp tài sản. Để ổn định tình hình an ninh trật tự, toàn xã đã xây dựng 90 nhóm liên gia tự quản, 20 tổ an ninh nhân dân và 20 tổ hòa giải.
Anh Lò Văn Vui, bản Thôm, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu kể: Cách đây 13 năm, cuộc sống đói nghèo cộng với nhận thức hạn chế đã đẩy anh cũng như một số người ở bản vào con đường nghiện hút ma tuý. Cuộc sống rơi vào cảnh khốn cùng bế tắc, đã đói nghèo càng trở nên nghèo đói hơn.
Sau khi anh Vui cai nghiện thành công, Công an huyện và nhóm liên gia tự quản đã tích cực đến động viên, hướng dẫn công tác lao động sản xuất. Từ đây, Lò Văn Vui đã nhận ra những tác hại ghê gớm của ma tuý, từ đó quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời.
Mô hình giúp đẩy lùi tệ nạn
Những trường hợp hướng thiện nhờ các tổ, nhóm liên gia tự quản tương tự như Lò Văn Vui, Lò Văn Ơn trên địa bàn huyện Thuận Châu không hiếm. Theo tìm hiểu, mô hình liên gia tự quản chính thức triển khai trên các “điểm nóng” của Sơn La từ tháng 6/2008. Sau nhiều năm, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Công an tỉnh Sơn La, mô hình nhóm, tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự đã đạt hiệu quả cao.
Nói riêng về Thuận Châu, nếu như thời điểm trước năm 2011, trên địa bàn huyện có 1.505 người nghiện ma túy trong danh sách quản lý. Tình hình hoạt động của các loại tội phạm về ma túy tinh vi, liều lĩnh và manh động, còn nhiều điểm, tụ điểm buôn bán và sử dụng trái phép chất ma túy... thì nay, nhờ sự áp dụng đồng bộ các giải pháp, huyện hiện có 806 đơn vị đạt và cơ bản đạt tiêu chuẩn không có ma túy.
Ví dụ, tính từ năm 2011 đến nay, từ nguồn tin báo của các nhóm liên gia tự quản đã giúp lực lượng Công an xã Thôm Mòn phát hiện, xử lý 23 vụ việc, 29 đối tượng gây rối trật tự, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản.
Riêng trên địa bàn huyện từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2015, Công an huyện đã bắt giữ 291 vụ, 404 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; triệt xóa 34 điểm, bắt giữ 37 đối tượng phạm tội về ma túy.
Khách quan nhìn nhận, việc xây dựng liên gia tự quản phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong việc giữ gìn an ninh trật tự, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Thiết nghĩ, để hoạt động của liên gia tự quản phát huy và nhân rộng hơn nữa hiệu quả thì các cấp, ngành, đoàn thể cần tiếp tục hướng dẫn, duy trì hoạt động của mô hình này tại các khu dân cư. Tích cực vận động người dân phát huy tinh thần tự giác tham gia công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng bản làng bình yên...