1,4 triệu người tử vong mỗi năm do viêm gan B và C

(PLO) - Thông tin được đưa ra tại “Hội thảo báo chí Phòng chống bệnh viêm gan virus” diễn ra sáng nay (29/8), do Bộ Y tế tổ chức.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Bệnh viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan.

Có 5 loại viêm gan virus, trong đó viêm gan virus B và C lây truyền tương tự như virus HIV bao gồm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con; viêm gan virus D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự.

Viêm gan virus A và E lây qua đường phân – miệng do thức ăn, nước uống bị nhiễm nguồn bệnh và thực hành vệ sinh không đầy đủ.

Trong 5 loại virus viêm gan, virus viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới có khoảng 240 triệu trường hợp nhiễm virus viêm gan B mãn tính và khoảng 130 – 150 triệu trường hợp nhiễm virus viêm gan C mãn tính trên toàn cầu. Số trường hợp tử vong do viêm gan virus B và C ước tính mỗi năm khoảng 1,4 triệu người.

Virus viêm gan B và C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan hàng năm. Ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm virus viêm gan B và C.

Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, viêm gan virus là nguyên nhân đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong cao nhất. Mặc dù gánh nặng bệnh tật do viêm gan virus là rất lớn, tuy nhiên chỉ có 5% bệnh nhân viêm gan mãn tính biết mình bị nhiễm và chỉ có chưa đến 1% được tiếp cận điều trị.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cao trong khu vực và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên.

Hiện nay, bệnh viêm gan virus B và C có thể dự phòng và điều trị được. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chiến lược phối hợp điều trị và dự phòng có thể loại trừ viêm gan virus B và C như là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan virus B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ trong đó có liều trong vòng 24h đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe bao gồm cả trong và ngoài cơ sở y tế và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy.

Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao như Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24h sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng.

Hiện nay chưa có vắc xin dự phòng cho viêm gan C. Tuy nhiên, viêm gan C có thể được chữa khỏi nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên virus viêm gan C.

Tháng 6/2016, Tổ chức Y tế thế giới đã ban hành Chiến lược Y tế Toàn cầu về Viêm gan virus giai đoạn 2016 - 2021 với tầm nhìn một thế giới không còn lây truyền virus viêm gan, tất cả bệnh nhân đều được tiếp cận với chăm sóc, điều trị an toàn, hiệu quả và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh viêm gan virus như là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Tại Việt Nam, tháng 3/2015, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch Phòng chống bệnh viêm gan virus giai đoạn 2015 - 2019 với mục tiêu giảm lây truyền virus viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan virus.

Việt Nam là một trong 36 quốc gia trên thế giới đã ban hành kế hoạch phòng chống viêm gan virus. Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng, các tổ chức, ban ngành đoàn thể nâng cao nhận thức về viêm gan, đóng góp các nguồn lực và phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện kế hoạch này.

Qua đó, góp phần giảm nhiễm mới và tử vong do viêm gan virus, hướng tới mục tiêu một thế giới không còn lây nhiễm virus viêm gan và tất cả mọi người bị viêm gan đều được tiếp cận với chăm sóc và điều trị an toàn, hiệu quả.

Đọc thêm