20 tháng tuổi đã 'cặp kè' kính cận vì iPad

(PLO) - Lời kể xót xa của một bà mẹ ở TP HCM một lần nữa đã khiến nhiều cha mẹ phải giật mình vì công nghệ đang cướp đi đôi mắt của con quá sớm. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Vừa ăn vừa dỗ con xem iPad!

Người mẹ này có con 20 tháng tuổi nhưng cháu đã cận 2,75 độ, chị tâm sự: “Công nghệ càng hiện đại thì càng hại cho trẻ em. Con mình mới 20 tháng mà cận 2,75 cũng vì ngày trước cứ cho ngồi xem iPad một chỗ cho khỏi quậy.

Lúc đầu hơn 1 tuổi con chỉ nghe nhạc thiếu nhi, dần dần lớn xíu biết tò mò thì bấm coi youtube vì con học hỏi rất nhanh, thấy mẹ bấm vài lần là biết cách mở vào để xem.

Đến 1 ngày gần đây thấy con biểu hiện hay dụi mắt và đứng gần tivi, ipad thì mới dẫn con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán vừa cận vừa loạn phải bắt buộc đeo kính. Nếu không đeo kính thì độ càng tăng nhanh. Khổ nỗi độ tuổi của con quá nhỏ nên không chịu đeo kính, cứ mẹ đeo vào là lại tháo ra. Ngày nào cũng phải dụ con lắm mới chịu đeo kính, nhưng được nửa tiếng lại tháo ra”. 

Tâm sự của mẹ bé đã khiến hàng ngàn bà mẹ giật mình, bởi tình trạng cho trẻ chơi điện thoại, máy tính bảng để con không quấy khóc đang diễn ra rất phổ biến trong gia đình. Dỗ con ăn bằng iPhone, tivi sẽ tự tạo cho con thói quen: cứ phải có iPhone, tivi mới ăn. Bố mẹ cảm thấy yên tâm vì đạt được mục đích “cho con ăn ngoan”, con cảm thấy vui vẻ, gia đình không náo động vì tiếng khóc. Nhưng các bố mẹ có biết là làm như vậy là “giết chết” tâm hồn con, đôi mắt của con không?

Đừng để smartphone cướp lấy đôi mắt con trẻ

Đầu năm nay, Công ty SuperAwesome (London, Anh)  từng công bố kết quả nghiên cứu về tình trạng sử dụng thiết bị di động của 1.800 trẻ em Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.  Kết quả chỉ ra rằng 87% trẻ em ở khu vực Đông Nam Á sử dụng smartphone, trong đó hơn một nửa đang sở hữu một chiếc smartphone.

Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ trẻ em tại Mỹ ở cùng độ tuổi, khi chưa đến 30% trẻ em từ 6 đến 14 tuổi tại Mỹ sở hữu smartphone và 47% trong độ tuổi đó sở hữu một chiếc máy tính bảng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng các thiết bị di động đang là công cụ phổ biến để trẻ em tiếp cận cửa ngõ Internet và trẻ em tại Đông Nam Á đang từ bỏ các hình thức giải trí quen thuộc trước đây như đọc sách hay chơi đồ chơi... để chuyển sang sử dụng các thiết bị di động.

Những con số trên báo động về việc trẻ em đang tiếp cận smartphone sớm hơn nhiều lứa tuổi chúng nên tiếp cận. Và nguyên nhân của thực trạng này là do cha mẹ chủ quan để con tiếp xúc sớm.

Chưa kể đến việc tâm lý của trẻ đang dần bị ảnh hưởng: trẻ trầm cảm hơn, thụ động hơn, ít giao tiếp hơn, mà chỉ nhắc tới đôi mắt của trẻ thôi, các bác sĩ chuyên khoa mắt đã rất gắt gao khi nói về vấn đề này.

Ths. Bs Phạm Thị Hằng - Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND nhấn mạnh:  “Cuộc sống hiện đại khiến trẻ được tiếp xúc nhiều và sớm với những thiết bị công nghệ như tivi, iPad, điện thoại… Thậm chí nhiều bà mẹ còn cho trẻ xem tivi, chơi trò chơi điện thoại để dỗ cho trẻ ăn. Những hành động này vô tình khiến mắt trẻ phải điều tiết quá nhiều. Đây chính là thủ phạm khiến trẻ bị mắc các tật khúc xạ”. 

Theo lý giải của các bác sĩ chuyên khoa mắt, có 2 nguyên nhân khiến ngày càng nhiều trẻ em bị mắc các bệnh về mắt sớm. Một là do thời đại phát triển, nhiều trang thiết bị hiện đại có thể phát hiện ra bệnh sớm. Và cha mẹ cũng ý thức được việc chữa trị mắt cho trẻ ngay từ khi bị bệnh nên số lượng trẻ đeo kính đang nhiều hơn chục năm về trước.Hai là do quá lạm dụng smartphone.

Các thiết bị thông minh bây giờ đang quá phổ cập, cha mẹ chủ quan, thường dỗ dành trẻ bằng smartphone khi cho trẻ ăn chẳng hạn. Đặc biệt không nên sử dụng smartphone vào ban đêm khi xung quanh không có đèn, vì không chỉ có trẻ em mà ngay cả với người lớn cũng dễ mắc các bệnh về mắt.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, trước tiên bố mẹ hãy làm gương trước cho con, muốn con từ bỏ thói quen lạm dụng smartphone thì cha mẹ phải làm gương đầu tiên.Và để phòng các bệnh về mắt thì chúng ta nên dùng loại smartphone có màng chắn bảo vệ “blue block” giúp chắn ánh sáng xanh từ điện thoại gây hại cho mắt. Cần tránh sự phản xạ bề mặt từ màn hình điện thoại, máy tính, khi sử dụng thiết bị di động liên tục. Tốt nhất vào ban đêm nên hạn chế sử dụng điện thoại, đi ngủ, sinh hoạt đúng giờ.

Các bậc phụ huynh quan sát nếu thấy con nheo mắt, kêu mỏi (với trẻ đến tuổi đi học) hoặc trẻ đứng sát vô tuyến, cầm đồ vật lên xem hay gí sát vào mắt (với trẻ chưa đến tuổi đi học) thì có thể đó là các dấu hiệu của thị lực kém.

Khi đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn, chữa trị kịp thời. Trẻ nheo mắt một thời gian dài khiến mắt bị điều tiết nhiều dẫn đến tăng số. Trẻ bị dị tật khúc xạ nếu không được điều trị từ nhỏ thì khó có khả năng phục hồi thị lực, nhất là đối với trẻ nhược thị khi đến 13 tuổi sẽ không thể can thiệp được.

Đọc thêm