4 lý do để nói “không” với “dao kéo“

(PLO) - Tồn tiền, gây nghiện, để lại nhiều biến chứng là những lý do khiến những người mong muốn sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định đến với "hành trình dao kéo".
4 lý do để nói “không” với “dao kéo“
1. Tốn kém
Theo số liệu thống kê từ Viện Hàn lâm phẫu thuật thẩm mỹ của Mỹ, người dân nước này đã chi khoảng 7 tỷ USD trong năm 2013 cho các cuộc chỉnh sửa sắc đẹp. Khoảng 5 tỷ USD dùng cho các công cuộc làm đẹp mà không phẫu thuật như chích thuốc và tái tạo da. Gần 1/3 ca phẫu thuật thực hiện ở các đối tượng trên 50 tuổi với yêu cầu phổ biến là hút mỡ, nâng mí, căng da mặt. Giá của mỗi lần "cải tạo sắc đẹp" không rẻ, trung bình khoảng 6.500 USD.
Để có vòng eo thon, bạn phải chi khoảng 5.000 USD, hoặc một cái mũi thẳng, thon gọn, khách hàng sẽ phải trả 4.000 USD. Hơn nữa, nếu kết quả cuối cùng không thỏa mãn mong muốn, bạn cần phải thực hiện thêm nhiều lần chỉnh sửa và mỗi lần như vậy lại tốn thêm tiền. Một vài hình thức phẫu thuật không đảm bảo khách hàng sẽ giữ nguyên vẻ đẹp vĩnh viễn, điển hình là phẫu thuật nâng ngực. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, cứ 5 phụ nữ phẫu thuật nâng ngực thì một người gặp biến chứng sau 8 tháng đến 10 năm.
2. Gây nghiện thẩm mỹ
Nhiều người chắc chắn rằng họ sẽ chỉ phẫu thuật làm đẹp một lần. Tuy nhiên, vô số những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ cũng từng suy nghĩ như vậy. Năm 2011, Cindy Jackson, 55 tuổi, phá vỡ kỷ lục thế giới để trở thành người trải qua nhiều ca phẫu thuật nhan sắc nhất. Cô đã chi khoảng 100.000 USD cho các cuộc làm đẹp như căng da mặt, sửa mũi, hút mỡ từ năm 1988. “Đây không hẳn là một căn bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân thường có xu hướng tiến hành phẫu thuật tiếp theo lần thực hiện đầu tiên", bác sĩ tâm lý Katharine Phillips tại Bệnh viện Butler Rhode Island cho hay.
3. Nhiều rủi ro
Nếu bạn tìm hiểu kỹ những cảnh báo liên quan đến việc sử dụng mỹ phẩm và phẫu thuật thẩm mỹ, chắc hẳn bạn hiểu rõ mức độ rủi ro của nó. Khi tiến hành phẫu thuật, các điều kiện về sức khỏe như những người tiền sử mắc bệnh tim, tiểu đường, béo phì, nghiện thuốc lá... đều có thể gặp biến chứng hậu phẫu. Biến chứng phổ biến là để lại sẹo, gây tổn thương thần kinh, nhiễm trùng, tụ máu. Phẫu thuật nâng ngực có thể khiến bạn gặp khá nhiều rủi ro.
Trái với mong muốn sở hữu cặp "gò bồng đảo" lớn, căng tròn và hấp dẫn, nhiều phụ nữ phải chịu đựng bộ ngực không đối xứng, chảy xệ hoặc nhăn nheo sau phẫu thuật. Nhiều người hút mỡ bụng, tay với mơ ước có vòng eo thon gọn, cánh tay săn chắc.Tuy nhiên, một nghiên cứu của đại học Colorado Denver (Mỹ) năm 2011 chỉ ra rằng, cơ thể sẽ phục hồi toàn bộ lượng chất béo mất chỉ một năm sau đó.
4. Kết quả không như mong đợi
Mỗi người chỉ có một cơ thể duy nhất. Bởi vậy, nếu bạn chỉnh sửa hình dạng bên ngoài bằng các biện pháp phẫu thuật, chúng khó có thể trở lại trạng thái ban đầu. Nhiều người tự an ủi rằng, nếu họ xấu thì kết quả dẫu thế nào thì họ cũng đâu có gì để mất. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều hài lòng với kết quả do phẫu thuật sắc đẹp mang lại. Một nghiên cứu cho thấy, các thủ thuật căng da mặt, nâng chân mày, mí mắt không thực sự làm bạn hấp dẫn hơn.
Viện Phẫu thuật Thẩm mỹ của Mỹ cho hay, khoảng 1/3 các bệnh nhân không hài lòng với nhan sắc mới. Nhiều người rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm và mất tự tin sau khi làm đẹp.

Đọc thêm