5 lần bị nhiễm trùng sau khi nâng mũi filler không rõ nguồn gốc

(PLVN) -Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế  vừa chữa trị thành công cho một phụ nữ bị nhiễm trùng sau khi nâng mũi. Đây là lần thứ 5 bệnh nhân tái diễn nhiễm trùng.
Các bác sĩ phẫu thuật mũi hở, làm sạch, cắt bỏ tổ chức viêm xơ và kết hợp tạo hình thu gọn đầu mũi
Các bác sĩ phẫu thuật mũi hở, làm sạch, cắt bỏ tổ chức viêm xơ và kết hợp tạo hình thu gọn đầu mũi

Theo thông tin từ chị V.T.K.T (25 tuổi, ở H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế)- người bị nhiễm trùng sau nâng mũi cho biết, cách đây 5 năm chị T. đã tìm đến một cơ sở làm đẹp không phép của một người bạn của chị để nâng mũi. Cơ sở này đã tiêm chất làm đầy (filler) nhưng không rõ loại, nguồn gốc.

Trong khoảng 1 năm nay, chị T. bắt đầu có triệu chứng đau, khó chịu và biến dạng vùng mũi. Sau đó, chị T. đi khám và được phát hiện bị nhiễm trùng. Dù đã điều trị nhiều lần nhưng mũi chị T. vẫn không khỏi.

Gần đây, chị T. nhập viện tại bệnh viện Đại học Y Dược Huế trong lần nhiễm trùng tái diễn lần thứ 5. Tại đây, chị T. được tiến hành thăm khám và chụp cộng hưởng từ MRI. Dựa vào triệu chứng lâm sàng và phim MRI, các bác sĩ nghĩ đến vật liệu được dùng để tiêm vào mũi bệnh nhân có thể là Silicon lỏng hoặc Parafin, những chất này không phải là vật liệu sử dụng trong y tế.

Bệnh nhân sau đó được tiến hành phẫu thuật mũi hở, làm sạch, cắt bỏ tổ chức viêm xơ và kết hợp tạo hình thu gọn đầu mũi. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, hiện bệnh nhân đã được xuất viện với tình trạng sức khỏe tốt.

Theo ThS.BS Lê Hồng Phúc, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Lồng ngực, phụ trách đơn vị phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đại học Y dược Huế) cho biết, tiêm chất làm đầy để nâng mũi đã và đang rất được nhiều chị em phụ nữ áp dụng vì tiêm ít đau, làm nhanh, chi phí thấp hơn nhiều so với phương pháp nâng mũi bằng chất làm đầy rõ ràng nguồn gốc.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở làm đẹp vì lợi nhuận đã sử dụng chất làm đầy kém chất lượng, quy trình thực hiện không đảm bảo, rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Ngoài ra, khi làm đẹp hay can thiệp để nâng mũi bởi những người không có chuyên môn thì hậu quả có thể rất nguy hiểm, như nhiễm trùng, hoại tử da, thậm chí mù mắt.

“Thông thường chất làm đầy sẽ tan ra sau 6-12 tháng và được đào thải khỏi cơ thể, do đó nếu thực hiện đúng cách thì thủ thuật tiêm filler nâng mũi là an toàn. Vì vậy, các chị em phụ nữ khi có nhu cầu làm đẹp nói chung, nâng mũi nói riêng cũng cần biết lựa chọn cơ sở hợp pháp, uy tín, chất lượng để an toàn và đạt được mong muốn của mình”- Bác sĩ Phúc chia sẻ.