Ẩn họa từ kim lăn làm đẹp

(PLO) - Lăn kim là phương pháp làm đẹp được không ít các Spa quảng cáo có tác dụng “thần thánh”. Nhưng tại thị trường Việt Nam, nơi mà giá kim lăn nào cũng có, kỹ thuật làm đẹp này đang trở thành mối họa ẩn mình.
Kim lăn không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên mạng
Kim lăn không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên mạng

Cơn sốt làm đẹp bằng phương pháp lăn kim đang được không ít phụ nữ mê mẩn. Lăn kim còn được gọi là liệu pháp tăng sinh collagen, bởi cơ chế đặc thù giúp tăng khả năng sản sinh collagen mạnh mẽ, nhằm khắc phục các khiếm khuyết của da một cách tự nhiên và an toàn. Phương pháp này sử dụng một bánh lăn nhựa chứa hàng trăm đầu kim, kích thước rất nhỏ (khoảng 0.07mm), dài từ 0.2 - 0.3mm.

Khi lăn kim trên da, làn da phản ứng với những vết kim này như là những vết thương và tạo ra nhiều yếu tố làm lành da, trong đó chủ yếu là sự tái tạo phát triển mô da. Đồng thời, tế bào gốc sẽ được đưa vào da giúp tăng sinh các tổ chức liên kết da, tăng sinh collagen, giúp làn da được làm mới, mịn và làm đầy các vết sẹo rỗ cũng như sẹo lõm vùng da điều trị.

Tại các Spa, giá của một liệu trình lăn kim (5 lần) là 20 triệu đồng. Sau khi lăn kim, các chuyên gia sẽ đắp các dưỡng chất lên da như vitamin C, retinoids... hay tế bào gốc lên da. Thậm chí có nơi lên đến 50 triệu đồng một liệu trình. Ở các Spa, clinic vừa và nhỏ, giá dao động từ 6 -15 triệu đồng. Nhằm tiết kiệm chi phí nên hiện nay chị em đang có xu hướng mua kim về tự lăn ở nhà. Tuy nhiên, việc làm đẹp “tự xử” này có thật sự an toàn cho sức khỏe của phụ nữ?

Trên thị trường hiện có nhiều loại hình dịch vụ với nhiều loại kim lăn, giá dao động từ 300.000 đến 700.000 đồng. Trong khi các loại kim lăn như Droller, Stamp của Hàn Quốc, Đức có giấy chứng nhận được bán từ 1,5 triệu - 3 triệu đồng/chiếc. Thực tế, các cây kim có giá rẻ này chủ yếu từ Trung Quốc.

Theo chuyên viên thẩm mỹ, sự khác nhau giữa các loại này thể hiện ở chất liệu và lỗ kim. Kim lăn chính hãng có đường kính cực nhỏ, nhờ vậy, các vi tổn thương đóng lại trong vòng 15 phút ở lớp biểu bì và vài giờ ở lớp bì. Sau khi làm đẹp, hiện tượng đỏ trên da sẽ giảm nhanh chóng và thường hết trong 24 giờ. Trong khi đó, với loại kim lăn kích cỡ lớn các tổn thương sẽ lâu lành hơn, do bị cùn sau 3 lần sử dụng. Nếu chất lượng kim kém, trục trặc có thể xảy ra.

Theo bác sĩ Hồ Xuân Nguyệt, Trưởng khoa Thẩm mỹ Bệnh viện Bạch Mai, không phải ai cũng có thể lăn kim, tùy theo tình trạng da và sức khỏe mà các chuyên gia, bác sĩ sẽ tư vấn chọn lựa phương pháp cũng như độ dài kim phù hợp.

“Làm đẹp ở các cơ sở tư nhân khá là liều lĩnh, bởi các nơi này không có bác sĩ đủ trình độ chuyên môn hay sử dụng kim lăn kém chất lượng, chưa được kiểm định của Bộ Y tế, không những không mang lại hiệu quả mà có thể sẽ gây những tổn thương nặng nề cho da” - bác sĩ Nguyệt cho biết. 

Đọc thêm