Ăn mặn, có bệnh không được phát hiện đang là gánh nặng bệnh tật

(PLO) Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 66,3% bệnh tật của người dân Việt Nam là bệnh không lây nhiễm. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

 Sáng 8/9, Hội thảo Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (BKLN) do Cục Y tế dự phòng phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các đơn vị liên quan thực hiện trong năm 2015 đã diễn ra tại Hà Nội.

Kết quả điều tra cho thấy các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng và gây ra gánh nặng lớn về số năm sống tàn tật do bệnh.Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là thách thức toàn cầu và là gánh nặng ngày càng gia tăng cho xã hội và hệ thống y tế. Tương tự như các quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch dịch tễ với sự gia tăng gánh nặng BKLN.

Các BKLN chiếm tỷ trọng lớn trong các nguyên nhân gây tử vong, tăng từ 56% năm 1990 đến 72% năm 2010. Quan trọng hơn, BKLN gây ra gánh nặng lớn về số năm sống tàn tật do bệnh. Trong tổng số gánh nặng bệnh tật đo lường bằng Dalys tại Việt Nam năm 2010, có 66.3% là do BKLN. 

Ăn mặn, lạm dụng bia rượu, ít hoạt động thể lực là nguyên nhân

Cuộc điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ BKLN năm 2015 (gọi tắt là điều tra STEPS) sử dụng công cụ và phương pháp chuẩn hóa của WHO cho đối tượng 18-69 tuổi với mục đích thu thập thông tin về các hành vi nguy cơ gồm hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chế độ ăn không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, mô tả thực trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu và ước lượng mức tiêu thụ muối trung bình quần thể. Tổng số người được chọn tham gia là 3.856 người.

Kết quả điều tra cho thấy vấn đề sử dụng rượu, bia ở mức có hại là nguyên nhân chính hoặc là một trong những nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh tật và chấn thương theo phân loại bệnh tật quốc tế ICD10, trong đó 30 bệnh ngay trong tên gọi đã có từ rượu như “loạn thần do rượu” hay “rối loạn do rượu”.

Sử dụng rượu bia là tác nhân liên quan đến bệnh tim do tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, đột quỵ, ung thư, rối loạn tâm thần và các hậu quả xã hội như tai nạn thương tích, bạo lực, giảm khả năng làm việc. Số liệu điều tra cho thấy có sự khác biệt đáng kể về thực trạng tiêu thụ đồ uống có cồn giữa nam và nữ. Tỷ lệ có uống rượu bia ở nam giới là 77.3% và nữ giới là 11%. Sự khác biệt này phù hợp với thực tế của Việt Nam là phụ nữ thường ít uống rượu bia. 

Bên cạnh đó, nhóm tuổi cao hơn tiêu thụ nhiều rượu bia hơn so với nhóm tuổi trẻ. Tỷ lệ uống rượu bia hàng ngày trong nhóm tuổi 18-29 là 2.1%, nhóm tuổi 30-49 là 15.2%, nhóm tuổi 50-69 là 29.9%. So với năm 2010, tỷ lệ uống rượu bia đã tăng lên đáng kể từ 37% (2010) lên 44.8% (năm 2015) trong nhóm tuổi 25-64. Sự gia tăng được thể hiện ở cả hai giới nam và nữ qua hai vòng điều tra. 

Đặc biệt trong số nam giới, có tới 44.2% uống rượu bia ở mức nguy hại. Cùng với đó, tình trạng ăn thiếu rau và trái cây của người dân tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức rất cao so với thế giới.

Theo khuyến nghị của WHO thì một người trưởng thành phải ăn 400g/ngày để phòng chống bệnh tim mạch, ung thư và các BKLN khác. Tuy nhiên điều tra này chỉ ra rằng có đến 57.2% dân số trưởng thành của Việt Nam ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể ở nam (63.1%) so với nữ (51.4%). 

Vấn đề tiêu thụ muối của Việt Nam cũng rất đáng lo ngại vì ăn nhiều muối có nguy cơ gây tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. WHO đã khuyến cáo một người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối/người/ngày, nhưng ở Việt Nam là 9.4g muối/người/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo. Điều đáng chú ý là người dân đều biết tác hại của việc ăn nhiều muối nhưng lại không biết hiện tại họ đang ăn quá nhiều muối. Kết quả điều tra cũng cho thấy gần 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của WHO (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần). 15.6% số người dân Việt Nam bị thừa cân béo phì và không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng nhanh theo thời gian và tập trung ở khu vực thành thị.

Tỷ lệ mắc tăng huyết áp tăng khá cao từ 15.3% (năm 2010) lên 20.3% (2015) trong độ tuổi từ 25-64 tuổi. Tỷ lệ tăng đường huyết cũng tăng nhanh theo thời gian với 4.1%. Tỷ lệ người tăng cholesterol máu khá cao (≥ 5.0mmol/l), chiếm 30.2%. Tỷ lệ này không thay đổi giữa hai vòng điều tra năm 2010 và năm 2015. 

Rất nhiều người mắc bệnh chưa được phát hiện

TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chỉ ra rằng, trong số người được phát hiện tăng huyết áp ở điều tra này, chỉ có 43.1% từng được chẩn đoán bởi bác sĩ trước đó, tức là có đến 56.9% còn lại chưa được phát hiện. Tỷ lệ được quản lý tại cơ sở y tế chỉ có 13.6%. Và trong số người được phát hiện tăng đường huyết ở điều tra này, chỉ có 31.1% từng được chẩn đoán bởi bác sĩ trước đó, 68.9% chưa được phát hiện, tỷ lệ được quản lý tại cơ sở y tế chỉ có 28.9% .

Trước thực trạng trên, chiến lược quốc gia phòng chống BKLN đặt ra mục tiêu 50% số người bệnh được phát hiện và 50% số người phát hiện bệnh được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn đối với bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi chương trình phải tăng cường các dịch vụ phát hiện sớm và triển khai các dịch vụ điều trị bệnh lâu dài tại tuyến y tế cơ sở. 

Và một trong các chỉ số quan trọng của kế hoạch phòng chống BKLN toàn cầu là tăng “Tỷ lệ người 40-69 tuổi có nguy cơ tim mạch ≥ 30% trong 10 năm tới hoặc đang bị bệnh tim mạch” được nhận thuốc điều trị và tư vấn (bao gồm cả thuốc điều trị đường huyết) để phòng bệnh tim mạch và đột quỵ. 

Đối với Việt Nam qua điều tra cho thấy chỉ số này hiện ở mức thấp, độ bao phủ của dịch vụ là 28.9%. Đối với sàng lọc ung thư cổ tử cung chỉ có 1 trong 4 phụ nữ, chiếm 24.9% tuổi từ 18- 69, và 1 trong 3 phụ nữ, chiếm 31.5% tuổi từ 30-49 từng được sàng lọc ung thư cổ tử cung. 

Từ kết quả điều tra trên, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng cần phải đầy mạnh hơn nữa các giải pháp phòng chống yếu tố nguy cơ của BKLN, tập trung vào các yếu tố nguy cơ đang có xu hướng gia tăng như tăng cường chính sách pháp luật về phòng chống tác hại của rượu bia, có can thiệp hiệu quả để giảm tiêu thụ muối thông qua các chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông, các quy định về công bố hàm lượng muối và cảnh báo về tác hại sức khỏe của việc ăn nhiều muối trên nhãn sản phẩm, thực phẩm. Xây dựng chương trình kiểm soát thừa cân béo phì. Tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý BKLN tại cộng đồng. Đẩy mạnh tầm soát ung thư cổ tử cung…

Đọc thêm