Ánh nắng gây hại mắt thế nào?

(PLO) - Tôi 54 tuổi, công việc của tôi phải làm ngoài trời. Tôi nghe nói, bức xạ tia cực tím làm tăng nguy cơ thoái hóa mắt, nên rất lo lắng. Mong bác sĩ giải thích thêm về điều này.

Có nhiều bằng chứng cho thấy tiếp xúc với tia cực tím (UV) góp phần làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng ở mắt, đồng thời dễ gặp tổn thương như viêm giác mạc, thậm chí phỏng giác mạc (với các triệu chứng như cộm, khó chịu, đỏ mắt, chói mắt, chảy nước mắt), đục thủy tinh thể hay cườm khô, suy thoái hoàng điểm... Nguyên nhân là do trong ánh nắng có tia cực tím cường độ cao, khiến mắt khô, đỏ, có cảm giác phỏng đau, có vật lạ trong mắt hay sợ sáng. Các tia sáng mạnh có thể vào sâu hơn trong mắt, gây tổn thương võng mạc. Võng mạc là một lớp thần kinh nhạy cảm với ánh sáng, nếu lớp thần kinh này bị phỏng, nhất là vùng trung tâm (hoàng điểm) thì mắt nhìn mờ, khó phục hồi. Ngoài ra, tia cực tím ở những nguồn sáng mạnh cũng có thể gây ra phản ứng hóa học trong thủy tinh thể, làm đục thủy tinh thể, mắt mờ, tăng tiến trình lão hóa mắt. Tổn thương ở mắt có thể là tức thời hoặc lâu dài sau khi hấp thụ tia UV có trong ánh nắng mặt trời.

Vì vậy khi phải làm việc ngoài trời nắng, bác nên trang bị kính bảo vệ mắt nhất là vào các buổi trưa. Tránh nhìn vào ánh sáng chói như đèn hàn xì, mặt trời ngày nhật thực,... để bảo vệ mắt./.

Đọc thêm