Bác sĩ sản khoa lên án trào lưu “sinh con thuận tự nhiên”

(PLO) - Sinh con thuận tự nhiên đang là chủ đề được bàn tán xôn xao từ trên các trang mạng xã hội cho tới các câu chuyện của chị em ở nơi công sở hay câu chuyện trong các gia đình. 
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Trước những luồng ý kiến gây nhiều tranh cãi trong dư luận về việc 'sinh con thuận tự nhiên', các bác sĩ sản khoa đều nhấn mạnh các chị em phụ nữ mang thai tuyệt đối không tự ý sinh con tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được hỗ trợ, tránh xảy ra những tai biến nghiêm trọng. Đồng thời, cần xem xét chọn lọc các nguồn thông tin trên các diễn đàn, trang mạng xã hội,... bởi ngày nay có quá nhiều luồng thông tin không chính thống, không có cơ sở chuyên môn,... sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe cho chính bản thân và những người xung quanh.

Chẳng phải bỗng nhiên mà nhiều năm gần đây, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế là hết sức quan tâm đến vùng sâu vùng xa. Bởi vốn dĩ, ở những vùng này không đầy đủ cán bộ chuyên môn nên tình trạng tử vong khi sinh của mẹ và con vẫn còn cao.

Thực tế, mới đây nhất, Bộ Y tế đã tôn vinh những cô đỡ thôn bản để khuyến khích, động viên họ bám nghề, bám dân, hướng dẫn thai phụ vượt cạn an toàn. Sức khỏe bà mẹ trẻ em luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Việt Nam.

Tỷ số tử vong mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ được sinh ra vào năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ được sinh ra vào năm 2009. So với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001 - 2010 tỷ số tử vong mẹ là 70/100.000 trẻ được sinh ra vào năm 2010 thì ngành y tế đã hoàn thành chỉ tiêu này trước 1 năm.

Nhiều tổ chức y tế uy tín trên thế giới cũng đưa ra khuyến cáo về mức độ an toàn chưa được kiểm chứng của thực hành liên sinh và cảnh báo những nguy cơ mẹ và bé phải đối mặt nếu áp dụng liên sinh – sinh con tại nhà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế và không cắt dây rốn. Bánh nhau chứa đầy máu, vì thế rất dễ nhiễm trùng. Một thời gian ngắn sau khi sinh, khi dây rốn ngừng đập, sẽ không còn tuần hoàn trong bánh nhau và bánh nhau trở thành mô chết. Việc để cơ thể em bé thông nối với mô chết đang phân hủy trong khoảng thời gian 3 đến 10 ngày, thậm chí 2 tuần, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho tính mạng em bé.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh (Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), cuộc vượt cạn của mỗi bà mẹ đều đứng trước ngưỡng cửa nguy hiểm. Quá trình sinh con, thậm chí là sinh ở cơ sở y tế vẫn luôn ẩn chứa rất nhiều nguy cơ không thể lường trước. Có những lúc thai nhi đang bình yên, người mẹ khỏe mạnh nhưng bỗng vỡ ối, sa rau thai chèn vào thai gây suy thai, lúc đó cần phải khẩn cấp đưa sản phụ lên bàn mổ. Hoặc có những khi sản phụ đang đẻ nhưng rau thai bong ra, máu chảy ồ ạt, nếu lúc này, bác sĩ không xử lý kịp thời sản phụ có thể tử vong ngay lập tức. 

“Chúng ta tôn trọng tự nhiên nhưng không phải chấp nhận mọi tự nhiên vì tự nhiên luôn ẩn chứa nhiều điều bất thường. Cuộc vượt cạn luôn có nhiều rủi ro và không phải cuộc đẻ nào cũng thuận theo tự nhiên. Khi chuyển dạ không thuận theo tự nhiên, nếu không có kiến thức về sản khoa, không có y học hiện đại thì sẽ không thể xử trí những bất ngờ có thể xảy ra”, PGS Ánh phản đối cách truyền bá “sinh con thuận tự nhiên” phản khoa học.

Đồng quan điểm, TS.BS Vũ Bá Quyết (Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương) nhấn mạnh: “Ngành y tế hết sức tôn trọng và luôn cố gắng hướng đến thuận tự nhiên trong quá trình can thiệp, hỗ trợ bệnh nhân. Nhưng điều đó có nghĩa là khuyến khích chị em đi khám thai định kỳ, chờ chuyển dạ và sinh tự nhiên, không kích đẻ hay vội vàng mổ đẻ, chứ không phải là tự sinh tại nhà”./.

Đọc thêm