Bác sỹ gia đình - cần nhưng không mặn mà?

(PLO) - Bác sỹ gia đình là  mô hình phổ biến trên thế giới và khu vực, nhưng ở nước ta mới chỉ manh nha phát triển. Với diễn biến tình hình bệnh tật hiện nay, đây được xem là mô hình cần quan tâm đầu tư. Nhưng để triển khai hiệu quả mô hình này là việc không dễ dàng. 
Phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên
Phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên
Bác sĩ gần dân nhất 
Đó là khẳng định của các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo bộ chủ quản khi bàn về vấn đề phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ). Theo đó, BSGĐ sẽ là BS đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. 
Đó cũng là những BS hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.
Thực tế, mô hình BSGĐ đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Tại Việt Nam, từ năm 1998, Dự án phát triển đào tạo BSGĐ với sự tài trợ bởi Quỹ CMB (China Medical Board of New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Tháng 3/2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo BS chuyên khoa cấp I Y học gia đình. 
Đến nay chuyên ngành BSGĐ đã được thành lập tại nhiều trường đại học y – dược trên cả nước. Hoạt động BSGĐ cũng đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và TP.HCM với các mô hình khác nhau như: Trung tâm BSGĐ, phòng khám BSGĐ, trạm y tế có hoạt động BSGĐ… 
Theo Bộ Y tế, hiện nay mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách. 
Xuất  phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình BSGĐ ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Người trong cuộc không mặn mà
Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động BSGĐ, TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, giữa năm 2014 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ. Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay đã có 6/8 Sở Y tế tổ chức thực hiện mô hình BSGĐ và phòng khám BSGĐ tại địa phương và bước đầu đã thu được kết quả khích lệ. 
Một số Sở Y tế đã cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ và giấy phép hoạt động phòng khám BSGĐ. Theo báo cáo của 6/8 tỉnh, tính đến tháng 6/2014, các phòng khám BSGĐ đã thực hiện được 353.000 lượt khám bệnh, chữa bệnh, 2.743 lượt khám, chữa bệnh cấp cứu, 7.002 ca thủ thuật và chuyển tuyến 11.514 ca, khám bệnh tại nhà... Đặc biệt, nhiều phòng khám này đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, tổ chức hội chẩn trực tuyến… 
Ngoài hoạt động khám, chữa bệnh tại phòng khám, TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, các phòng khám BSGĐ còn thực hiện quản lý sức khỏe, thực hiện công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tham gia truyền thông phòng bệnh, vận động tiêm chủng… 
Tuy vậy, ông Khuê cũng thẳng thắn thừa nhận mô hình hoạt động BSGĐ tại nước ta hiện nay vẫn là mô hình mới, chưa được quan tâm, đầu tư tương xứng, hoạt động còn tản mạn, nhiều hạn chế, bất cập và hiệu quả chưa cao. Việc thành lập phòng khám BSGĐ còn chưa hấp dẫn đối với tư nhân nên các phòng khám BSGĐ tư nhân còn quá ít; người dân chưa hiểu đầy đủ về mô hình phòng khám BSGĐ...  
Đặc biệt, theo quan điểm của những “người trong cuộc”, mô hình BSGĐ có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên vì đặc thù của BSGĐ chỉ là tư vấn, chẩn đoán, theo dõi, giới thiệu bệnh nhân lên tuyến trên mà không được kê đơn bán thuốc nên các BS sẽ không “mặn mà” lắm với loại hình khám chữa bệnh này. Mặt khác, BSGĐ đòi hỏi phải là một thầy thuốc giỏi toàn diện, để có thể vừa chẩn đoán, phân loại đúng bệnh nhân, vừa kết nối, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khám chữa bệnh cho phù hợp. 
Theo lương y Chu Văn Tiến, Phòng khám Đa khoa tư nhân Minh Quang, Hà Nội, để phát triển loại hình này, trước hết triển khai tốt hoạt động đào tạo, tiếp theo phải có chế độ đãi ngộ thật xứng đáng mới thu hút được các lương y tham gia, vì so với y tế thôn bản, họ chỉ cần học qua lớp sơ cấp khoảng 3 tháng là có thể khám chữa bệnh và dự phòng bệnh cho người dân. 
Tuy nhiên, vì chính sách đãi ngộ quá thấp so với công sức mà họ bỏ ra nên chỉ ở các vùng sâu, vùng xa, các nhân viên y tế mới nhiệt tình cống hiến. Còn những nơi phát triển như thành phố, thị xã, rất ít cán bộ y tế cơ sở lựa chọn công việc này bởi họ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn, nếu trực tiếp hành nghề tại các phòng khám tư nhân. 
Vừa qua tại Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội đã bế giảng lớp đào tạo Chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý Y học gia đình khóa I. Các học viên của lớp học là các BS của Bệnh viên Tim Hà Nội, phòng khám đa khoa và BS trạm y tế tuyến huyện các tỉnh Nghệ An, Phú Thọ... 
Sau 3 tháng đào tạo, các học viên được tham gia đào tạo các lớp chuyên khoa về bộ môn mắt, tim, lão khoa, y học, y học cổ truyền, da liễu, tổng hợp y học gia đình. Bên cạnh đó, các học viên cũng được đào tạo về khả năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý để chăm sóc tinh thần cho người bệnh...

Đọc thêm