“Bài thuốc” pháp lý cho “thầy lang” chưa có bằng cấp

(PLO) - Như PLVN đã phản ánh trong bài Rắc rối của phương thuốc bí truyền: Ông Nghị có bài thuốc hiệu nghiệm cai thuốc lá, nhưng do ông chưa có bằng cấp nên nguy cơ bị cấm hành nghề. Theo luật, ông Nghị có thể đăng ký bài thuốc trên là bài thuốc gia truyền để hành nghề hợp pháp hay không? PL&TĐ đã có cuộc trao đổi cùng Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam):
“Bài thuốc” pháp lý cho “thầy lang” chưa có bằng cấp
- Thưa ông, thế nào là bài thuốc gia truyền?
Quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” ban hành tại Quyết định 39/2007/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là Quy chế) đã định nghĩa: “Bài thuốc gia truyền” là bài thuốc kinh nghiệm lâu đời của dòng tộc, gia đình truyền lại, có hiệu quả điều trị với một bệnh nhất định, có tiếng ở trong vùng, được nhân dân tín nhiệm, được Hội Đông y và y tế xã/phường/thị trấn sở tại và Sở Y tế công nhận”.
- Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền?
Giám đốc sở Y tế là người thực hiện việc xét duyệt và cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền.
- Ý nghĩa của Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền?
Theo quy định tại Điều 5 Quy chế thì người có Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền sẽ được đăng ký hành nghề tại nơi cấp giấy chứng nhận dưới một trong hai hai hình thức hành hành nghề sau:
- Khám, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền.
- Sản xuất, kinh doanh bằng bài thuốc gia truyền, nhưng phải tiến hành thủ tục đăng ký theo quy định của Bộ Y tế. 
- Thủ tục cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền?
Thủ tục gồm 5 bước như sau:
- Bước 1: Người đề nghị gửi hồ sơ về Sở y tế, nộp lệ phí theo quy định
- Bước 2: Sở Y tế tiếp nhận hồ sơ và có trách nhiệm giữ bí mật bài thuốc theo quy định của pháp luật.
- Bước 3: Sở Y tế kiểm tra hồ sơ. Nếu Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì tổ chức thẩm định để cấp giấy chứng nhận. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cụ thể để đương sự bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
- Bước 4: Căn cứ vào biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định, Giám đốc Sở Y tế xem xét và ra quyết định cấp hoặc không cấp giấy chứng nhận. Nếu bài thuốc không được công nhận là bài thuốc gia truyền thì Giám đốc Sở Y tế có công văn nêu rõ lý do không công nhận để thông báo cho người đề nghị cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền biết.
- Bước 5: Trả kết quả.
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền?
Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền có xác nhận của Chi hội Đông y, Trạm y tế và UBND cấp xã nơi người có bài thuốc cư trú 
- Sơ yếu lý lịch ghi rõ quá trình hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền của dòng tộc, gia đình và bản thân (có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú) 
- Bản giải trình về bài thuốc gia truyền, trong đó phải ghi rõ: Xuất xứ của bài thuốc qua các đời trong dòng tộc, gia đình, nơi đã sử dụng bài thuốc để điều trị; Công thức của bài thuốc (ghi rõ tên từng vị, liều lượng); Cách gia giảm (nếu có); Cách bào chế; Dạng thuốc; Cách dùng, đường dùng; Liều dùng; Chỉ định và chống chỉ định 
- Tư liệu chứng minh hiệu quả điều trị của bài thuốc: 
+ Sổ theo dõi người bệnh (có ghi đầy đủ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ, nghề nghiệp, chẩn đoán, kết quả điều trị và thời gian điều trị) 
+ Danh sách người bệnh (tối thiểu từ 100 người trở lên) ở trong vùng, địa phương gần nhất đã điều trị có hiệu quả trong thời gian gần nhất (gồm: Họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ, nghề nghiệp, chẩn đoán, kết quả điều trị và thời gian điều trị) 
- Văn bản xác nhận được quyền thừa kế bài thuốc đó theo quy định của pháp luật hiện hành, được UBND cấp xã xác nhận) hoặc công chứng, chứng thực.
- Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện từ cấp quận, huyện trở lên cấp 
- Hai ảnh cỡ 4 x 6 cm, chụp kiểu chứng minh thư nhân dân.
Có thể đi học để lấy Giấy chứng nhận lương y
- Với những quy định như trên, ông Nghị có được đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền?
Dự đoán, ông Nghị sẽ gặp vướng mắc về những điều kiện sau:
Thứ nhất, bài thuốc này ông Nghị có được không phải là do dòng tộc, gia đình truyền lại mà do người khác truyền lại. Trường hợp được người ngoài dòng tộc, gia đình truyền lại thì có coi là bài thuốc gia truyền hay không thì Quy chế không có quy định cụ thể.
Thứ hai, hồ sơ yêu cầu phải có văn bản xác nhận ông Nghị được quyền thừa kế bài thuốc. Điều này rất khó thực hiện bởi cụ già truyền lại cho ông Nghị bài thuốc từ năm 1982 có còn sống hay không để xác nhận cụ đồng ý cho ông Nghị thừa kế bài thuốc.
- Nếu bài thuốc không được chứng nhận là bài thuốc gia truyền, ông Nghị cần phải làm thủ tục gì để đăng ký bài thuốc này?
Nếu bài thuốc này không được chứng nhận là bài thuốc gia truyền, ông Nghị cần phải thực hiện thủ tục đăng ký thuốc thông thường theo quy định tại Luật dược và Thông tư 44/2014//TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế. Căn cứ để đăng ký thuốc bao gồm: Kết quả thử lâm sàng về hiệu lực và độ an toàn của thuốc; Tài liệu kỹ thuật về thuốc; Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam.
Ngoài ra, khi đăng ký thuốc, ông Nghị sẽ phải đáp ứng yêu cầu là có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.
- Trong trường hợp bài thuốc không được cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, ông Nghị sẽ gặp khó khăn ra sao trong việc hành nghề?
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (LKCB) nghiêm cấm: “Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề”. Do ông Nghị không có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế nên theo quy định tại Điều 18 LKCB thì ông Nghị chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề khi có một trong hai loại giấy tờ sau: 
- Giấy chứng nhận là lương y; (Lương y là người có hiểu biết về lý luận y dược học cổ truyền, có kinh nghiệm khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y dược học cổ truyền có dùng thuốc hoặc không dùng thuốc được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội đông y trung ương hoặc Hội đông y cấp tỉnh).
- Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm