Bàn giải pháp thoát cảm giác “hành xác” khi học giáo dục thể chất trong trường đại học

(PLO) - Sinh viên là đội ngũ trí thức tương lai của đất nước. Sự phát triển của đất nước đòi hỏi phải có lực lượng lao động đủ năng lực trong đó bao gồm cả trí lực và thể lực.
Nhiều trường đối mặt với khó khăn khi dạy mô giáo dục thể chất là khuôn viên trường chật hẹp
Nhiều trường đối mặt với khó khăn khi dạy mô giáo dục thể chất là khuôn viên trường chật hẹp

 Chính vì thế hoạt động giáo dục thể chất trong trường Đại học có vai trò rất quan trọng trong việc rèn luyện sinh viên về thể lực để nâng cao sức khỏe với mục tiêu “Khỏe để học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy tại các trường đại học, giáo dục thể chất chưa bao giờ được xem là môn học chính và đi kèm với đó là sự quan tâm đầu tư cho môn học này vẫn rất hạn hẹp, thiếu thốn, khiến cho cả người dạy lẫn người học đều không hứng thú, thậm chí coi đây là hoạt động “hành xác”.

Đây là những tâm tư đã được nhiều giáo viên thể chất của các cơ sở đào tạo đại học trên địa Hà Nội mang đến hội thảo “Xây dựng chương trình môn học giáo dục thể chất theo Thông tư số 25/2015/TT-BGDĐ” diễn ra sáng 7/5/2016.

Tham dự hội thảo, ông Ngô Khánh Thế - Trưởng Bộ môn Giáo dục thể chất trường Đại học Luật Hà Nội đã trình bày đề xuất rất chi tiết để xây dựng môn học giáo dục thể chất theo Thông tư 25. Tuy nhiên, cũng theo ông Thế cái khó hiện nay mà trường ĐH Luật đang phải đối mặt đó là khuôn viên trường quá chật hẹp không có không gian và địa điểm cho sinh viên học giáo dục thể chất.

Để học được, trường phải đi thuê địa điểm vừa tốn kinh phí lại nguy hiểm cho cả thầy và trò trên đường di chuyển đến nơi tập luyện. Tâm tư này đã được rất nhiều giáo viên giáo dục thể chất tại các cơ sở đại học khác chia sẻ.

 Ông Đinh Quang Tuấn – Phó trưởng Khoa kiến thức giáo dục thể chất – Học viện Báo chí tuyên truyền cho rằng tuy đa phần sinh viên nhận thức được vai trò, mục đích, ý nghĩa của môn học nhưng do nhiều nguyên nhân (thiếu địa điểm tập luyện, thiếu đầu tư, bị coi là môn phụ…) mà cảm xúc của sinh viên với môn này chưa cao. Mặt khác, phương pháp giảng dạy của các thầy cô cũng chưa tạo được hứng thú cho người học…

Một vấn đề nữa trong vấn đề giáo dục thể chất đó là không phải sinh viên nào cũng đồng đều sức khỏe để tiếp nhận giống nhau các môn thể thao vì thế cần có giải pháp cụ thể cho các sinh viên có sức khỏe yếu.

 Bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Biên, Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết hiện nay đang tồn tại những bất cập như: cơ sở vật chất, giáo cụ dành cho việc tập luyện của nhóm sinh viên có sức khỏe yếu; nội dung, chương trình; việc đánh giá thành tích của giáo viên với nhóm sinh viên này… Được biết, trường ĐH Luật Hà Nội đã và đang cải cách cấu trúc chương trình giảng dạy giáo dục thể chất để nhóm sinh viên sức khỏe yếu cũng có cơ hội luyện tập thể thao thông qua hai môn học cờ vua và yoga.

Tóm lại, cũng như nhiều môn học khác, với tầm quan trọng của mình môn Giáo dục thể chất trong các cơ sở giáo dục đại học cũng rất cần được sự quan tâm, đầu tư và hướng tới tiêu chí “không dạy những gì thầy cô có, mà dạy những gì sinh viên cần” để tạo hứng thú cho cả người dạy, người học bởi nhu cầu, khả năng về thể lực, thể thao không phải ai cũng giống ai.

Đọc thêm