Bao giờ Việt Nam kết thúc chiến dịch phòng chống AIDS?

(PLO) - Sau thành công của 5 hội nghị khoa học về HIV/AIDS, hôm qua (24/11), hội nghị khoa học quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ VI với chủ đề: “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 về phòng chống HIV/AIDS” đã khai mạc tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Bao giờ Việt Nam kết thúc chiến dịch phòng chống AIDS?
100% tỉnh, thành có báo cáo về người nhiễm HIV
Cùng với việc đưa ra những dự báo quan trọng về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam trong thời gian tới, những định hướng ưu tiên nghiên cứu khoa học cho chương trình phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020, việc đề xuất các giải pháp để duy trì tính bền vững, hiệu quả của chương trình phòng chống HIV/AIDS ở nước ta là một trong những mục tiêu cơ bản  của hội nghị khoa học lần này.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, cuộc chiến phòng, chống AIDS của Việt Nam đã trải qua hơn 25 năm, nhưng câu hỏi đến bao giờ Việt Nam mới kết thúc đại dịch này thì không ai có thể trả lời được. 
Tuy nhiên, ít nhiều Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng biểu dương trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, tuy vậy khó khăn trong công tác này vẫn còn rất nhiều. 
Cũng theo Thứ trưởng Long, từ năm 1990, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, tính đến nay lũy tích số người phát hiện nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo là 227.154, số bệnh nhân AIDS 83,538 và tổng số tử vong được báo cáo là 86.249 người. 
Đã có trên 80,3% số xã phường, 98,9% số quận/huyện, 100% tỉnh/thành phố trong toàn quốc đã có báo cáo về người nhiễm…
Các bà mẹ phải được sàng lọc, phát hiện, tiếp cận sớm 
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho rằng, đại dịch AIDS hiện vẫn là một dịch bệnh đáng quan tâm bởi nó không chỉ làm kiệt quệ nền kinh tế một số quốc gia, gây hoảng loạn trong xã hội và tiếp tục là mối đe dọa trật tự xã hội, an ninh, chính trị. 
Tuy nhiên, Chính phủ, người dân Việt Nam đã ý thức được đại dịch này, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, chúng ta đã ngăn chặn và từng bước đẩy lùi được đại dịch; nhiều mô hình được triển khai nhân rộng; nhiều cách làm hay được phổ biến. Đến nay đã là năm thứ 8 liên tiếp số người nhiễm, chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong do AIDS ở nước ta đều giảm. 
Vấn đề quan trọng hiện nay, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là các vấn đề liên quan phòng chống, dự phòng, điều trị HIV/AIDS đều cần sự vào cuộc của khoa học, sự tham gia của toàn xã hội. Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu, khuyến nghị của các nhà khoa học phải được triển khai trong thực tế; để những người nhiễm đều phải được tiếp cận với các phương pháp điều trị… 
Đồng chủ trì hội nghị khoa học quốc gia về HIV/AIDS lần thứ VI, GS. Francoise Barre-Sinoussi – nhà khoa học đầu tiên tìm thấy bằng chứng enzyme  của vi rút HIV cho rằng, phải làm thế nào có được nhiều hơn nữa sự tiến bộ trong việc ngăn ngừa, kiểm soát HIV/AIDS. 
Muốn vậy, theo GS. Francoise Barre-Sinoussi, các bà mẹ phải được sàng lọc, phát hiện, tiếp cận sớm hơn với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị, dự phòng HIV; ngăn chặn các trường hợp nhiễm mới; bên cạnh đó phải tăng cường hơn nữa sự tiếp cận với các thuốc, biện pháp dựa vào cộng đồng; giảm sự phân biệt, kỳ thị từ cộng đồng đối với người nhiễm. 
Ngoài ra, việc tìm ra vắc xin phòng ngừa HIV/AIDS cũng phải được tiếp tục nghiên cứu, đồng thời phải tìm hiểu thêm đâu là nguồn bệnh lây lan HIV? Các bệnh dịch nguy hiểm (như ung thư) có mối liên quan thế nào với vi rút HIV? 
Cùng với đó, việc xây dựng các chiến lược khoa học toàn cầu cho phòng chống AIDS trong tương lai; mô hình điều trị kết hợp; bộ công cụ dự báo phát hiện các ổ bệnh… cũng phải được nghiên cứu, xem xét - GS. Francoise Barre-Sinoussi cho biết. 
Phải cố gắng đạt được 100-100-100!
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mục tiêu 90-90-90 về phòng chống AIDS của Việt Nam là năm 2020 Việt Nam có  90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người đã được điều trị ARV kiểm soát được lượng vi rút trong cơ thể mình. Và hội nghị khoa học lần này là hành động rất thiết thực trong Tháng hành động quốc gia, giúp chúng ta đạt được các mục tiêu đó. 
“Sự có mặt của các nhà khoa học tại hội nghị này là minh chứng cho sự chung tay, đồng lòng tham gia phòng, chống AIDS, và sự chung tay, đồng lòng này sẽ giúp chúng ta chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 như Liên Hợp quốc đã kêu gọi. Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt được mục tiêu 90-90-90, mà chúng ta phải cố gắng đạt được 100-100-100. Đừng đợi đến năm 2020, 2030 mà hãy bắt đầu bây giờ, ngay lúc này!” – Phó Thủ tướng kêu gọi. 

Đọc thêm