Bệnh nhân ung thư phấn khởi vì được ở nhà lưu trú miễn phí

(PLO) - Không còn phải vạ vật ngoài hành lang, gầm cầu thang, những bệnh nhân đang điều trị ung thư tại Hà Nội đã có chỗ ở ngay trong khuôn viên Bệnh viện K với giá 0 đồng. Đây là món quà tinh thần ý nghĩa, những điều sẻ chia vô cùng quý giá đối với những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Bệnh nhân và người nhà vui mừng khi Bệnh viện K đưa nhà lưu trú vào hoạt động.
Bệnh nhân và người nhà vui mừng khi Bệnh viện K đưa nhà lưu trú vào hoạt động.

Mái ấm nơi bệnh viện

Từ cổng chính Bệnh viện K cơ sở 3 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) đi thẳng vào phía sau, ngôi nhà lưu trú mới xây nằm đó rất khang trang, sạch đẹp. Khu nhà được xây dựng theo hình thức lắp ghép với 240 giường (theo hình thức giường tầng). Gần ngay cạnh đó là khu siêu thị, nhà ăn nên rất thuận lợi cho việc mua sắm, ăn uống của người nhà bệnh nhân.

Cuộc sống vật vạ, chắp vá, nằm gầm hành lang leo lắt cho qua ngày của họ đã không còn khi nhà lưu trú được đưa vào sử dụng. Dù đang giờ nghỉ trưa nhưng khung cảnh ở đây vẫn hết sức nhộn nhịp, bệnh nhân cùng nhau quây quần bên ấm trà nóng pha sẵn với những tiếng chào hỏi, tiếng cười đùa, nói chuyện vui vẻ. 

Chuyển vào nhà lưu trú ở đã được vài ngày, song nhiều người nhà và bệnh nhân vẫn thấy lâng lâng như đang ở trong mơ. Niềm vui dâng đầy trong đôi mắt ướt của các bà, các cô,... khi được hỏi về không gian sinh hoạt mới tiện nghi, thoáng mát. Ngồi nghỉ trên tấm đệm êm sau những ngày điều trị bệnh, bệnh nhân Vũ Thị H. (64 tuổi, sống tại Mộc Châu, Sơn La) bị ung thư xương từ 10 năm trước. Gần đây bệnh tái phát nên bà trở lại BV K điều trị từ hơn một năm qua.

“Hơn một tháng qua, ban ngày xạ trị, ban đêm nằm ngủ ở gầm cầu thang bệnh viện. Đêm đông lạnh cũng phải chịu vì không có tiền thuê trọ. Hai đêm qua được ngủ trong nhà lưu trú ấm áp quá, không còn cảnh đêm rét gió lùa nữa. Được ở đây mừng lắm cô ơi, không biết nói sao cho hết lòng biết ơn” - bà H.kể.

Không chỉ riêng bà H mà không ít bệnh nhân khi đi điều trị dài ngày, họ phải thuê trọ bên ngoài khu vực quanh bệnh viện với giá từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng mỗi đêm. “Nghe tin Bệnh viện khánh thành nhà lưu trú cho bệnh nhân và người nhà, chúng tôi mua bánh kẹo, đồ ngọt về hát xuyên đêm. Không khác gì nắng hạn gặp trời mưa rào, vui và phấn khởi lắm.

Nhớ những đêm mưa rét, không có tiền thuê trọ, ngủ ở chân cầu thang khổ lắm cháu ạ. Vậy là từ nay con đường “chiến đấu” với bệnh tật của chúng tôi vơi đi rất nhiều nỗi khó khăn” - bệnh nhân Trần Thị Tươi (Ninh Bình) phấn khởi chia sẻ. 

PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, những năm qua, để tiết kiệm tối đa chi phí chữa bệnh, rất nhiều người nhà bệnh nhân do tiết kiệm hoặc không đủ tiền thuê nhà trọ tư nhân cạnh bệnh viện mà thường nằm vạ vật ở các hành lang, gầm cầu thang bệnh viện vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, mất vệ sinh, đồng thời ảnh hưởng đến an toàn cho người bệnh, nội quy bệnh viện, cảnh quan trong bệnh viện.

Trong tương lai, bệnh viện và đơn vị đầu tư tiếp tục xây dựng thêm nhà lưu trú cho người bệnh, sẽ cố gắng xây dựng nơi đây thành một mái ấm để người bệnh nghỉ ngơi, sinh hoạt thoải mái nhất như trong ngôi nhà của mình.

Nhân rộng mô hình điểm tựa cho bệnh nhân

Thuê trọ ở gần bệnh viện rẻ nhất cũng phải mất 40.000 đồng thậm chí 80.000 - 100.000 đồng một ngày. Số tiền này trong một vài ngày có thể không nhiều, nhưng với bệnh nhân ung thư phải điều trị dài ngày nhân lên là một con số không hề nhỏ. Do đó, rất nhiều người bệnh chấp nhận nằm vạ vật ở hành lang, gầm cầu thang hay bất cứ chỗ nào có thể tranh thủ nằm được tại bệnh viện. 

Khu nhà lưu trú dành cho người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện K trị giá gần 3 tỷ đồng do một đơn vị tài trợ xây dựng, góp phần hạn chế tình trạng người nhà bệnh nhân phải nằm nhếch nhác ngoài hành lang bệnh viện như vừa qua. Thăm nhà lưu trú ở Bệnh viện K, chúng tôi ghi nhận được nhiều lời khen ngợi.

Mỗi căn phòng sạch sẽ, thoáng mát được kê nhiều giường tầng, giữ khoảng cách nhất định để đi lại và có không gian. Được ở trong căn phòng lưu trú như tại Bệnh viện K, có lẽ là niềm mơ ước của nhiều người nhà bệnh nhân. 

Tuy nhiên, 240 chỗ nằm hiện có tại đây chẳng thể thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Ngay trong ngày đầu khi bệnh viện thông báo có nhà lưu trú cho người bệnh và người nhà, chẳng bao lâu sau số người đến đăng ký đã quá tải. Dù chung cảnh khó khăn, vất vả nơi bệnh viện nhưng đâu đó vẫn có những người nghèo tiền bạc nhưng giàu tình người.

Họ sẵn sàng dành chỗ ở trong ngôi nhà lưu trú cho những bệnh nhân nặng hay những người nghèo khó hơn mình. Để rồi đâu đó, trong sảnh bệnh viện, bậc thềm hay chân cầu thang vẫn là nơi nghỉ của bệnh nhân, người nhà trong thời tiết giá lạnh. 

Bởi vậy, mong rằng lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Giám đốc các bệnh viện sớm triển khai, nhân rộng mô hình nhà lưu trú ở các bệnh viện khác để giúp bệnh nhân nghèo đỡ vất vả hơn trong hành trình điều trị duy trì sự sống. 

Đọc thêm