Bệnh ung thư: Chết nhiều, hiểu biết quá ít

(PLO) - Theo ghi nhận của Tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2012, trên thế giới có 14,1 triệu người mắc mới và có 8,2 triệu người tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, năm 2010 có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới ung thư và có chiều hướng ngày càng gia tăng. 
Bệnh viện K Trung ương luôn trong tình trạng quá tải người đến khám. Ảnh minh họa: MH
Bệnh viện K Trung ương luôn trong tình trạng quá tải người đến khám. Ảnh minh họa: MH
Vì thế, phối hợp đa ngành phòng, chống ung thư sẽ là xu hướng chung của toàn cầu cũng như của Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống căn bệnh nan y này.
Sẽ có 189.000 trường hợp mắc mới ung thư vào năm 2020
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế, ung thư là một bệnh ngày càng gia tăng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Càng lo ngại hơn khi thống kê từ các bệnh viện (BV) chuyên ngành cho thấy số bệnh nhân mắc ung thư có xu hướng ngày càng gia tăng. 
Cụ thể, theo bà Xuyên, năm 2010 nước ta có ít nhất 125.000 trường hợp ung thư mới được phát hiện. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có số tử vong do ung thư lớn nhất trên thế giới. Ước tính đến năm 2020 sẽ có 189.000 trường hợp mắc mới ung thư. 
Qua phân tích dữ liệu 1.916 bệnh nhân ung thư mới được chẩn đoán tại BV Bạch Mai (604 trường hợp), BV K (688), BV Ung bướu TP HCM (624), kết quả cho thấy độ tuổi trung bình mắc ung thư là 53 tuổi; 57,7% bệnh nhân đã tốt nghiệp trung học nhưng có tới 25,3% bệnh nhân chưa từng đi học và chỉ học hết tiểu học; 34,86% bệnh nhân lao động trong ngành nông, lâm và ngư nghiệp; 77,1% có bảo hiểm y tế.
Thống kê cho thấy, có 5 loại ung thư thường gặp là ung thư tiêu hóa, ung thư vú, ung thư phụ khoa, ung thư đầu cổ và ung thư phổi. Chỉ có 36,69% bệnh nhân trong nghiên cứu này chưa có di căn ở thời điểm mới chẩn đoán. 
Ai cũng biết phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng chúng ta không thể không lo ngại khi biết rằng kiến thức của người dân về các dấu hiệu cảnh báo ung thư còn rất thấp. Qua nghiên cứu tỷ lệ người dân biết được từ 4 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư chỉ chiếm 22,3%; 19,7% không  kể được bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo nguy cơ ung thư…
Tại Việt Nam, ung thư vẫn được xem là một bệnh vô phương cứu chữa, vì thế phát hiện ung thư đồng nghĩa với mang án tử hình. Nghiên cứu trên một số hộ gia đình có bệnh nhân ung thư mới tại 3 BV kể trên cho thấy, sau 12 tháng được phát hiện và trị bệnh, có tới 41% bệnh nhân còn sống chịu ảnh hưởng về kinh tế, cụ thể như không thể thanh toán tiền ăn uống, mua thuốc, tư vấn y tế và xét nghiệm, bảo hiểm y tế, chi phí đi lại, tiền điện, nước, ga… 
Trong khi đó, chi phí cho việc khám và điều trị ung thư là không hề nhỏ (từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng). 
Thật đau đớn, xót xa khi các nhà chuyên môn cho hay, thực tế có không ít trường hợp phải bỏ dở điều trị ung thư vì không có tiền chi trả; đa số các trường hợp phải đi vay ngân hàng, thậm chí vay nặng lãi để có tiền chữa bệnh; nhiều em nhỏ phải vĩnh viễn rời xa việc học tập, vui chơi cùng bè bạn và ngừng điều trị vì gia cảnh quá khó khăn; nhiều trường hợp các nhân viên y tế phải tự quyên góp cho người bệnh có tiền ăn, ở và đi lại… Trước thực tế đó, rất nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng túng quẫn, kiệt quệ và nghèo đói…
Ngành Y không thể “đơn thương độc mã”
Tại hội thảo “Phối hợp đa ngành trong phòng, chống ung thư” vừa được Bộ Y tế tổ chức hôm qua (8/12) tại Hà Nội, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thừa nhận so với nhu cầu, việc chẩn đoán và điều trị ung thư vẫn còn nhiều hạn chế do nguồn kinh phí dành cho công tác phòng, chống ung thư không nhiều. Bên cạnh đó, thực tế việc chẩn đoán sai về ung thư vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt, các cơ sở y tế chuyên khoa luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân...
Để phòng, chống ung thư, TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, phải quan tâm đến một loạt các vấn đề như: hạn chế lạm dụng rượu bia; chú trọng thực phẩm trong các bữa ăn, kiểm soát thực phẩm không an toàn, hoạt động thể lực; tăng cường nhận thức về bệnh ung thư, khám, chẩn đoán phát hiện sớm ung thư…). 
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất thành lập “Quỹ nâng cao sức khỏe” hình thành từ các nguồn đóng góp bắt buộc của các hoạt động kinh doanh thuốc lá, đồ uống có cồn và các hoạt động khác gây nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư, để trực tiếp hỗ trợ  cho các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm… 
Để phòng, chống ung thư có hiệu quả, ông Khuê cũng cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng Chiến lược Quốc gia về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 và đề xuất Kế hoạch hành động kiểm soát ung thư. 
Trong đó, chú trọng các giải pháp phối hợp liên ngành trong phòng, chống ung thư như: thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia; bổ sung và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các  yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. 
“Một mình ngành y tế không thể “đơn thương độc mã” thực hiện chính sách này mà cả cộng đồng, xã hội phải vào cuộc. Trong đó, sự phối hợp đa ngành trong hoạt động kiểm soát, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt ung thư là vô cùng quan trọng!” – ông Khuê khẳng định.

Đọc thêm