Bộ Y tế công bố thêm kịch bản đối phó dịch Corona

(PLVN) - Bộ Y tế sẽ xây bệnh viện dã chiến để cách ly điều trị bệnh nhân viêm phổi do corona trong trường hợp dịch bùng phát tới hàng nghìn ca. Phương án này được Bộ Y tế xây dựng thêm, trước tình hình dịch do virus corona mới có xu hướng tăng nhanh. Trước đó, Việt Nam đã lên 3 kịch bản đối phó. 
Bệnh nhân người Trung Quốc nhận giấy xuất viện tại BV Chợ Rẫy.
Bệnh nhân người Trung Quốc nhận giấy xuất viện tại BV Chợ Rẫy.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, hôm qua (4/2), cho biết kịch bản thứ nhất là khi có ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Kịch bản thứ hai là từ ca xâm nhập đó lây lan sang người ở Việt Nam. Kịch bản thứ 3 là mức độ lây lan cộng đồng dưới 1.000 ca. Kịch bản thứ tư là trên 1.000 ca mắc bệnh. Tất cả kịch bản này, Bộ đều có phương án đối phó. Trong trường hợp các cơ sở điều trị vượt quá công suất, có thể thành lập bệnh viện dã chiến.

Việt Nam đang ứng phó với virus corona theo kịch bản thứ ba. Cụ thể là hệ thống y tế địa phương phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Tại TP HCM, bệnh viện dã chiến đang được Sở Y tế phối hợp quân đội gấp rút xây dựng, dự kiến hoàn thành ngày 15/2 với hai cơ sở, 500 giường bệnh cùng ít nhất 30 giường hồi sức tích cực. Bệnh viện trang bị các trang thiết bị như máy thở, monitor, X-quang, trang phục bảo hộ, 5 xe cứu thương... Nhân lực điều động từ nhiều bệnh viện TP như Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương... để ứng phó kịp thời.

Ngày 4/2, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM Lê Minh Tấn cho biết, Sở đã làm việc với 187 DN có 1.069 chuyên gia và công nhân người Trung Quốc.

TP yêu cầu những trường hợp này không đến công ty, tiếp tục ở khách sạn và nhà trọ, điều hành công việc từ xa. Trong đó có 750 chuyên gia, 80 quản lý, 70 lao động kỹ thuật, 30 giám đốc điều hành.

Ngoài ra, Sở tạm dừng cấp giấy phép cho 9 lao động Trung Quốc muốn đến TP HCM; yêu cầu 86 công ty xuất khẩu lao động lùi thời gian đưa người đi Trung Quốc và một số nước có dịch.

Còn Sở Du lịch TP HCM yêu các doanh nghiệp lữ hành quản lý chặt lịch trình, tình hình sức khỏe và khuyến nghị hạn chế di chuyển du khách Trung Quốc đang ở Việt Nam.

Phối hợp các cơ sở y tế cách ly, quản lý du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh. Đối với du khách đến từ vùng dịch khi đến cơ sở lưu trú cần ghi nhận đầy đủ thông tin, địa điểm lưu trú tiếp theo của họ khi rời khỏi cơ sở.

Sở cũng đang đề xuất lập cơ sở lưu trú du lịch gần sân bay Tân Sơn Nhất để làm điểm cách ly tạm thời với khách du lịch nghi nhiễm nCoV. Cơ sở này có lối ra vào riêng, không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh bình thường của khách sạn.

Hà Nội cũng phân loại 4 cấp độ dịch bệnh để phòng, chống bệnh. Đối với mỗi cấp độ, UBND TP chỉ đạo các cấp, ngành về công tác giám sát, dự phòng và điều trị người bệnh, công tác truyền thông và công tác hậu cần theo các bước cụ thể.

Khi dịch ở cấp độ 4, TP sẽ duy trì việc giám sát tại cửa khẩu để giảm nguy cơ các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh hoặc xuất cảnh; đẩy mạnh các hoạt động giám sát nắm bắt thông tin để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để không để dịch bùng phát trong cộng đồng.

Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện duy trì hoạt động liên tục, bảo đảm các dịch vụ y tế thiết yếu, bao gồm cả dịch vụ cho nhóm dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, phụ nữ có thai, người già và người bệnh mạn tính.

Hà Nội sẽ mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận người bệnh, phân loại người bệnh điều trị tại các tuyến, hạn chế vận chuyển người bệnh lên tuyến trên để tránh quá tải; phối hợp với các đơn vị quốc phòng thiết lập các bệnh viện truyền nhiễm dã chiến để tiếp nhận và điều trị người bệnh.

Trả lời báo chí, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết trong giai đoạn này, để dập dịch tốt, khống chế được dịch cần nỗ lực của nhân viên y tế và sự chung tay của người dân. Người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở nếu có yếu tố dịch tễ liên quan tới vùng dịch (đi từ vùng dịch, tiếp xúc với người mắc bệnh) thì phải khai báo và đến ngay cơ sở y tế.

"Nhiệm vụ số một là phát hiện và cách ly, giám sát người nhiễm để bệnh không lây lan ra cộng đồng. Tiếp đó là lên kế hoạch đáp ứng phù hợp trong mỗi giai đoạn của dịch", ông Phu nói.

* Liên quan lĩnh vực, sáng qua (4/2), sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), nam bệnh nhân Li ZiChao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), một trong hai người đầu tiên dương tính với virus corona tại Việt Nam, chính thức được xuất viện. Đây là một trong hai cha con người Trung Quốc nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.

Trước đó, bệnh nhân được điều trị bằng một loại thuốc hạ sốt. Phòng cách ly được mở rộng cửa tạo luồng không khí tự nhiên, nhiệt độ phòng cao, có ánh nắng mặt trời. Bệnh nhân được súc họng bằng dung dịch sát khuẩn giảm đời sống virus corona. Ngày 28/1, kết quả xét nghiệm lần 3 âm tính.

Cũng trong chiều qua, nữ bệnh nhân Lê Thị Thu Hà (25 tuổi, trú xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) chính thức làm thủ tục xuất viện sau 8 ngày điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

Chị Hà là người có tiếp xúc gần với cha con du khách Trung Quốc đến từ Vũ Hán (Trung Quốc) hôm 16/1 nêu trên. Ba ngày sau khi có tiếp xúc gần với 2 du khách, ngày 18/1, chị có triệu chứng ho nhẹ, sau đó sốt, nhưng không đi khám bệnh mà tự mua thuốc uống.

Đến sáng 24/1, sau khi có thông tin 2 du khách Li Ding và Li Zi Chao bị nhiễm nCoV, chị được cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm virus corona. Ngày 27/1, nữ lễ tân nhập viện BV Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa và được cách ly điều trị.

Theo Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Đông, kết quả xét nghiệm lần đầu của bệnh nhân cho kết quả âm tính với virus corona. Khi xét nghiệm lần 2 thì ra kết quả dương tính.

Chị Lê Thị Thu Hà được bác sĩ tặng hoa khi xuất viện chiều 4/2.
 Chị Lê Thị Thu Hà được bác sĩ tặng hoa khi xuất viện chiều 4/2.  

Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng, GĐ trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, cho hay ngay khi có thông tin chị Hà xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm virus corona, đơn vị hướng dẫn điều trị dịch tễ đối với bệnh nhân. Đồng thời, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm virus corona.

Ngoài ra, biện pháp dịch tễ, cách ly tại nhà được áp dụng ngay với đồng nghiệp, người thân từng tiếp xúc gần với bệnh nhân. Nơi bệnh nhân làm việc cũng được hướng dẫn tổng vệ sinh, tẩy rửa bằng hóa chất Chloramin B. 

Chia sẻ với báo chí, chị Hà cho biết sức khỏe đã ổn định và có thể đi làm lại ngay. "Tôi rất vui khi được ra viện. Tôi xin gửi lời cám ơn đến các bác sĩ, y tá đã chăm sóc, chữa trị trong thời gian qua”.  

Chị cũng nhắn gửi đến cộng đồng đừng sợ hãi về dịch virus corona. “Lúc mới biết bị nhiễm virus corona, tôi đã rất lo lắng và nghĩ thế là hết. Nhưng khi được các bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị, và nhất là được giải thích về virus corona, tôi đã an tâm hơn. Đến giờ thì tôi không còn cảm giác sợ hãi, lo lắng như ban đầu nữa”, chị nói.

Theo bác sĩ Dõng, sau khi bệnh nhân nhập viện, trung tâm đã cho lấy mẫu bệnh phẩm bạn trai bệnh nhân, những người thân, đồng nghiệp ở khách sạn có tiếp xúc gần để xét nghiệm. Đến nay tất cả kết quả của những người tiếp xúc gần với Hà cho kết quả âm tính. 

“Có thể nói rằng đến nay nguồn lây từ trường hợp của bệnh nhân này đã được chặt đứt. Trường hợp chị Hà là bằng chứng sinh động cho nỗ lực thực hiện các quy định của ngành y tế, để tiến hành cách ly tuân thủ điều trị, thực hiện các biện pháp phòng bệnh”, ông Dõng nói.

Trên thế giới, để ngăn sự lây lan của dịch bệnh, ngày 4/2, giới chức Trung Quốc đã áp dụng biện pháp hạn chế đi lại ở 2 TP nữa thuộc tỉnh Chiết Giang là thành phố Thái Châu và 3 quận thuộc thành phố Hàng Châu. Với biện pháp này, mỗi gia đình tại các khu vực bị hạn chế sẽ chỉ được 1 người đi ra ngoài 2 ngày/lần để mua các đồ dùng thiết yếu. 

Cũng trong ngày 4/2, Đặc khu Hành chính Hongkong đã thông báo ca tử vong đầu tiên do virus corona. Truyền thông địa phương cho hay, nạn nhân vừa tử vong là một người đàn ông 39 tuổi, từng tới Vũ Hán tháng trước. Tại Thái Lan, giới chức nước này ngày 4/2 xác nhận thêm 6 trường hợp nhiễm virus mới, bao gồm 4 công dân nước này và 2 người Trung Quốc, nâng tổng số người được xác nhận nhiễm virus lên thành 25 ca.  

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng ngày cho biết Nhật có thể sẽ mở rộng lệnh cấm đi lại tới Nhật Bản với những người nước ngoài từng tới từ các địa phương khác của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Tại Bỉ, trong ngày 4/2, Bộ trưởng Y tế nước này Maggie De Block thông báo một công dân Bỉ hồi hương từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Bệnh nhân này nằm trong số 9 công dân Bỉ đã từ Vũ Hán về nước hôm 2/2 vừa qua.  

Giới chức y tế Malaysia đã xác nhận công dân đầu tiên của nước này bị nhiễm virus corona chủng mới, nâng tổng số ca nhiễm virus đã được xác nhận đến nay lên thành 10 người. Người bệnh mới ở Malaysia là một người đàn ông 41 tuổi. Hồi tháng trước, người này từng tới Singapore tham dự một cuộc họp với các đồng nghiệp tới từ Trung Quốc, trong đó có một người tới từ Vũ Hán. 

Từ ngày 4/2, Nga thông báo áp dụng biện pháp tạm thời hạn chế nhập cảnh đối với các công dân nước ngoài đến từ lãnh thổ Trung Quốc, nhập cảnh vào Nga tại các cửa khẩu đường hàng không.  

Minh Ngọc