Bộ Y tế lưu ý về 'đợt dịch phức tạp nhất' tại TP HCM

Đợt dịch COVID-19 tại TP HCM lần này có diễn biến rất phức tạp, các trường hợp F1, F2 đang chứng tỏ virus đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, sân bay - nơi mọi người giao lưu, đi lại nhiều.
Các lực lượng chức năng phong tỏa tuyến đường TL04 tại phường Thạnh Lộc, quận 12. (Ảnh: TTXVN)
Các lực lượng chức năng phong tỏa tuyến đường TL04 tại phường Thạnh Lộc, quận 12. (Ảnh: TTXVN)

TP HCM đã ghi nhận gần 30 ca mắc mới COVID-19 tại một số quận, huyện. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định tình hình dịch tại TP HCM khá phức tạp vì ổ dịch đã trải qua các chu kỳ lây nhiễm và hiện chưa xác định được điểm khởi đầu của đợt dịch này.

Liên quan đến tình hình dịch của TP HCM, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) đã phân tích một số điểm cần lưu ý.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu cho biết, thứ nhất, đợt dịch COVID-19 tại TP HCM lần này không phải đợt dịch lớn nhất nhưng phức tạp nhất. Nguyên nhân là do virus đã ra cộng đồng với nhiều ca mắc, gần 30 ca chỉ trong vòng 2 ngày.

Đặc biệt, trong đợt dịch lần này tại đây ghi nhận tình trạng một số trường hợp F1 âm tính nhưng F2 lại dương tính. Điều này chứng tỏ virus đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, sân bay, nơi mọi người giao lưu, đi lại nhiều.

Tiếp theo có thể thấy, TP HCM chưa tìm ra nguồn lây. Những ca bệnh được phát hiện ở khu dân cư đều dựa trên các trường hợp F1 của ổ dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên, các trường hợp dương tính tại sân bay chưa chắc đã bắt nguồn từ bệnh nhân 1.979 (ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại sân bay). Vì vậy, những trường hợp này chưa chắc đã phải là F của nhau.

Người dân khu vực Mả Lạng, quận 1 xếp hàng chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
 Người dân khu vực Mả Lạng, quận 1 xếp hàng chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Điều này cũng khiến ổ dịch tại TP HCM phức tạp hơn. Ổ dịch sân bay cũng chưa chắc là ổ chỉ điểm.

Với ổ dịch tại Hải Dương, chúng ta có thể dự đoán dịch bắt đầu xuất hiện từ ngày 14-15/1. Chúng ta cũng đã sớm khoanh được vùng dịch là Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện tử POYUN, sớm phong tỏa thành phố Chí Linh (Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh).

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu, việc khoanh vùng trúng ổ dịch rất quan trọng, từ đó dễ ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.

Ông cho rằng hiện chưa thể dự đoán được tình hình dịch tại TP HCM vì ẩn chứa nhiều nguy cơ, có khả năng sẽ có thêm nhiều ca mới tại đây.

Do đó, TP HCM phải làm quyết liệt việc xét nghiệm và truy vết thật nhanh. Điều này là để phát hiện những điểm nguy cơ, phục vụ cho việc phong tỏa, tránh lây lan và phát hiện những điểm nguy cơ khác…

TP HCM cần xét nghiệm trên diện rộng nhưng phải có chỉ định, không phải làm tràn lan mà chọn điểm để xét nghiệm, ví dụ như khu vực sân bay…

Phương pháp xét nghiệm gộp mẫu rất hiệu quả để làm điều này, vừa tiết kiệm mẫu, chi phí, thời gian, vừa giúp xét nghiệm nhanh, tăng năng suất.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng cần thực hiện các biện pháp giãn cách, phong tỏa hợp lý dựa trên đánh giá nguy cơ để vừa phòng, chống dịch COVID-19 nhưng không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, an sinh xã hội.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu khuyến cáo, mặc dù tình hình dịch tại TP HCM đang phức tạp nhưng người dân không nên quá hoang mang. Mỗi người dân cần theo dõi thông tin chính thống, tuân thủ tuyệt đối các biện pháp được khuyến cáo vì dịch có thể xuất hiện ở bất kỳ địa phương nào, không riêng gì TP HCM.

Chuyên gia y tế khẳng định: Điều quan trọng hiện tại là người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện phòng bệnh. Cụ thể, thực hiện đầy đủ thông điệp 5K: Khẩu trang-Khử khuẩn-Không tập trung đông người- Khoảng cách-Khai báo y tế...

Đọc thêm