BVĐK nghìn tỷ tại Lạng Sơn: Nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng

(PLO) - Được khởi công từ năm 2010, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lạng Sơn được đánh giá là công trình xây dựng dân dụng có quy mô lớn nhất tỉnh Lạng Sơn từ trước đến nay. Tuy nhiên, quá trình thi công diễn ra chậm trễ và tồn tại nhiều sai phạm dẫn đến dự án bị chậm tiến độ và đội vốn hơn 700 tỷ đồng. 
BVĐK Lạng Sơn hiện vẫn đang xây dựng dở dang
BVĐK Lạng Sơn hiện vẫn đang xây dựng dở dang

“Mòn mỏi” chờ bệnh viện

Sau nhiều năm đi vào sử dụng, nhiều hạng mục của BVĐK Trung tâm tỉnh Lạng Sơn cũ (địa chỉ đường Nhị Thanh, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn) đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng, nhiều hạng mục không còn đảm bảo độ an toàn. Ngoài ra, các trang thiết bị cũng xuống cấp nghiêm trọng, thêm vào đó là tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên…

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có chủ trương xây mới BVĐK để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 26/12/2010, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức lễ khởi công xây dựng BVĐK Lạng Sơn mới.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án xây dựng BVĐK Lạng Sơn được xây dựng trên diện tích 25 ha tại thôn Phai Trần (TP Lạng Sơn) và một phần thuộc xã Hợp Thành (huyện Cao Lộc), dự án có quy mô 700 giường bệnh gồm các công trình nhà chính 4 tầng, khám nội trú 15 tầng, khu kỹ thuật 5 tầng, khu đào tạo 9 tầng, nhà nghỉ dành cho người nhà bệnh nhân 5 tầng, các công trình phụ trợ, xử lý chất thải... Theo đó, dự án được chia thành nhiều gói thầu, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015, với tổng số vốn lên tới 1.700 tỷ đồng và do Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư.

Được biết, đây là công trình xây dựng dân dụng có quy mô lớn nhất tỉnh Lạng Sơn từ trước đến nay. Theo đánh giá, dự án này không chỉ có quy mô là bệnh viện tỉnh mà còn được kỳ vọng trở thành bệnh viện khu vực, tiếp nhận cả các bệnh nhân từ các địa bàn lân cận như Cao Bằng, Bắc Kạn…

Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng và thi công các hạng mục khác của dự án diễn ra rất “ì ạch” nên đến nay, toàn bộ dự án vẫn đang thi công dở dang, tất cả các hạng mục đều chưa hoàn thành. Một người dân địa phương cho biết: “Khi biết UBND tỉnh có chủ trương xây dựng BVĐK mới chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và hi vọng sớm được sử dụng bệnh viện mới khang trang, hiện đại, lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh để yên tâm khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, đã quá hạn hoàn thành theo như dự kiến mà những gì chúng tôi nhìn thấy chỉ là những tòa nhà mới hoàn thiện phần xây thô, trong khi người dân vẫn “mòn mỏi” chờ đợi”.

Việc khảo sát chưa đảm bảo yêu cầu

Theo dự kiến, BVĐK Lạng Sơn sẽ được đưa vào sử dụng năm 2015. Thế nhưng, tính đến tháng 12/2016, toàn bộ các hạng mục của dự án đều đang thi công dở dang, triển khai không đồng bộ và không phát huy được hiệu quả nguồn vốn. Toàn bộ thiết bị máy móc phục vụ khám chữa bệnh cho toàn dự án cũng chưa được phê duyệt do chưa cân đối được nguồn vốn.

Đáng chú ý, vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã ban hành kết luận thanh tra, chỉ ra hàng loạt  sai phạm trong quá trình phê duyệt và thực hiện dự án của UBND tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, kết luận thanh tra khẳng định, việc UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng BVĐK Lạng Sơn (đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) không đúng quy định, vượt quá khả năng nguồn vốn dẫn đến phải điều chỉnh dự án, đầu tư không đồng bộ, có nguy cơ gây lãng phí lớn.

Trong đó, việc khảo sát địa chất công trình BVĐK tỉnh Lạng Sơn chưa đảm bảo yêu cầu dẫn đến khi thi công gặp đá cứng phải dịch chuyển công trình làm phát sinh chi phí, gây lãng phí vốn đầu tư số tiền 47.978,22 triệu đồng.

Được biết, do phát sinh chi phí từ đào đất sang phá đá quá lớn, ngày 24/1/2013, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phải quyết định điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng dự án, dịch chuyển công trình về hướng Tây Bắc 88m so với ban đầu. Lãng phí vốn đầu tư do công tác khảo sát địa chất không tốt dẫn đến thi công dở dang phải điều chỉnh dịch chuyển vị trí dự án và không sử dụng hạng mục cũ làm tăng chi phí đầu tư lên đến hơn 38 tỷ đồng. Ngoài ra, việc không thực hiện điều phối đất đào đắp tại gói thầu số 6, số 7 cũng làm tăng chi phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng. 

Nhiều lần điều chỉnh 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ ra nhiều khuyết điểm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong quá trình phê duyệt điều chỉnh quy mô của dự án, tăng tổng mức đầu tư vượt quá khả năng của nguồn vốn dẫn đến triển khai các hạng mục không đồng bộ, có nguy cơ lãng phí lớn. Cụ thể: Dự án được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt lần đầu theo Quyết định số 2122/QĐ-UBND ngày 20/10/2009, với quy mô 700 giường bệnh với tổng mức đầu tư 999.881 triệu đồng. Theo đó, dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu và các nguồn vốn khác.

Đến ngày 29/11/2013, UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư theo Quyết định số 1764/QĐ-UBND, tăng tổng mức đầu tư lên 1.548.606 triệu đồng, vượt quy mô vốn trái phiếu Chính phủ của dự án theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ (điều chỉnh hạng mục các khoa nội trú tăng từ 12 tầng lên 15 tầng, bổ sung khu nhà nghỉ dành cho người nhà bệnh nhân, điều chỉnh diện tích các phòng khoa).

Không dừng lại ở đó, tính đến thời điểm tháng 12/2016, UBND tỉnh Lạng Sơn đã 8 lần phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Do không có vốn UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh thành hai giai đoạn với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) là 1.760.917 triệu đồng, tăng so với phê duyệt lần đầu là 761 tỷ 036 triệu đồng.

Toàn bộ các hạng mục đã được phê duyệt theo Quyết định số 1764/QĐ-UBND nhưng nay chuyển sang giai đoạn 2, gồm: Thiết bị trung tâm khí y tế có phòng khám, phòng điều trị, văn phòng; thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm; thang máy nhà e cao 15 tầng; chống thấm toàn bộ công trình; cấp thoát nước ngoài nhà, hệ thống điện ngoài nhà; thiết bị xây lắp còn lại các hạng mục nhà A, B, C, E, G…

Như vậy, sau rất nhiều lần điều chỉnh thì giai đoạn 1 của dự án sẽ được hoàn thiện vào năm 2016, bao gồm các hạng mục chủ yếu của dự án (nhà A, B, C, D, E, G, nhà cầu). Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành khai thác vì thiếu thiết bị do đầu tư không đồng bộ.

Sai phạm chồng sai phạm

Bộ Tài chính khẳng định, việc UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt điều chỉnh tăng quy mô, tăng tổng mức đầu tư của Dự án từ 999.881 triệu đồng lên 1.760.917 triệu đồng dẫn đến không đảm bảo nguồn vốn để thực hiện dự án theo tiến độ, phải điều chỉnh dự án thành 2 giai đoạn, thực hiện đầu tư không đồng bộ và không thể đưa công trình vào hoạt động khi dự án hoàn thành dẫn đến nguy cơ gây lãng phí lớn và không phát huy được hiệu quả ngồn vốn trái phiếu Chính phủ như đã nêu trên là chưa đúng theo Quyết định 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa và một số bệnh viên đa khoa tuyến tỉnh thuộc vùng miền núi khó khăn, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. 

Khoản 1 điểm b Điều 4 quy định: “Cơ chế hỗ trợ vốn trái phiếu Chính phủ: hỗ trợ 100%  nhu cầu đầu tư còn lại (tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ đi các nguồn vốn hợp pháp)”. điểm e Điều 4 quy định: “ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ: Chịu trách nhiệm bố trí từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho các dự án thuộc đề án và đảm bảo tiến độ bố trí ngân sách địa phương để hoàn thành các dự án theo danh mục và thời gian hoàn thành đã được đăng ký, phê duyệt”.

Không chỉ vậy, công tác tổ chức đấu thầu tại dự án BVĐK tỉnh Lạng Sơn (dự án chuyển tiếp) UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1866/QĐ-UBND  ngày 25/11/2010 phê duyệt kế hoạch đấu thầu thực hiện dự án BVĐK để đẩy nhanh tiến độ nhưng các gói thầu chỉ định thầu không đúng quy định, gồm: Gói thầu số 6- lô số 1: giá gói thầu là 36.300 triệu đồng, thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, hợp đồng theo đơn giá, thời gian dự kiến hoàn thành đến tháng 5/2011 (đã hoàn thành với giá trị quyết toán 73.564,344 triệu đồng); gói thầu số 7-lô số 4, giá gói thầu 7.040 triệu đồng thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, thời gian hoàn thành đến tháng 3/2011 (đã hoàn thành theo giá trị quyết toán là 12. 633,596 triệu đồng). Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 12/2016 toàn bộ hạng mục san nền của dự án chưa thi công hoàn thành. 

Theo Khoản 1 Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa trọn nhà thầu thì “Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu bao gồm: (1) không quá 500 triệu đồng đối với cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công…”.

Trước hàng loạt sai phạm trên, Bộ Tài chính đã có yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn khẩn trương tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân trong quá trình phê duyệt điều chỉnh quy mô dự án và khảo sát địa chất công trình không đảm bảo. Đồng thời, UBND tỉnh Lạng Sơn phải tập trung huy động các nguồn vốn để ưu tiên thực hiện các hạng mục còn lại, nhanh chóng đưa dự án vào khai thác sử dụng, phát huy được hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tránh tình trạng không thể khai thác sử dụng gây lãng phí lớn. 

Trao đổi với phóng viên về vấn đề thi công chậm tiến độ của dự án, ông Triệu Cao Tấn – Phó Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn cho biết: Do tình trạng quá tải tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Lạng Sơn cũ nên UBND tỉnh Lạng Sơn đã có chủ trương đầu tư xây mới BVĐK tỉnh với quy mô 700 giường bệnh. Đây cũng là một dự án trọng điểm nên tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, quá trình triển khai lại bị chậm tiến độ một số hạng mục do có một số lý do khách quan.

Ông Tấn cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ là do ảnh hưởng của thời tiết, từ năm 2010 đến năm 2012 mưa nhiều, không đảm bảo cho việc thi công thường xuyên. Hơn nữa, do đặc thù là xây dựng trên khu vực đất ruộng và đồi núi đã được giao cho người dân nên việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Dự án đang được đẩy nhanh tiến độ,  trong năm 2017 có thể đón bệnh nhân vào sử dụng”.

Đọc thêm