Các bệnh về mắt thường gặp ở người cao tuổi khi mùa hè

(PLVN) - Theo các nhà nghiên cứu nhãn khoa, ngoài 40 tuổi là thời điểm bắt đầu quá trình lão hóa tự nhiên của mắt. Ở độ tuổi này, mắt bắt đầu có sự suy giảm thị lực và xuất hiện một số triệu chứng bệnh lý nhãn khoa. Đặc biệt, thời điểm mùa hè, thời tiết oi bức nhiệt độ cao là thời điểm gây nên nhiều bệnh lý về mắt cho người cao tuổi. 
Khám mắt định kỳ vô cùng quan trọng, giúp kiểm soát và phát hiện sớm các bệnh về mắt ở người cao tuổi.
Khám mắt định kỳ vô cùng quan trọng, giúp kiểm soát và phát hiện sớm các bệnh về mắt ở người cao tuổi.

Các bệnh về mắt này có thể gây ảnh hưởng đến thị lực hoặc có thể dẫn đến mù lòa. Tuy vậy, không phải ai cũng quan tâm đến đôi mắt của mình để có thể phòng tránh và hạn chế tối đa nguy cơ  xuất hiện các bệnh về mắt.

Mùa hè với thời tiết oi bức và nhiệt độ tăng cao liên tục cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới đôi mắt của mỗi người. Các bệnh hay gặp là viêm kết giác mạc, viêm tắc lệ đạo, dị vật, đục thủy tinh thể…Những người ở tuổi trên 40 là đối tượng thường xuyên gặp phải các bệnh lý này. Có nhiều trường hợp do sự chủ quan của gia đình để người bệnh ở nhà tự điều trị quá lâu dẫn đến bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài.

Viêm kết mạc 

Viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng), kết mạc mi mắt. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi, đặc biệt người cao tuổi. Bệnh gặp phổ biến ở nước ta, thường là vào mùa hè. 

Các triệu chứng của viêm kết mạc tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, thường lây truyền sau 3-5 ngày khởi phát.  Sự gia tăng nhiệt độ và các tác nhân gây dị ứng trong không khí như bụi bẩn, phấn hoa có thể khiến mắt bạn dễ bị tổn thương. Một số triệu chứng thường gặp khi bị dị ứng mắt là: Ngứa mắt, đỏ mắt, mắt có cảm giác nóng rát... Bệnh gây ngứa, chảy nước mắt. Trong  một số trường hợp nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi

Khô mắt

Khô mắt cũng là bệnh thường gặp trong mùa hè của người cao tuổi. Khô mắt là sự rối loạn của màng phim nước mắt, xảy ra khi nước mắt không thể cung cấp đầy đủ độ ẩm hoặc do nước mắt bốc hơi quá nhanh. Bề mặt của mắt luôn che phủ một lớp nước mắt nhằm giữ cho mắt luôn ướt, bảo vệ mắt chống lại sự viêm nhiễm và giúp làm lành các vết thương. Khô mắt gây tổn hại cho bề mặt của mắt, gây kích thích mắt hay rối loạn thị lực. Tuổi già chính là một trong những nguyên nhân gây triệu chứng khô mắt.

Các triệu chứng của bệnh khô mắt dễ thấy nhất là mắt cảm giác ngứa, khô, rát, đỏ mắt. Căng, mỏi mắt sau khi nhìn gần, đọc sách, xem tivi, làm việc với máy tính. Tăng tiết nước mắt…Hầu hết bệnh nhân sẽ bỏ qua những triệu chứng nhẹ trong thời gian đầu.

Viêm bờ mi

Đây là triệu chứng thường xuyên gặp phải ở người cao tuổi. Khi có những dấu hiệu như: “mắt tôi lèm nhèm quá”, “mi mắt như có cặn” đó là viêm bờ mi. Tuy vậy, ít ai để tâm đến căn bệnh này. Viêm bờ mi là một tình trạng viêm mãn tính ở mi mắt. Bệnh rất khó điều trị, gây khó chịu và khó nhìn nhưng bệnh thường không gây tổn thương nghiêm trọng đến thị lực. Viêm bờ mi thường liên quan đến phần mí mắt nơi lông mi phát triển và ảnh hưởng đến cả mí mắt.  Viêm bờ mi xuất hiện khi các tuyến tiết chất nhờn nhỏ nằm gần nền các lông mi bị tắc nghẽn làm cho mắt trở nên kích ứng và đỏ.

Một số triệu chứng thường gặp: Mí mắt bị ngứa, sưng, đỏ và viêm. Có cảm giác nóng rát trong mắt. Mí mắt tiết nhiều nhờn, có cảm giác cộm trong mắt hoặc phía trên mắt. Ghèn ứ ở lông mi hoặc trong các góc của mắt. Khi bị viêm bờ mi cần đến bác sĩ chuyên khoa để khám, đánh sạch bờ mi và hướng dẫn làm sạch bờ mi tại nhà.

Đeo kính là cách phòng chống ngăn ngừa tia UV có hại cho mắt vào những ngày hè.
Đeo kính là cách phòng chống ngăn ngừa tia UV có hại cho mắt vào những ngày hè.

Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là bệnh phổ biến thứ 2 trên thế giới gây suy giảm thị lực, sau tật khúc xạ và trên bệnh thiên đầu thống – glaucoma.  Đục thủy tinh thể là bệnh lý gây mù có thể điều trị khỏi hoàn toàn đem lại thị lực tốt cho người bệnh.  Đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu có thể không gây triệu chứng gì vì chỉ một phần nhỏ của thủy tinh thể bị đục. Tuy nhiên dần dần thủy tinh thể đục ngày càng nhiều và bệnh nhân nhìn mờ hơn vì giảm ánh sáng đến võng mạc.

Những triệu chứng thường gặp nhất là: mắt nhìn mờ dần dần, không đau. Cảm giác chói mắt: ban đêm thấy đèn pha quá sáng, chói mắt khi nhìn ánh sáng mạnh, thấy quầng sáng quanh đèn, thấy đốm đen trôi lơ lửng. Ban đêm thị giác kém hơn, nhìn một hình thành hai hoặc nhiều hình.

Tuổi tác là lý do hàng đầu xuất hiện đục thủy tinh thể tuổi già. Từ 40 tuổi, mắt có dấu hiệu đục bắt đầu. Mặt khác, khi mắt tiếp xúc trực tiếp với tia UV và các bức xạ khác từ ánh sáng mặt trời trong thời gian dài cũng là nguyên nhân dẫn đến đục thủy tinh thể. Khi phải làm việc ngoài gió bụi, nắng nóng, tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời cũng dễ dẫn đến nguy cơ đục thủy tinh thể.

 Hiện nay phẫu thuật lấy thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất của chuyên khoa Mắt. Đây cũng là một trong những phẫu thuật an toàn nhất và cho kết quả rất tốt. Phẫu thuật phaco (Phacoemulsification) là phương pháp dùng năng lượng sóng siêu âm để tán nhuyễn và tách thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ không cần khâu và thay vào đó bằng một thủy tinh thể nhân tạo khác. Đây là  phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể hiệu quả và tiên tiến nhất hiện nay.

Võng mạc tiểu đường

Võng mạc tiểu đường là một biến chứng của bệnh tiểu đường, khiến mao mạch ở võng mạc bị tổn thương. 80% những người mắc bệnh đái tháo đường mãn tính sẽ phát triển bệnh võng mạc đái tháo đường. 

Giai đoạn đầu bệnh võng mạc đái tháo đường có thể không gây ra triệu chứng rõ rệt hoặc chỉ giảm thị lực nhẹ. Ở giai đoạn tiến triển, các triệu chứng bệnh võng mạc đái tháo đường có thể bao gồm: Nhìn mờ, hình ảnh bị biến dạng. Triệu chứng ruồi bay (nhìn thấy những đốm đen trôi nổi trước mắt)Bệnh sẽ gây ra những tổn thương nặng nề ở đáy mắt như xuất huyết võng mạc, phù hoàng điểm, xuất huyết dịch kính,…thậm chí dẫn đến mù lòa.

Người bị bệnh võng mạc tiểu đường cần phải điều trị kiên trì theo phác đồ điều trị của bác sĩ nhãn khoa, kết hợp với điều trị bệnh tiểu đường. Người bệnh cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ và khám mắt định kỳ.

Lời khuyên:

Để phòng các bệnh về mắt nên chú ý thực hiện tốt các chế độ dinh dưỡng cũng như các phương pháp chăm sóc, bảo vệ mắt hiệu quả:

Thứ nhất, bảo vệ mắt mỗi khi tiếp xúc với ánh nắng, nhất là vào thời điểm buổi trưa, nên đội mũ vành rộng, đeo kính râm chống tia UV khi ra ngoài trời; Không bơi ở những nơi nước bị nhiễm bẩn, tù đọng, không đảm bảo vệ sinh.

Thứ hai, khi có các biểu hiện như nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng, cộm rát mắt như có sạn trong mắt nên đến khám tại chuyên khoa Mắt để có hướng điều trị kịp thời.

Thứ ba, nên ăn nhiều thực phẩm tốt cho mắt như: Rau màu xanh đậm, trái cây, gấc, bổ sung dưỡng chất tốt cho mắt.

Các cụ xưa có câu: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, đôi mắt là tài sản cực kỳ quan trọng. Bảo vệ mắt là bảo vệ tài sản của chính mình.

Đọc thêm