Cần siết quản lý cơ sở làm đẹp

(PLVN) - Ngày 3/11, Văn phòng Sở Y tế TP HCM chính thức công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn về nguyên nhân của 2 trường hợp tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ chỉ trong vòng hơn 15 ngày. Những sự cố này phần nào cho thấy khi nhu cầu làm đẹp tăng cao kéo theo hàng loạt các thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp mọc lên như nấm, hoạt động vượt phép.
Ngày càng nhiều ca biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngày càng nhiều ca biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ.

“Tiền mất tật mang”

Cách đây hai chục năm, rất ít người Việt được biết tới phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM), phương pháp làm đẹp nhờ dao kéo này chỉ có giới giải trí, người giàu có mới thực hiện. Nguyên nhân một phần do công nghệ chưa phát triển, chi phí PTTM đắt đỏ…

Thế nhưng hiện nay tại Việt Nam, chuyện sửa sang sắc đẹp nhờ kỹ thuật dao kéo đã trở thành trào lưu không chỉ dành cho người giàu có, giới giải trí mà đã lan sang giới trẻ như học sinh, sinh viên, thậm chí là cả người lao động phổ thông.

Các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa với mục đích phục vụ nhu cầu của các “thượng đế”. Nếu như trước đây,  PTTM được ấn định là ngành công nghiệp sắc đẹp chỉ chuyên dành cho nữ giới thì nay PTTM cũng được coi như một “phép màu” dành cho các quý ông muốn thay đổi ngoại hình.

Trong giới nghệ sĩ chắc không ai không biết về sự thành công, sau khi “lột xác” của ca sĩ Đức Phúc. Trước đây, dù sở hữu một giọng hát hay nhưng sự nghiệp của Đức Phúc lẹt đẹt vì lý do đơn giản là ngoại hình quá nhiều khuyết điểm. Đức Phúc từng cho biết, trước đây anh không quá quan tâm nhiều đến ngoại hình mà nghĩ đơn giản là chỉ cần có năng lực là được.

Nhưng sự thờ ơ của khán giả, sự lạnh nhạt của bầu show là minh chứng cho việc Đức Phúc đã đánh giá chưa chuẩn về thị hiếu của khán giả Việt. Do đó, anh đã quyết định can thiệp dao kéo để thay đổi cuộc sống bản thân: “Trước đây, thực tế là tôi có ngoại hình không đẹp, không hút mắt nên không được nhiều bầu show để ý. Hiện tại, ngoài giọng hát thì vẻ bề ngoài đã được cải thiện nên công việc, sự nghiệp của tôi đã có nhiều sự đổi thay theo hướng tích cực hơn”, Đức Phúc cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những ca PTTM thành công có không ít trường hợp “tiền mất, tật mang”, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Trường hợp 2 bệnh nhân tử vong ở TP HCM, theo kết luận, bệnh nhân sau khi phẫu thuật căng da mặt đã bị sốc phản vệ ở mức độ 3, 4 liên quan sử dụng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật.

Đối với trường hợp bệnh nhân tử vong sau phẫu thuật đặt túi nâng ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas, bệnh nhân tử vong do suy hô hấp, tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi, ngạt, dẫn đến ngừng tim; rối loạn nhịp tim nặng do block dẫn truyền trong tim trên người bệnh có nhịp xoang chậm trước mổ.

Sai sót chuyên môn trong trường hợp này là bác sĩ PTTM chưa khai thác hết tiền sử của người bệnh, vì vậy chưa đánh giá hết nguy cơ. Bên cạnh đó, khi người bệnh có dấu hiệu bất thường về tim mạch, bệnh viện chưa hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và chưa có quy trình theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật.

Mới đây, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) cũng tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi bị phù gai thị, mất hoàn toàn thị lực mắt phải sau tiêm filler (chất làm đầy) tại một spa ở tỉnh Yên Bái. Sự việc tốn không ít giấy mực với sự quan tâm của báo, đài và công chúng bởi lẽ cô bé mới 13 tuổi và nâng mũi với giá 2 triệu đồng (trả góp). Điều này cho thấy đang có vấn đề trong công tác quản lý, giám sát những cơ sở kinh doanh dịch vụ làm đẹp. 

Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh - Trưởng khoa Chấn thương Bệnh viện Mắt trung ương, người đã tiếp nhận điều trị ban đầu cho bệnh nhân cho biết ông bị sốc vì thấy rất thương cháu bé. "Bệnh nhân được tiêm chất làm đầy tại spa của bạn vào lúc 18h ngày 21/10.

Sau 30 phút, cháu bé thấy chóng mặt, buồn nôn, sau 4 giờ xuất hiện ban tím vùng trán, mũi kèm theo đau nhức, đến 24h cùng ngày mất thị lực hoàn toàn ở mắt phải và đau đầu nhiều. Chúng tôi đã tiếp nhận bốn ca như vậy nhưng cháu bé này là nhỏ tuổi nhất. Việc điều trị bằng cách tiêm tan (làm tan chất làm đầy đã tiêm) có hiệu quả trong 4 giờ đầu, nhưng để muộn thì hiệu quả thấp hơn, thậm chí là không có hiệu quả”. 

Bé gái 13 tuổi mất thị lực vì tiêm filler nâng mũi.
Bé gái 13 tuổi mất thị lực vì tiêm filler nâng mũi.  

Hiện nay sau gần một tuần điều trị tại Bệnh viện Mắt trung ương, mắt phải bé gái 13 tuổi (quê Yên Bái) bị mù sau tiêm filler nâng mũi có dấu hiệu cải thiện nhưng tiên lượng vẫn dè dặt.

Còn tại Hà Nội, trong tháng 10/2019 liên tiếp có bệnh nhân bị tai biến thuốc gây tê và tai biến sau hút mỡ bụng (ca tai biến hút mỡ bụng tại một cơ sở ở Kim Ngưu) được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Cơ sở làm đẹp này sau đó được xác định hoạt động không phép và các bệnh nhân đều được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu….

Nhiều cơ sở hoạt động vượt phép

Từ những sự việc trên có thể thấy rằng công tác quản lý, giám sát những cơ sở làm đẹp tại nước ta còn nhiều bất cập, lỏng lẻo thậm chí có nhiều trường hợp sai phạm diễn ra nhưng cơ quan chức năng kiểm tra xử lý không triệt để dẫn tới nhiều hệ lụy.

Đơn cử việc các spa làm đẹp, phun xăm thẩm mỹ không được phép PTTM xâm lấn cơ thể, thế nhưng những đơn vị này lại quảng cáo, thực hiện các phương pháp làm đẹp xâm lấn như nâng mũi, nâng ngực hút mỡ… như những phòng khám chuyên khoa PTTM hay bệnh viện.

Khi báo chí phản ánh thì không ít cơ sở “lập lờ đánh lận con đen” khai man lấy clip hình ảnh trên mạng để quảng cáo… dẫn đến chế tài xử phạt không chính xác. Họ chỉ bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi “quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”. 

Trả lời báo chí về vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện Hà Nội có trên 70 cơ sở làm đẹp được ngành Y tế cấp phép, số còn lại là các cơ sở chăm sóc da, làm đẹp không xâm lấn thì UBND TP Hà Nội đã giao các UBND quận, huyện, nơi cơ sở đó đặt trụ sở, quản lý.

Các cơ sở này không được phép thực hiện các dịch vụ gây chảy máu như nhấn mí, làm lúm đồng tiền, xăm môi, xăm lông mày..., nhưng thực tế nhiều cơ sở trong số này có làm dịch vụ gây chảy máu, thậm chí cả hút mỡ bụng như cơ sở ở Kim Ngưu vừa qua.

"Các chị em có nhu cầu làm đẹp có thể vào website của Sở Y tế, ở đó chúng tôi có cập nhật danh sách các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép. Hãy kiểm tra kỹ theo danh sách và khi đến làm đẹp, chị em có thể xem biển hiệu của cơ sở, xem có tên bác sĩ, giờ làm việc, số giấy phép của Sở Y tế cấp" - ông Cường nói.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, UBND TP vừa có văn bản yêu cầu, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, hậu kiểm sau cấp phép đối với các cơ sở đăng ký kinh doanh với các loại hình dịch vụ thẩm mỹ. Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép nhưng lại quảng cáo và thực hiện các dịch vụ, thủ thuật, PTTM xâm lấn gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân xảy ra trên địa bàn.

Đọc thêm