Cảnh báo: Bệnh lao phổi ở trẻ em khó phát hiện

Hàng năm, có khoảng một triệu trẻ em nhiễm lao phổi, gấp đôi ước tính trước đó của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Ảnh minh họa: AFP
 Ảnh minh họa: AFP
Đây là kết quả nghiên cứu được một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Y tế công cộng Harvard, Mỹ công bố nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh lao 24/3, cung cấp dữ liệu đầu tiên về bệnh lao kháng thuốc ở trẻ em. 
Theo báo cáo này, trên thực tế, nhiều trường hợp mắc bệnh lao và lao kháng thuốc (MDR-TB) ở trẻ em đã không được phát hiện. Dựa vào số liệu dân số và các nghiên cứu trước đây, nhóm chuyên gia đã sử dụng mô hình máy tính để đưa ra những phân tích về bệnh lao và lao kháng thuốc. Kết quả cho thấy trong năm 2010, có 999.800 trẻ dưới 15 tuổi nhiễm lao, trong đó 40% trường hợp ở Đông Nam Á và 28% ở châu Phi. 
Cũng theo nghiên cứu, năm 2010, có gần 32.000 trẻ em mắc lao kháng thuốc (MDR-TB), đồng nghĩa với chiều hướng không tiếp nhận các loại thuốc chống lao (isoniazid và rifampin) tiên tiến nhất, gây khó khăn và tốn kém hơn trong điều trị. 
Nhà khoa học Ted Cohen cho biết ước tính của nhóm nghiên cứu về số ca nhiễm lao mới ở trẻ em gấp đôi số liệu của WHO năm 2011 và gấp ba lần số trẻ em nhiễm lao mỗi năm trên toàn cầu. Đây là ước tính đầu tiên về bệnh MDR-TB ở đối tượng trẻ em dưới 15 tuổi, vốn chiếm 25% dân số thế giới. 
Được đăng tải trên Tạp chí y khoa The Lancet trùng với Ngày quốc tế phòng chống bệnh lao, nghiên cứu trên đã hướng sự chú ý của cộng đồng vào căn bệnh làm 1,3 triệu người thiệt mạng mỗi năm. Trong đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và tử vong do MDR-TB. Ngoài phản ứng lại với các phương pháp điều trị, chẩn đoán lao ở trẻ em khó hơn ở người trưởng thành, một phần do trẻ nhỏ không thể ho ra mẫu đờm như người lớn để phục vụ cho các xét nghiệm. 

Đọc thêm