Cảnh báo khi vào mùa dịch cúm

(PLO) - Theo các chuyên gia y tế, trong một năm, mùa cúm thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 2, song cũng có thể bắt đầu ngay từ tháng 10 và kéo dài đến tận cuối tháng 5. Chính bởi vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải chú ý phòng ngừa và nêu cao tinh thần cảnh giác đối với các thể loại bệnh cúm - các chuyên gia khuyến cáo.

Dịch cúm
Dịch cúm
Cúm vào mùa và những cảnh báo "nóng"...
Trường hợp bệnh nhi vừa tử vong tại Bệnh viện (BV) Nhiệt đới Trung ương (TƯ) đã khiến dư luận và người dân vô cùng lo lắng. Cụ thể, theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng rất nặng, phải vào thở máy ngay và ngay lập tức được chỉ định uống Tamiflu. 
Tuy nhiên, sau gần 02 giờ cấp cứu, diễn biến của bệnh nhi không cải thiện, thở máy không đáp ứng, oxy máu xuống thấp và xuất hiện suy đa phủ tạng rồi tử vong. 
Trước những diễn biến quá nhanh của ca bệnh, các bác sỹ đã lấy mẫu bệnh phẩm và kết quả xét nghiệm đã khẳng định bé gái dương tính với vi rút cúm B. Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, ngày 22/12 bé chỉ xuất hiện các hội chứng cúm thông thường như đau họng, ho và sốt nhẹ, gia đình cũng chỉ cho bé uống thuốc hạ sốt, theo dõi con. 
Đến sáng 24/12, bệnh nhi vẫn chỉ có những biểu hiện trên nhưng đến trưa cùng ngày, cơn sốt tăng dần kèm theo hiện tượng khó thở nên gia đình đưa bé vào BV địa phương khám. Tại đây, hình ảnh chụp X-quang cho thấy phổi trái của bệnh nhi đã trắng xóa và lan dần sang phổi phải kèm theo hiện tượng suy hô hấp tiến triển nhanh. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản cho bệnh nhi và chuyển lên BV Nhiệt đới TƯ. 
Càng lo lắng hơn trước thông tin về trường hợp một phụ nữ 68 tuổi ở Hồng Kông phải nhập viện (ngày 25/12) với những triệu chứng của bệnh cúm H7N9 sau khi bà trở về từ đặc khu Thâm Quyến bên Đại lục. 
Trong năm 2014, theo thống kê của cơ quan y tế Hồng Kông, đã có 10 người nhiễm vi rút H7N9 ở Hồng Kông, trong đó có 3 người tử vong và tất cả số bệnh nhân này đều nhiễm vi rút sau khi từ Trung Quốc trở về. Hiện Hồng Kông đã lên kế hoạch sẵn sàng đối phó với căn bệnh này, các BV được lệnh phải thực thi những biện pháp phòng chống vi rút H7N9, giới hạn giờ thăm và buộc người đến thăm bệnh phải mang khẩu trang...
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay là thời điểm thuận lợi để các loại cúm có thể phát triển như: Cúm A(H7N9), A(H5N1) và các chủng vi rút cúm khác. Đặc biệt, theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra tại xã Hòa Bình của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long; xã Phong Phú của huyện Cầu Kè; xã Thạnh Hòa Sơn của huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh và dịch cúm gia cầm H5N6 xảy ra tại xã Tịnh Hà của huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Vì vậy, người dân phải hết sức cảnh giác và chú ý phòng chống dịch bệnh.
Không thể lơ là
Thời điểm hiện tại, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho hay, BV đã bắt đầu tiếp nhận rải rác những bệnh nhân mắc cúm thông thường đến khám. Các chuyên gia y tế cho hay, kết quả giám sát bệnh cúm tại cộng đồng thời gian gần đây tỷ lệ mắc cúm thấp. Các chủng cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B đã lưu hành như một chủng cúm thông thường. Vì thế, mắc các chủng cúm này, đa phần bệnh nhân chỉ nhiễm cúm nhẹ, tự khỏi. 
Tuy nhiên, bất cứ chủng cúm nào cũng có tỷ lệ nhất định diễn biến nặng gây viêm phổi tử vong. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly và đến viện khám để được tư vấn tốt nhất. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cúm là bệnh lây qua đường hô hấp, qua mũi, họng hoặc qua tiếp xúc trực tiếp, nếu không thận trọng, bệnh sẽ lây lan nhanh chóng. Để phòng bnh cúm, theo các chuyên  gia, tiêm vắc xin cúm (mỗi năm một lần) vẫn là biện pháp đề phòng cúm và phòng biến chứng viêm phổi do bị cúm. 
Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể, bổ sung dinh dưỡng, tập luyện… để chống lại những tác nhân gây bệnh, trong đó có vi rút cúm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh mũi, miệng, mắt; nên đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp, tránh nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Đặc biệt, người bị bệnh cần cách ly, tránh lây nhiễm bệnh cho cộng đồng.
Các bác sỹ chuyên gia cũng lưu ý, người dân nên cảnh giác với các loại thuốc không kê đơn chữa cảm lạnh, cảm cúm xuất hiện quá tràn lan trên thị trường và những hậu quả của việc tự ý mua thuốc về sử dụng. Cùng với đó là những sai lầm trong thói quen sinh hoạt hàng ngày của mọi người. 
Thực tế, việc mất nước sẽ làm cho người bệnh dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, khó chịu… Do đó, việc bổ sung nước cho cơ thể bằng đường ăn hoặc uống là vô cùng quan trọng, với cả người bệnh và người khỏe mạnh. Uống nước không chỉ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch mà còn làm cho chất nhầy ở xoang, mũi lỏng ra, đi xuống và không lưu lại ở xoang hay phổi khiến bệnh lâu khỏi./.

Đọc thêm