Cảnh báo tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng cao dịp Tết

(PLO) - Do thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh, khiến số lượng bệnh nhân nhập viện vì tai biến (đột quỵ) tăng đột biến. Bên cạnh việc chủ động phòng ngừa, cấp cứu kịp thời để mang lại cơ hội sống cũng như giảm thiểu di chứng, việc phát hiện, xử trí nhanh và đúng cách khi bị đột quỵ cũng rất quan trọng.
Cảnh báo tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng cao dịp Tết

Nhập viện vì thời tiết, tiệc tùng, căng thẳng

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một trong những căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Theo khuyến cáo của Tổ chức đột quỵ thế giới, cứ trong 6 người thì có một người nguy cơ sẽ bị đột quỵ. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ và tỉ lệ này có khuynh hướng ngày càng gia tăng. 

Đáng nguy hiểm, đột quỵ là một trong 3 bệnh gây tử vong cao ngay giờ đầu. Việc điều trị lại tốn kém mà hiệu quả không cao vì thường để lại di chứng nặng nề như tàn phế, yếu liệt một chức năng nào đó trong cơ thể, không thể sinh hoạt một cách bình thường, sống đời sống thực vật. Có đến 60 – 70% bệnh nhân sau tai biến sống phải có sự trợ giúp một phần hay hoàn toàn của người khác.

Thông tin từ BV Bạch Mai cho biết, trong những ngày gần đây số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng 10 – 15% so với ngày thường, với khoảng 30 bệnh nhân mỗi ngày. Trong số này, không chỉ có các cụ cao tuổi, sức yếu mà còn có cả nhiều người trẻ.

Theo các bác sĩ, qua khai thác người nhà các bệnh nhân, nhiều trường hợp đột quỵ, nhồi máu não liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Người bệnh đang trong nhà, chăn ấm khi ra bên ngoài do chủ quan không khoác áo ấm, gặp rét đột ngột khiến các mạch máu co lại tạo nguyên nhân gây tăng huyết áp đột ngột, tai biến có thể xảy ra. Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân dậy đi vệ sinh vào lúc sáng sớm, gặp gió lạnh dẫn đến đột quỵ và tai biến. Đặc biệt, khoảng thời gian như cuối năm, đầu xuân mới, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, dẫn đến đột quỵ não nhiều hơn.

Bởi lẽ vào thời gian giáp Tết, thời tiết tại Việt Nam có sự khác biệt khá nhiều giữa hai miền Nam – Bắc. Trong khi các tỉnh miền Bắc vẫn lạnh sâu, thì Nam bộ lại nắng nóng vào ban ngày và lạnh khi đêm và về sáng. Do vậy, với những người phải di chuyển từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại, cơ thể khó thích nghi khi thường xuyên thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Mặt khác, cuối năm cùng với cường độ lao động gấp gáp, áp lực, tiệc tùng, mất ngủ, đau đầu,... cùng thói quen sinh hoạt đảo lộn, chế độ ăn uống thả ga, ít vận động khiến chỉ số đường huyết, mỡ máu tăng cao gây “quá tải” ở động mạch,  máu lên não ứ đọng, tắc nghẽn.

Thậm chí, ở những người có tiền sử tiểu đường, tim mạch hay huyết áp cao, một số bệnh nhân có thể không chuẩn bị đủ thuốc trong những ngày Tết, quên uống thuốc hoặc cố tình ngưng thuốc vì cho rằng uống thuốc đầu năm sẽ bệnh cả năm, từ đó dẫn đến nguy cơ bệnh tái phát tăng cao.

Tránh bệnh ngay từ cách ăn

PGS.TS Mai Duy Tôn - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Với bệnh nhân đột quỵ, thời gian là não, thời gian là vàng, do vậy khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong khoảng thời gian tối đa 6 giờ đầu. Thời gian càng sớm, cơ hội phục hồi càng lớn”. 

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít gia đình do chủ quan, thiếu hiểu biết để bệnh nhân ở nhà tự điều trị bằng thuốc truyền miệng trong dân gian khiến bệnh nhân mất cơ hội điều trị. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân xảy ra đột quỵ nhưng người nhà lại nhét thuốc vào miệng khiến bệnh nhân ho sặc, đến Khoa Cấp cứu thường có tình trạng suy hô hấp do viêm phổi, nhiều trường hợp ngừng tim trước khi đến bệnh viện.

Theo PGS. Tôn, bệnh nhân đột quỵ thường có các biểu hiện, triệu chứng điển hình như: đột ngột yếu, liệt, tê bì, nói khó, bất thường về giọng nói hoặc không nói được. Đột ngột mất thị lực, có thể đau đầu dữ dội, hôn mê rối loạn ý thức. Ngoài ra, bệnh nhân có thể chóng mặt, mất thăng bằng, mất phối hợp động tác,...

Trong những trường hợp này, người thân cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115, trong thời gian chờ cấp cứu có thể chủ động sơ cứu bằng cách đặt bệnh nhân nằm tư thế đầu cao, nới lỏng quần áo, quan sát thở, màu da, nếu ngừng tim phải cấp cứu tuần hoàn. Nếu bệnh nhân nôn, thì xoay mặt và người sang một bên để tránh gây sặc, khi bệnh nhân co giật, thì dùng đũa, thìa quấn vải đặt ngang miệng tránh cắn vào lưỡi. Tuyệt đối không đưa bất kỳ thức ăn, đồ uống hay thuốc vào miệng bệnh nhân để tránh sặc hô hấp.

Theo như dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa đông năm nay sẽ ấm áp hơn mọi năm, tuy nhiên với thời tiết thay đổi đột ngột ngày nắng ấm, nhiệt độ đêm và sáng sớm giảm, do đó, người dân cần lưu ý tránh để bị nhiễm lạnh khi du Xuân, chúc Tết. Mỗi người nên ăn điều độ, ăn ít muối (không quá 5g muối/ngày), hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, chất ngọt như bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, kẹo ngọt... ; hạn chế rượu, bia, thuốc lá; nên ăn nhiều rau, củ, quả..., vận động thường xuyên (đi bộ, chạy bộ, đạp xe…) 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần một tuần; cần kiểm soát chặt chẽ huyết áp, đường huyết, cân nặng. Ở người trẻ tuổi nếu chưa có bệnh lý gì cũng cần khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì.