Cảnh giác với cơn đau ngực kèm thở nhanh

(PLO) - PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam đưa ra lời cảnh báo: Nhồi máu cơ tim là biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành. Nhồi máu cơ tim, nghĩa là có một nhánh mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, làm chết vùng cơ tim mà nhánh mạch máu này nuôi dưỡng. 
Cảnh giác với cơn đau ngực kèm thở nhanh

Trong khi ở các nước, bệnh về mạch vành giảm thì tại Việt Nam số người mắc lại tăng. Nguyên nhân cơ bản nhất là chế độ ăn uống thiếu hợp lý, căng thẳng và thiếu tập luyện. Biểu hiện của bệnh là những cơn đau thắt ngực, dữ dội, khó thở. Đôi khi đau ngực kèm thở nhanh, báo hiệu bị nhồi máu cơ tim.

Cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim tốt nhất là giữ cho tinh thần thật thoải mái, thư giãn. Cần chú trọng bữa ăn có đầy đủ thành phần dinh dưỡng, nên ăn nhiều cá, sử dụng sinh tố C, E, tiền sinh tố A, kiểm soát cân nặng, ăn nhiều rau quả, ít muối, hạn chế mỡ, chăm tập luyện thể thao, không hút thuốc lá và có cuộc sống tinh thần thoải mái.

Trong trường hợp bị nhồi máu cơ tim, biện pháp tốt nhất là nghỉ ngơi tại chỗ, không cố gắng vận động. Sau đó bệnh nhân phải được nhanh chóng đưa vào bệnh viện để điều trị tích cực chứ không được điều trị tại nhà. Với những người đã được xác định bị bệnh mạch vành hoặc từng bị nhồi máu cơ tim, biện pháp  cấp cứu là dùng ngay thuốc giãn mạch.

Gần 18 triệu người tử vong mỗi năm

Bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Thoe Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở các nước phát triển đã được ngăn chặn với xu hướng giảm từ vài thập kỷ qua. Trái ngược với xu thế trên, tỷ lệ tử vong do bệnh bệnh lý tim mạch lại ngày một gia tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tăng huyết áp (THA) là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính. Tại Việt Nam, năm 2000 có  khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp thì năm 2009 tỷ lệ này đã lên tới 25,4% và năm 2016 tỷ lệ đã ở mức báo động là 46%. Có thể nói, bất kể ai trong số chúng ta cũng có thể có nguy cơ bị bệnh tim mạch. Hiện, cứ 4 người lớn ở Việt Nam, có ít nhất 1-2 người đã mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều tiến bộ khoa học trong chuẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch đã giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Vấn đề đặt ra là, để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ này đòi hỏi các thầy thuốc và nhân viên y tế phải chủ động nắm bắt, cập nhật liên tục các kiến thức cũng như kỹ thuật mới.

Cũng theo GS Việt, tốt nhất là người dân nên chủ động phòng ngừa để không bị bệnh tim mạch, đây là biện pháp hiệu quả nhất và rẻ nhất. Bài học của các nước phát triển cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động ngăn ngừa tích cực bệnh tim mạch bằng cách tác động tới các yếu tố nguy cơ cũng như điều trị tích cực bệnh và phòng ngừa thứ phát.

 “Có những biện pháp tưởng như đơn giản nhưng làm giảm đáng kể các nguy cơ tim mạch, ví dụ như, tập thể dục đều hàng ngày làm giảm 4,9 mmHg huyết áp tâm thu; giảm lượng muối ăn (tính theo natri ăn vào) dưới 1.800 mg/ngày giúp làm giảm khoảng 5,1 mmHg huyết áp tâm thu ở bệnh nhân tăng huyết áp; chế độ ăn cho người tăng huyết áp (DASH) giúp làm giảm gần 10 mmHg huyết áp tâm thu ở đối tượng này… Tốt nhất là chúng ta nên phòng ngừa để không bị bệnh tim mạch, đây là biện pháp hiệu quả nhất và rẻ nhất”,  GS Việt chia sẻ.