Cảnh sát cơ động sơ cứu cháu bé động kinh ở Nam Định có đúng cách?

Hành động ứng cứu của chiến sĩ cảnh sát cơ động (CSCĐ) Trần Đức Giảng và đồng nghiệp với cổ động nhí ở Sân vận động Thiên Trường tối 4/8 được nhiều người trân trọng. Tuy nhiên, quan điểm của các bác sĩ về hành động mà anh chàng cảnh sát này sơ cứu cho rằng không đúng chuyên môn. 
Cảnh sát cơ động sơ cứu cháu bé động kinh ở Nam Định có đúng cách?

Tối qua, 4/8, báo chí, mạng xã hội đồng loạt đưa hình ảnh về CSCĐ trên sân Thiên trường giúp 1 cháu bé bị co giật đi cấp cứu. Một anh thò tay vào miệng chịu đau để cháu cắn, tránh...cắn phải lưỡi. Ngay lập tức, bức ảnh nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng, tuy nhiên, dưới góc nhìn của các y bác sĩ, cách làm này không đúng chuyên môn.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ, người từng làm việc ở đội tuyển quốc gia Việt Nam, cho biết: "Nguyên tắc xử lý cơ bản nhất là ngay lập tức khai thông đường thở cho nạn nhân bằng cách để nằm nghiêng, dùng vật mềm như băng gạc hay vải để ngáng miệng nạn nhân, tránh dùng vật dụng cứng dễ gây tổn thương cho răng và hàm. Tư thế nằm nghiêng cũng giúp lưỡi tự rơi ra một cách tự nhiên thay vì thụt vào trong".

BS Ngô Hùng (Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai) khẳng định trên Facebook cá nhân rằng, đây là một hình ảnh đẹp. Đem lại hiệu quả về mặt truyền thông rất tốt về các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

“Nhưng, nó cũng cho thấy rằng kiến thức sơ cấp cứu của những người làm việc tại nơi công cộng đang bị hổng rất nhiều. Mặc dù nhiều lần mình khẳng định các nhân viên làm việc nơi đông người phải được huấn luyện về sơ cấp cứu.

Theo đó, SAVE-an toàn là từ khóa cho mọi hành động cấp cứu. An toàn cho người tham gia cứu hộ và an toàn cho nạn nhân. THỜI GIAN là vàng nhưng AN TOÀN là mạng sống”, BS Hùng nhấn mạnh.

BS Hùng phân tích, trong tình trạng động kinh, nguy cơ cắn phải lưỡi rất ít, vì khi co giật cơ sẽ co cứng lại và tăng trương lực. Như vậy lưỡi sẽ tụt xuống chứ chả bao giờ lè ra để cắn phải. Điều đáng sợ nhất là tụt lưỡi gây ngạt và sặc đờm dãi vào phổi gây viêm phổi do nuốt.

“Trong các sách sơ cấp cứu. Vết cắn do người được xếp mức độ nhiễm trùng và nguy hiểm cao hơn súc vật cắn vì hệ vi khuẩn trong khoang miệng của người đôi khi phong phú hơn động vật.

Tiếp nữa, khi cho dị vật nào đó vào mồm, sẽ gây nguy cơ đẩy dị vật nếu có vào sâu hơn. Và gây ngạt. Chưa kể nếu cơn co giật mạnh, sẽ làm gãy răng nạn nhân”, BS Hùng thông tin.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, trong thực tế cấp cứu người co giật, rất nhiều người dùng đũa ngáng ngang miệng vì sợ bệnh nhân cắn lưỡi; cho tay vào miệng trẻ và chịu đau đớn vì cơn giật trẻ nghiến răng mạnh.

Đây cũng là một sai lầm thường gặp của cha mẹ khi xử lý tình huống con bị sốt cao co giật, co giật. Thực tế, sơ cứu đúng, đó là tuyệt đối không cho ngón tay vào miệng bé dù trẻ đang cắn giật giật (trẻ có thể cắn nát ngón tay, việc này cũng không có ý nghĩa gì trong cấp cứu).

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, công tác tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) cũng nhấn mạnh, bức ảnh đẹp, chộp được khoảng khắc "cắn răng chịu đau" của người chiến sỹ CSCĐ khi ngón tay của anh bị hàm răng của cháu bé nghiến. Cháu bé bị co giật khi đang xem đá bóng và lo sợ cháu bé cắn vào lưỡi, người chiến sỹ CSCĐ này đã dũng cảm, vì nhân dân quên mình, đưa ngón tay ngáng miệng cháu bé. Hình ảnh đẹp, rất đẹp!

“Tuy nhiên đứng về phương diện sơ cấp cứu có mấy điểm không ổn trong bức ảnh này!”, BS Nghĩa Thịnh nêu.

Cụ thể: Cháu bé đang ở tư thế nguy hiểm. Việc bế cháu bé như trong hình chạy khoảng hơn 50 mét làm tăng nguy cơ rơi ngã cháu bé! Chỉ nói chuyện anh chiến sỹ CSCĐ vấp ngã thôi là đã đủ làm tăng nguy cơ chấn thương thêm cho cháu bé rồi! Chưa kể đây là trường hợp cháu bé bị co giật, nguy cơ cháu giật tung khỏi tay người CSCĐ là không nhỏ!

Thứ hai, cháu bé đang bị nguy cơ phơi nhiễm các bệnh lây qua đường máu. Không biết anh CSCĐ kia ngoài cơn đau mà anh đã phải cắn răng chịu đựng thì không biết ngón tay của anh có bị chảy máu không?. Nếu có chảy máu, cháu bé đã vô tình tiếp xúc với máu của người anh CSCĐ. Anh ấy là người tốt, nhưng trong y học, mọi việc đều có thể! Nên kiểm tra và theo dõi cho cháu bé nhé!

Thứ ba, anh CSCĐ đang bị phơi nhiễm các bệnh lây truyền qua dịch tiết của cháu bé. Cháu bé co giật, nhớt dãi đầy miệng. Anh CSCĐ đã nhét ngón tay vào và nếu ngón tay chảy máu thì ngón tay chảy máu của anh đã tiếp xúc với dịch tiết hầu họng của cháu bé.

BS Thịnh cũng cho biết thêm, trong co giật 2 hàm răng có thể nghiến chặt, hầu hết lúc này lưỡi bị rụt lại nên không có chấn thương. Một số trường hợp lưỡi bị đẩy ra ngoài, nạn nhân có thể sẽ bị chảy máu do chấn thương lưỡi. Các chấn thương này thường rất nhẹ do chấn thương ở đầu lưỡi. Khi được đưa tới viện, chảy máu lưỡi hầu hết đã tự cầm.

“Khi thấy có người co giật thì người dân Việt nhanh chóng tìm thấy bất kỳ thứ gì có xung quanh và nhét vào mồm nạn nhân. Các vật mềm oặt như giẻ, vải xô... không có tác dụng gì với việc phòng cắn lưỡi mà nó còn tăng nguy cơ gây ngạt đường thở. Giẻ đã bị cấm.

Còn các vật cứng như đũa cả, gậy cảnh sát... có thể ngáng để tránh cắn lưỡi, nhưng để nhét vào cũng khá vất vả. Các bạn cứ tưởng tượng xem ta sẽ phải dùng sức như thế nào để cạy 2 hàm răng đang cắn chặt và nhét được các vật cứng đấy vào giữa 2 hàm răng.

Rất nhiều trường hợp nạn nhân tới viện be bét máu ở mồm không phải vì cắn vào lưỡi mà là do các biện pháp dự phòng cắn lưỡi gây ra. Chưa kể răng gẫy rơi vào đường thở, chưa kể vật ngáng mồm bị gãy gây chấn thương rách lưỡi, môi, má... Nếu quá cứng không gãy được thì cũng sái quai hàm mà từ chuyên môn là chấn thương khớp thái dương hàm”, BS Thịnh nhấn mạnh.

Đọc thêm