Chờ vắc xin sốt xuất huyết, người dân phải tự cứu mình

(PLO) - Sự kiện Viện Pasteur TP.HCM công bố kết quả nghiên cứu về vắc xin sốt xuất huyết ở nhóm trẻ trên 9 tuổi vừa qua đã khiến không ít người dân không khỏi mừng thầm. 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long (bên phải) kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP.Hồ Chí Minh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long (bên phải) kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP.Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, đó chỉ là những kết quả bước đầu, từ thử nghiệm đến khi vắc xin được đưa vào sản xuất và lưu hành trên thị trường vẫn còn là một khoảng cách khá xa. Do đó, để chủ động phòng bệnh, người dân vẫn phải tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Chưa nên vội mừng
Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Phan Trọng Lân, về nguyên tắc, vắc xin (VX) phải qua các giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật trước khi đem thử nghiệm trên người. Nghiên cứu trên người gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn I (tính an toàn); giai đoạn II (tính sinh miễn dịch và tính an toàn) và giai đoạn III (hiệu quả phòng bệnh). Nếu nghiên cứu giai đoạn III thành công, nhà sản xuất có thể đệ trình hồ sơ cho các nhà chức trách về đăng ký đánh giá cấp phép cho lưu hành trên thị trường. 
Dựa vào kết quả nghiên cứu trong thời gian qua, nhà sản xuất VX đang tiến hành đăng ký lưu hành sản phẩm cho người từ 9 tuổi trở lên để ngừa bệnh sốt xuất huyết (SXH), ưu tiên tại các quốc gia đã tiến hành nghiên cứu giai đoạn III, trong đó có Việt Nam. 
Bàn về vấn đề thử nghiệm VX SXH, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, TS. Trần Đắc Phu cũng cho hay, hàng chục năm qua, nhiều nước trên thế giới, các công ty đa quốc gia đều nỗ lực để phát triển VX phòng SXH nhưng chưa thực sự thành công. Hãng Sanofi, hãng sản xuất VX hàng đầu thế giới đầu tư rất lớn trong việc nghiên cứu sản xuất VX phòng SXH, nhưng đó chỉ là những kết quả bước đầu, từ thử nghiệm đến khi VX được đưa vào sản xuất và lưu hành trên thị trường vẫn còn là một khoảng cách khá xa.
Theo ông Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để phòng, chống dịch bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang tiến hành một thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa, đó là dùng vi khuẩn Wolbachia để gây nhiễm vào muỗi. 
Ông Dương cho hay, đây là loại vi khuẩn vô hại với con người nhưng khi nhiễm vào muỗi sẽ làm cho muỗi trở nên ốm yếu, chết sớm và đặc biệt nó làm giảm thiểu khả năng nhiễm virus SXH vào muỗi, từ đó làm giảm khả năng truyền bệnh cho con người. Nghiên cứu này được thực hiện từ năm 2006 với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là Australia - nơi tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng biện pháp này trong phòng chống SXH. 
Trên cơ sở khoa học và thực tiễn thu được qua các giai đoạn nghiên cứu từ năm 2006 đến nay, kết quả bước đầu cho thấy muỗi mang Wolbachia đã thiết lập và thay thế được quần thể muỗi có khả năng lây bệnh cao tại đảo. 
Hiện Viện đang xin phép Bộ Y tế được mở rộng thử nghiệm ở quy mô lớn hơn để thu thập thêm bằng chứng khoa học của phương pháp này. Nếu thử nghiệm thành công sẽ mở ra một hướng mới trong việc sử dụng tác nhân sinh học góp phần cùng với các biện pháp hiện tại trong phòng chống SXH ở nước ta trong thời gian tới…
Tự cứu mình
Thống kê từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, hiện  cả nước đã có hơn 43.000 trường hợp mắc SXH và 28 trường hợp tử vong do SXH. Thực tế, có 4 tuýp virus gây bệnh (D1, D2, D3, D4), vì thế một người khi đã mắc bệnh bởi 1 tuýp thì miễn nhiễm suốt đời với tuýp này, nhưng với ba tuýp còn lại là không. Vì vậy, trong đời một con người có thể 4 lần bị mắc bệnh. 
Hiện tại, số mắc SXH tập trung chủ yếu ở các tỉnh/thành phố có nhiều khu công nghiệp/nhà máy sản xuất; nhiều khu nhà trọ dành cho người lao động nhập cư và có hạ tầng đô thị phát triển nhưng chưa đáp ứng kịp đà tăng dân số như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại thời điểm hiện nay, khi chưa có VX phòng chống bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp tự bảo vệ sức khỏe để chặn các nguy cơ lan truyền bệnh SXH…
Một chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế tỏ ra rất quan ngại khi nhận xét hiện tỷ lệ người trên 15 tuổi mắc SXH tại các tỉnh phía Nam đã tăng từ 14% năm 1991 lên đến 30% năm 2004, và đang có xu hướng tăng lên trong mùa dịch năm nay. Theo ông, đây là điều rất đáng lo lắng vì người lớn bị SXH dễ tử vong hơn trẻ em. Điều này cũng cho thấy chúng ta vẫn chưa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này. 
Trước thực tế người dân cũng như các cấp chính quyền vẫn lơ là trong hoạt động phòng chống dịch bệnh như hiện nay, chuyên gia này cho rằng, bên cạnh việc phòng và phát hiện sớm, để có thái độ điều trị phù hợp, giải pháp số 1 vẫn là từng người dân phải có ý thức phòng chống, loại bỏ nơi trú ẩn - sinh ra của muỗi. 
Chiến dịch dự phòng phải tiến hành trước, bắt đầu các vụ dịch, chứ không đợi có dịch bùng phát mới triển khai; cùng với đó phải kết hợp tuyên truyền và hành động như phun thuốc quây các nơi có dịch không để lây lan. Việc làm này phải được thực hiện bởi toàn dân chứ không dừng ở một vài ban ngành.

Đọc thêm