Chung tay hỗ trợ điều trị tâm lý xã hội cho người nghiện ma túy

(PLO) - Theo Bộ LĐTB&XH, đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có 222.852 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 14.000 người so với năm 2016. Xu hướng nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, hiện đang cai nghiện cho 114.380 người. Ma túy gây ra nhiều tác động rất xấu đến tình hình an ninh trật tự, kinh tế - xã hội.
Bức tranh mang tiêu đề “Bố mẹ ơi chúng con ở với ai” của em Phan Thị Thanh Tâm 7 tuổi đạt Giải B tại cuộc thi vẽ tranh Phòng chống ma túy qua ánh mắt trẻ thơ do Bộ VHTTDL tổ chức
Bức tranh mang tiêu đề “Bố mẹ ơi chúng con ở với ai” của em Phan Thị Thanh Tâm 7 tuổi  đạt Giải B tại cuộc thi vẽ tranh Phòng chống ma túy qua ánh mắt trẻ thơ do Bộ VHTTDL tổ chức

“Ai có chồng nghiện ma túy như em không?” 

Là tiếng kêu cứu đầy khẩn thiết của một cô gái trẻ 27 tuổi có nick name codai_646 trên một diễn đàn gia đình. Theo lời của cô thì khi quen nhau cô đã biết chồng mình có tiền sử nghiện ma túy nhưng đã cai được. Cô đã cưới vì tin anh ta thay đổi. Thế rồi, lấy nhau và có con được 5 năm là từng ấy thời gian chồng cô tái nghiện đi tái nghiện lại. Cô đã từng bao phen khóc lên khóc xuống vì chồng,  có thai gần sinh vẫn phải vác bụng lên trại cai nghiện mà thăm chồng. Khi chồng vừa ra khỏi trại cai nghiện cũng là lúc cô lên bàn đẻ với lời hứa của chồng sẽ không tái nghiện nữa “Em sinh xong chưa được tháng thì đã chạy tới chạy lui lo công việc cho chỗ làm, việc gì cũng ráng làm cho chồng yên mà tu tâm cai nghiện. Nhưng cứ được lâu nhất là khoảng thời gian 2 năm là anh tái nghiện lại. Em chưa được một ngày bình yên vì cứ mải lo cho chồng. Nhưng đến hôm nay thì mọi sự cố gắng của em đều tan nát hết, chồng em đã bỏ đi và đã chơi ma túy lại. Lại đúng vào cái ngày mà em vừa thử thai và biết  mình có thai đứa con thứ hai...” – cô gái đâu khổ tâm sự. 

Trên thực tế, hiện tượng đã cai rồi lại tái nghiện và lặp đi lặp lại như chồng cô gái là không hiếm. Không cai được là do người nghiện không quyết tâm hay tâm lý của người nghiện có vấn đề. Để trả lời câu hỏi này, theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) thì quá trình căng thẳng tâm lý là một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc cai nghiện trở nên khó khăn. Cụ thể, việc tái nghiện xuất phát từ quá trình căng thẳng tâm lý. Quá trình căng thẳng tâm lý xuất hiện qua ba trạng thái. Thứ nhất, tiếp xúc, hồi tưởng lại những đối tượng liên quan đến việc sử dụng ma túy, bơm kim tiêm, bạn nghiện. Trạng thái thứ hai, căng thẳng tâm lý của người nghiện xuất hiện qua các cảm xúc tiêu cực, thất vọng, buồn chán, mặc cảm, nóng giận. Thứ ba, căng thẳng tâm lý dễ rơi vào những tình huống “nguy cơ” dẫn đến hành vi sử dụng ma túy.

Từ thực tế này cho thấy mô hình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người nghiện ma túy trước khi bị tòa án xem xét, quyết định biện pháp cai nghiện bắt buộc là cần thiết. Theo khuyến cáo của Liên hợp quốc, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp và các dịch vụ y tế, xã hội sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị rối loạn sử dụng chất. Hiện nay trên thế giới, có nhiều mô hình về việc phối hợp liên ngành hỗ trợ người sử dụng ma túy ở cộng đồng, ngoài cơ sở khép kín. Mô hình chuyển gửi bởi cảnh sát đã được thực hiện ở nhiều nơi trong đó có nhiều thành phố ở Mỹ. Theo đánh giá, năm 2017, tỷ lệ người sử dụng ma túy tham gia chương trình bị bắt giữ vì vi phạm pháp luật thấp hơn 60% so với những người không tham gia chương trình. Tỷ lệ có việc làm thu nhập cao hơn 33%; cải thiện hình ảnh của cảnh sát đối với cộng đồng, gần gũi, thân thiện, nhân văn hơn.

Ngày 7/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 424/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 trong đó có giao Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, triển khai mô hình trợ giúp pháp lý, xã hội theo mô hình “tiền xét xử”. Mô hình này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên tại Việt Nam đây là mô hình mới. Những năm gần đây, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Vụ Khoa giáo Văn xã - Văn phòng Chính phủ, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng SCDI và Cục Quản lý lạm dụng chất gây nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ SAMSHA nghiên cứu về mô hình, và xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng tại Việt Nam, nhằm hướng tới cung cấp các dịch vụ thuận lợi nhất, tốt nhất cho những người không may nghiện ma túy được tư vấn, điều trị, cai nghiện, bảo đảm quyền công dân, quyền con người. 

Tăng cường phối hợp giữa cơ quan tư pháp, y tế, xã hội và cộng đồng 

Mới đây, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức nghiên cứu trao đổi về “Mô hình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người nghiện ma túy trước khi bị tòa án xem xét, quyết định biện pháp cai nghiện bắt buộc” . Bà Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng SCDI cho biết, mục tiêu tổng quát của việc xây dựng mô hình tại Việt Nam là tăng cường phối hợp giữa cơ quan tư pháp y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ, tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ y tế xã hội và pháp lý phù hợp tại cộng đồng đối với người sử dụng ma túy, nhằm đạt được hiệu quả điều trị nghiện cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm do tác động của ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy, và áp dụng đối với tất cả người sử dụng ma túy, đối tượng trong quá trình xem xét áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại trung tâm, cũng như người sau cai… và sẽ thí điểm triển khai tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. 

TP HCM là thành phố đặc thù đối với tình hình người nghiện ma túy rất phức tạp, ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP HCM cho biết, số người nghiện tại TPHCM nhiều nhất nước, với hơn 22.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Vấn đề đặt ra của thành phố trong năm qua là nỗ lực tập trung quyết liệt để giảm thiểu số người nghiện. Tuy nhiên, hiện nay về mặt quan điểm nhận thức hầu như còn nghiêng về quan điểm đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các giải pháp khác nhằm giúp người nghiện được tiếp cận các dịch vụ khác hầu như là làm chưa được tốt, trong khi các dịch vụ hỗ trợ người nghiện tại cộng đồng thiếu rất nhiều. Theo ông Du, việc thí điểm mô hình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người nghiện ma túy nếu được triển khai đồng bộ chắc chắn sẽ hiệu quả. Vì việc kết nối các dịch vụ ở địa bàn dân cư sẽ mang thuận lợi hơn do cán bộ đã được đào tạo, chuẩn hóa sẽ giúp chúng ta giảm bớt được tài chính, nhân lực.