Chung tay vào cuộc chống dịch tả lợn châu Phi

(PLVN) - Để ngăn chặn dịch bệnh tại thời điểm này, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành; nâng cao ý thức của người dân về dịch bệnh; công tác kiểm soát chăn nuôi, vận chuyển, mua bán, giết mổ cần được tăng cường.
Tiêu hủy lợn bị dịch  tả lợn châu Phi
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi  , các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đối phó, thiết lập vòng an toàn, không để bệnh dịch xâm nhiễm trên diện rộng. Tuy nhiên, bên cạnh sự  nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương thì sự chủ động từ cơ sở đóng vai trò “then chốt” trong công tác phòng chống dịch  tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT Phú Thọ, tính đến ngày 11/7, toàn tỉnh đã có 162 xã, phường thuộc 12 huyện, thành phố công bố dịch  tả lợn châu Phi  với số lợn tiêu hủy trên 28.000 con. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập 195 chốt kiểm soát tại các xã công bố dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.

Các đội kiểm soát lưu động, chốt kiểm dịch kiểm soát được 11.304 phương tiện vận chuyển, 301.391 con động vật các loại và trên 39 nghìn kg sản phẩm động vật các loại; 13/13 huyện, thành, thị đã triển khai kiểm soát kinh doanh thịt lợn, các sản phẩm từ lợn tại 184 chợ.

Công tác tiêu hủy lợn dịch bệnh tại Phú Thọ
Công tác tiêu hủy lợn dịch bệnh tại Phú Thọ

  Đoan Hùng là huyện giáp ranh với tỉnh Yên Bái - một trong những ổ dịch  tả lợn châu Phi đầu tiên của cả nước, có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua như Quốc lộ 2, Quốc lộ 70 nên việc kiểm soát bệnh dịch xâm nhập vào địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.

Ngay sau khi dịch  tả lợn châu Phi  xâm nhập địa bàn, Trạm kiểm dịch động vật huyện Đoan Hùng được tăng cường vật tư, lực lượng, túc trực 24/24 giờ. Các phương tiện lưu thông qua địa bàn được nhân viên thú y kiểm tra chặt chẽ, phun thuốc sát trùng, khử độc. 

Ông Nguyễn Văn Sinh - Cán bộ thú y xã Phong Phú (huyện Đoan Hùng) cho biết: Từ khi xuất hiện ổ dịch tả lợn đến nay, chúng tôi chia ca túc trực ở chốt 24/24 giờ, kiểm soát và tiêu độc khử trùng 100% người và phương tiện ra vào vùng dịch. Hệ thống các tuyến đường của xã, ngõ xóm có dịch trên địa bàn xã đều được rắc vôi bột. Cán bộ làm nhiệm vụ cũng nhận được sự hợp tác đầy đủ của nhân dân, bởi ai cũng nhận thức được sự nguy hiểm của dịch  tả lợn châu Phi. 

Hiện trên địa bàn huyện Đoan Hùng, bệnh dịch  tả lợn châu Phi  đã xuất hiện tại 14 xã, thị trấn với số lượng lợn tiêu hủy gần 1.000 con. UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng các xã, thị trấn đẩy mạnh các biện pháp khống chế và ngăn chặn không để bệnh dịch phát sinh, lây lan; tổ chức tuyên truyền tới từng hộ chăn nuôi về các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng chuồng trại phòng trừ dịch bệnh. Trong đó, lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp ở khu dân cư, trên đài truyền thanh xã để từ đó nâng cao vai trò chống dịch trong nhân dân.

Để người dân ý thức hơn trong phòng, chống bệnh dịch, thời gian qua các cấp, ngành và các tổ chức đoàn thể cùng với cơ quan truyền thông của tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch, kỹ thuật tiêu hủy lợn bị dịch, công tác bảo vệ môi trường tới từng hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh dưới nhiều hình thức như tổ chức hội thảo, tập huấn và hệ thống phát thanh cấp huyện, xã hằng ngày. 

Đến nay đã có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, từ cấp huyện, thị xã, khu, đặc biệt là những người chăn nuôi. Một số cơ sở chăn nuôi, trang trại chăn nuôi theo quy mô lớn cũng đã tự ý thức bảo vệ đàn lợn của gia đình bằng các biện pháp như thường xuyên phun khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột, không sử dụng thức ăn thừa tại các nhà hàng, khách sạn, các khu cụm công nghiệp và không cho người lạ ra vào chuồng trại.

Đối với những hộ dân có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy thì thực hiện các biện pháp khoanh vùng, khống chế, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý tiêu hủy đúng quy trình nhằm hạn chế tốc độ lây lan diện rộng.

Ông Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ nhấn mạnh: Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế dịch TLCP lan rộng thì vai trò của chính quyền cấp xã, đặc biệt là nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh dịch là rất quan trọng. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến từng khu dân cư, từng hộ chăn nuôi. Đặc biệt tuyên truyền để người dân phối hợp với cơ quan chuyên môn giám sát, phát hiện dịch bệnh, tố giác các hành vi giấu dịch, bán chạy lợn ; không vứt xác lợn chết, lợn bệnh ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh.

Trên thực tế, việc chưa có vắcxin phòng chống dịch  tả lợn châu Phi  là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng cũng như người dân trong việc phòng, chống dịch. Tuy nhiên, để hạn chế lây lan, và ngăn ngừa dịch bệnh tại thời điểm này, rất cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp ngành trong việc nâng cao ý thức của người dân về dịch bệnh, bên cạnh đó công tác kiểm soát chăn nuôi, vận chuyển, mua bán, giết mổ cũng cần được tăng cường.

Đọc thêm