Chuyện nhà phát minh ra sữa đặc cứu mạng người

(PLO) -Xuyên suốt nhiều thời đại, nhân loại đã không ngừng cố gắng để phát minh ra nhiều cách thức nhằm bảo quản thực phẩm trong một thời gian dài, vì thế thực phẩm có thể được lưu trữ và dùng nhiều lần hoặc nhiều nơi mà nguồn thực phẩm tươi hầu như không có sẵn. Có một phát minh đã hiện đại hóa ngành công nghiệp các sản phẩm từ sữa mà đã giúp cứu mạng sống cho hàng ngàn trẻ em. 
Gail Borden (1801-1874), người đã làm nên một cuộc cách mạng về sản xuất sữa đặc
Gail Borden (1801-1874), người đã làm nên một cuộc cách mạng về sản xuất sữa đặc

Chuyện là, vào hồi giữa thế kỷ 10 có một nhà phát minh tay ngang người New York tên là Gail Borden, người đã làm nên một cuộc cách mạng về sản xuất sữa đặc, khiến cho thứ sản phẩm thông dụng này trở nên an toàn hơn và luôn có sẵn cho mọi người. 

Trước năm 1856, sữa khi ấy luôn là sữa tươi (dạng nước). Sữa tươi trở thành một thách thức khổng lồ trên các tàu thủy trong những chuyến hải hành dài ngày, người ta phải đem theo một đàn bò lớn để sản xuất sữa tươi phục vụ nhu cầu của các hành khách, đặc biệt là trẻ nhỏ. 

Ý tưởng phát minh bất ngờ

Nhưng các con bò vì không phải là động vật biển nên thường hay bị say sóng, hay bị ốm và không thể sản xuất đủ sữa trong chặng hải hành dài. Gail Borden cũng hay đi lại bằng tàu thủy và ông cũng hay nhìn thấy cảnh trẻ con bị ốm do thiếu sữa mẹ. Trước khi phát minh ra sữa đặc, Gail Borden đã kinh qua nhiều nghề nghiệp khác nhau trong đời. Thủa ban đầu, ông làm giám sát viên đất đai và tham dự vào việc tạo ra một tấm bản đồ địa hình đầu tiên về Texas.

Kế đó, dù không có kinh nghiệm, nhưng Borden vẫn đảm nhận công việc biên tập cho tờ báo Telegraph and Texas Register. Khi có chút kinh nghiệm, Borden đã tham gia vào sân khấu chính trị trước khi cải thiện quy trình bảo quản thực phẩm. Phát minh đầu tiên của Gail Borden liên quan đến thực phẩm là bánh quy thịt, một dạng thịt bò được khử nước vốn rất thông dụng trong món thịt bò khô của người da đỏ xứ Mỹ gọi là “Pemmican”.

Dù không thành công về mặt kinh tế (bánh quy thịt ăn không ngon), nhưng bù lại sản phẩm này cũng giúp cho Borden nhận được một huy chương vàng tại Hội chợ thế giới được tổ chức ở London (Anh) vào năm 1851.

Tấm biển hiệu đề tên Công ty sữa đặc New York của doanh nhân kiêm nhà phát minh Gail Borden
Tấm biển hiệu đề tên Công ty sữa đặc New York của doanh nhân kiêm nhà phát minh Gail Borden 

Trên đường quay trở lại nước Mỹ ngay trên chuyến tàu thủy khởi hành từ London đến New York, tình cờ Borden đã chứng kiến một sự việc kinh dị. Các con bò sữa trên tàu đột nhiên đổ bệnh và lăn ra chết bởi một chứng bệnh truyền nhiễm. Chuyện chưa hết, đám trẻ con uống sữa bị nhiễm độc cũng chết. Borden rất “sốc” và hoang mang khôn tả, ông nung nấu ý định phải quyết tâm làm một việc gì đó nhằm ngăn chặn nỗi thống khổ. Trở lại New York, Gail Borden tự “nhốt” trong “phòng thí nghiệm” nằm ở tầng hầm ngôi nhà ở Brooklyn và bắt đầu mày mò tìm ra cách để bảo quản sữa. 

Trước tiên, Borden lấy độ 3,7 lít sữa bò tươi, đun sôi sữa trong một cái chảo. Ông cứ đun miết cho đến khi nước trong sữa bay đi hết và cô đặc lại thành một lớp chất dẻo. Thứ chất dẻo đó có màu đen thui và mùi y hệt mồ hôi. Borden nếm thử nhưng quả là rất khó nuốt. Borden liền nghĩ ra cách phải đổi mới cách bảo quản sữa. 

Một hôm nọ, Gail Borden tình cờ tham quan Shaker Colony, ông thấy ở đó có một thứ gì đó khá thú vị: những người pha rượu đã nấu các loại trái cây nhằm làm khử nước của quả, và đặc biệt là họ dùng một cái chảo chân không đặc biệt để làm việc này. Borden lóe lên ý tưởng rằng ông hoàn toàn có thể làm điều tương tự với sữa tươi. Tất cả các dạng chất lỏng được đun ở nhiệt độ thấp thì khi đó áp suất sẽ giảm. Điều này có nghĩa là Gail Borden có thể nấu sữa trong chảo chân không mà không cần đốt cháy nó, không hủy hoại mùi vị của sữa. Trong chảo chân không, sữa nấu ở nhiệt độ 57,7 độ C thay vì phải là 100 độ C như bình thường.

Theo cách này, sữa vẫn giữ nguyên màu và vị như ban đầu của nó, và quan trọng hơn sữa có thể để lâu mà chất lượng không suy suyển. Dù khi đó, Gail Borden không hề biết rằng có sự tồn tại của vi khuẩn trong sữa, nhưng ông vẫn tuyên bố nó là một “chất lỏng sống”. Các nhà khoa học vào thời đó cũng biết có thứ gì đó trong không khí khiến cho sữa chua trong một khoảng thời gian.

Sản phẩm lon sữa đặc do công ty của doanh nhân Gail Borden sản xuất và bán tại Mỹ
Sản phẩm lon sữa đặc do công ty của doanh nhân Gail Borden sản xuất và bán tại Mỹ

Thay đổi ngành thực phẩm Hoa Kỳ

Không bằng lòng với kết quả đạt được, Gail Borden đã không ngừng cải tiến  và tinh chế mô hình chảo chân không công nghiệp để cho ra sữa đặc. 

Sau 3 năm làm việc chăm chỉ, vào năm 1856, Gail Borden đã nhận được bằng sáng chế về phát minh ra sữa đặc. Thời kỳ đó, Borden quyết định không đi vào vết xe đổ như đã làm với bánh quy thịt nữa. Ông quyết định kinh doanh có lợi nhuận, nhưng khởi đầu nghiệp kinh doanh có vẻ như không thuận lợi cho lắm. 2 nhà máy sản xuất sữa dặc đầu tiên của Gail Borden hoạt động không đạt năng suất cao, người dân không có đủ sữa đặc để uống trong khi những nhà tài trợ vốn cho Borden muốn nhìn thấy tiền tươi trên bàn, vì thế Borden quyết định đóng cửa các nhà máy này. May mắn chỉ mỉm cười với Gail Borden khi ông tình cờ gặp gỡ Jeremiah Milbank, một quý ông giàu có, kinh doanh phát đạt trong ngành đường sắt và ngân hàng ở New York. Bản thân Milbank nhìn ra một tiềm năng khổng lồ trong sữa đặc và quyết định mạnh tay đầu tư cho Borden. Milbank đã trao cho Borden số tiền hơn 100.000 USD và họ cùng nhau thành lập nên Công ty sữa đặc New York.

Ngay lập tức doanh thu từ việc bán sữa đặc tăng vù vù, các nhà máy sản xuất sữa đặc của Borden nhanh chóng mở rộng khắp nơi tại 2 tiểu bang New York và Illinois. Khi cuộc nội chiến Mỹ bùng nổ vào năm 1861, sữa đặc trở thành độc quyền của một đối tượng khách hàng khác: Quân đội Liên bang miền Bắc. Các tướng lĩnh mua hàng trăm thùng sữa đặc cho binh lính của họ. Chỉ trong vòng vài năm, Gail Borden đã làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp các sản phẩm sữa. 

Bên cạnh sự thành công về doanh số, Borden còn muốn tập đoàn của ông phải đạt được tiêu chuẩn sản xuất cao nhất mọi thời đại. Trước khi sản xuất sữa đặc có lẽ không mấy ai quan tâm đến tầm quan trọng của điều kiện vệ sinh, người nuôi bò không quan tâm, nhiều con bò bị bệnh, và sữa bò được chở tới tay người mua trong cùng chiếc xe chở bò có phân bò. Hồi đó cũng không có phương pháp thanh sát vệ sinh. Gail Borden đã làm khác đi. Công ty ông tự hào về sự an toàn và lành mạnh của sữa do đơn vị sản xuất ra, và ông muốn tiếp tục giữ vững sự tự hào đó. 

Nhờ có phát minh của Gail Borden mà nhân loại có thêm một món sữa bổ dưỡng
Nhờ có phát minh của Gail Borden mà nhân loại có thêm một món sữa bổ dưỡng

Đó cũng là lý do giải thích vì sao Gail Borden đã cử các thanh sát viên vệ sinh đến tận các trại bò sữa, nơi phân phối sữa bò cho các nhà máy của ông. Các ông chủ bò phải làm theo những hướng dẫn của Borden nếu muốn bán sữa cho nhà máy. Các thanh sát viên có một danh sách kiểm tra gọi là “10 Điều răn của người nuôi bò sữa”. Nhiệt độ sữa bò không được vượt quá 52 độ C; vú bò phải được lau sạch trước khi vắt sữa; các thùng đựng sữa bò phải làm sạch trước khi chứa sữa; ngoài ra còn có những yêu cầu khác. Lúc đầu, các nông dân nuôi bò sữa tỏ vẻ miễn cưỡng chấp nhận các quy định của, nhưng chẳng mấy chốc họ đã nhìn thấy được lợi ích và nhất mực tuân theo để sữa luôn ngon hơn. 

Sữa cô đặc làm cho thế giới lành mạnh hơn, cứu mạng sống của hàng ngàn trẻ em và người lớn bị bệnh. Các bà mẹ bắt đầu nuôi con sơ sinh bằng sữa đặc của Gail Borden (nhãn hiệu sữa đặc con Đại Bàng). Sữa tiệt trùng của nhà phát minh Gail Borden đã ra đời hàng thập niên trước khi nó được khoa học chứng minh về tính vô trùng. Phần lớn các tiêu chuẩn vệ sinh về sữa của Gail Borden vẫn còn được sử dụng đến tận ngày nay, đó quả là kỳ tích mà ông đã tạo ra cho cả nhân loại…/.

Đọc thêm