Có thật cha mẹ truyền máu cho con sẽ gây nguy hiểm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bác sĩ chuyên khoa khẳng định, thông tin việc truyền máu có quan hệ huyết thống như bố mẹ, con cái sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa và hệ thống tạo máu của người nhận máu là không đúng...

Có thông tin cho rằng việc truyền máu nếu có quan hệ huyết thống như bố mẹ, con cái sẽ xảy ra hiện tượng tế bào lympho của người cho máu nguyên phân nhân lên nhiều lần trong cơ thể người nhận máu, dần dần tấn công lại máu chủ, làm tổn thương nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa và hệ thống tạo máu, dẫn đến bệnh ghép chống chủ với tỷ lệ tử vong cao. Xin hỏi thông tin này đúng hay sai?.

PGS.TS. Lý Tuấn Khải - Khoa Huyết học Bệnh viện TWQĐ 108 trả lời:

Trước tiên phải khẳng định các thông tin như trên về việc nhận máu của người cho có cùng huyết thống là không đúng. 

Điều quan trọng trước khi truyền các chế phẩm máu (hiện nay thường không truyền máu toàn phần, mà người bệnh thiếu gì truyền nấy, tuỳ theo bệnh nhân có thể truyền khối hồng câu, khối tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh…), người cho và người nhận đều phải làm xét nghiệm định nhóm máu ABO và Rh, khi có chỉ định truyền đơn vị máu toàn phần, khối hồng cầu, khối tiểu cầu, khối bạch cầu. Sau đó sẽ chọn túi chế phẩm máu cùng nhóm máu ABO và Rh; tiến hành làm xét nghiệm hoà hợp miễn dịch giữa máu người nhận và túi chế phẩm máu, khi kết quả xét nghiệm hoà hợp miễn dịch âm tính thì mới truyền túi sản phẩm máu đó cho người bệnh.

Do vậy nếu người cùng huyêt thống mà không cùng hệ nhóm máu cùng không thể truyền cho nhau được. Các tế bào máu nói chung và tế bào bạch cầu lympho nói riêng trong túi máu là các tế bào đã trưởng thành, chúng chỉ tồn tại trong máu tuần một thời gian nhất định (tuỳ loại tế bào, bạch cầu chỉ tồn tại trong máu tuần hoàn 4-8 giờ và khoảng 4-5 ngày trong các mô cần chúng) và không có sự nhân lên ở các tế bào này.

Do đó sẽ không xảy ra các vấn đề như hiện tượng bạn đọc nêu khi nhận máu từ người cho cùng huyết thống.

Đọc thêm