Đã có 30 người đăng ký hiến một phần lá phổi để cứu bệnh nhân số 91

(PLVN) - Thông tin từ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, đến thời điểm hiện nay đã có 30 người đăng ký được hiến một phần phổi để cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 91 tại Việt Nam.
Đã có 30 người đăng ký hiến một phần lá phổi để cứu bệnh nhân số 91

Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đến tối 14/5 đã có 30 người mong muốn được hiến tặng một thùy phổi cho bệnh nhân  nhiễm Covid-19 số 91 tại Việt Nam.Trong số này, người trẻ nhất đăng ký hiến phổi mới 35 tuổi. 

Tất cả đều không quen biết bệnh nhân số 91 nhưng đều có tâm nguyện được san sẻ một phần cơ thể để cứu bệnh nhân. Nhiều người đã cung cấp đầy đủ thông tin về nhóm máu, chiều cao, cân nặng.

Đại diện Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho rằng, đây là những nghĩa cử vô cùng trân trọng của cộng đồng, thông điệp yêu thương đã lan tỏa rất nhanh chỉ sau hơn 1 ngày.

Đại diện Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cũng thông tin  việc ghép phổi cho bệnh nhân số 91 ưu tiên hàng đầu vẫn là tìm được nguồn tạng hiến từ người cho chết não.

Những trường hợp đăng ký hiến sống sẽ được chọn là phương án 2 khi không thể tìm được nguồn từ người cho chết não.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân số 91 đang là trường hợp nặng nhất trong số các ca mắc COVID-19 ở nước ta. Bệnh nhân tiếp tục thở máy và được mở khí quản ngày thứ 22, sử dụng máy ECMO ngày thứ 40, lọc máu, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm, bơm rửa màng phổi.

Trước đó, bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi. Tuy nhiên hiện, tình trạng này đã xuất hiện ở cả hai bên phổi. Phổi của bệnh nhân đã đông đặc gần như toàn bộ, cơ hội hồi phục hai lá phổi rất thấp. Phổi bệnh nhân hiện chỉ còn hoạt động 10%.

Ngay từ khi nhập viện, bệnh nhân này liên tục tiến triển nặng. Các chuyên gia giải thích, bệnh nhân có yếu tố béo phì với chiều cao 1,83m, nặng 100kg. Bên cạnh đó, cơ thể bệnh nhân phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2, tạo ra "cơn bão cytokine," tấn công cả tế bào lành.

Bệnh nhân này cũng kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước. Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị.

Đến nay, bệnh nhân đã có 5 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng do vẫn đang phải điều trị nhiễm trùng nên cần điều trị nhiễm trùng và hồi sức trước khi chỉ định ghép phổi.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho bệnh nhân số 91 sẽ làm thêm một xét nghiệm và gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để nuôi cấy xem virus đã bất hoạt và đối chứng trước khi chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Chợ Rẫy để hồi sức. Đây đang là giai đoạn chuẩn bị điều kiện để có thể ghép phổi cho bệnh nhân.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đang nghiên cứu, xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ.

Được biết, chi phí trung bình cho một ca ghép phổi từ 1,5-2 tỷ đồng và nhiều hơn, tùy thuộc vào thời gian hồi sức sau ghép.

./.

Đọc thêm