Đánh bay hơi thở “rau mùi”

(PLO) - Bạn không tự tin với hơi thở “rau mùi” mỗi khi giao tiếp hay gần gũi “người ấy”. Hãy nhanh chóng “tút” lại hơi thở của mình theo cách sau đây:
Đánh bay hơi thở “rau mùi”

Thực phẩm nên tránh: Hành và tỏi là những loại gia vị quen thuộc trong đời sống nhưng để hơi thở thơm tho bạn nên “né” chúng. Bởi trong hành hoặc tỏi có chứa thành phần sunfur - chính là “kẻ tiếp tay” cho hơi thở nặng mùi. Tuy nhiên nếu chót lỡ “yêu” loại gia vị này thì sau khi ăn bạn nên vệ sinh răng miệng sớm. Sau đó nhai một chút bã chè khô rồi súc miệng lại bằng nước chè hoặc nước chanh pha muối, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn.

“Phát xít” đường:  Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chứng đau răng, sâu răng, viêm lợi….vì đường là thực phẩm “khoái khẩu” của vi khuẩn gây bệnh răng miệng, giúp chúng phát triển nhanh chóng và tất yếu sẽ gây nên hơi thở nặng mùi.
Cảnh giác với thuốc uống: Là con dao hai lưỡi vì nó luôn tiềm ẩn những “mặt trái” cho người sử dụng. Minh chứng cho thấy có hơn 75% loại thuốc sẽ gây nên hệ lụy khô miệng, đặc biệt dễ nhận thấy là nhóm thuốc cao huyết áp hay chống suy nhược.
Khi uống thuốc bạn nên kết hợp uống nhiều nước, ăn bổ sung những thực phẩm nhiều nước và giàu vitamin như các loại quả mọng hay rau, củ, quả…
Kết thân với ổi và mùi tây: Thành phần các chất có trong trái ổi xanh như  oxalic, malic, acid tannic, phosphoric, canxi, mangan và oxalate sẽ có tác dụng "xử lý" những vấn đề răng miệng khác nhau như nướu răng, chảy máu chân răng và giữ cho hàm răng chắc khỏe.
Cai thuốc lá: Một điều dễ kiểm chứng với những người hút thuốc lá rằng hơi thở của họ luôn có mùi không dễ chịu chút nào. Đơn giản vì hút thuốc lá dễ khiến miệng bị khô, tăng khả năng của những loại vi khuẩn hoạt động trong khoang miệng từ đó dẫn đến hơi thở khó chịu. Để khắc phục rắc rối này không có cách nào khác là bạn nên nói lời “tạm biệt” với thuốc lá.
Bạn nên nói lời “tạm biệt” với thuốc lá
 Bạn nên nói lời “tạm biệt” với thuốc lá
Dùng chỉ tơ nha khoa: Với mục đích loại bỏ thức ăn dư thừa và mảng bám trên răng, tức là bạn đang “tống khứ” vi khuẩn gây hại răng miệng ra bên ngoài. Thói quen này nên thực hiện sau mỗi khi ăn.
Thuốc xịt khoang miệng: Giúp bạn nhanh chóng lấy lại hơi thở thơm tho, tuy vậy cần lưu ý là nó không có tác dụng điều trị bệnh răng miệng. Bạn cũng cần nhờ bác sĩ tư vấn thêm về tác dụng phụ của nó.
Nước súc miệng: Mang lại hơi thở thơm tho, loại trừ mảng bám, đẩy lùi vi khuẩn. Bạn có thể sử dụng thường xuyên để vệ sinh răng miệng đều đặn.
Uống nhiều nước: Để “cuốn” đi lũ vi khuẩn đáng ghét và phòng tránh nguy cơ khô miệng. Thói quen uống nhiều nước cũng đem lại cho bạn hàng tá những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe.
Vệ sinh lưỡi thường xuyên: Như bạn biết, lưỡi cũng là “ngôi nhà lý tưởng” của vi khuẩn gây hôi miệng. Cho nên hãy “cưỡng chế” chúng bằng cách vệ sinh lưỡi thường xuyên.
Đánh răng đúng cách: Không hẳn cứ đánh răng là bạn đã hoàn thành “nghĩa vụ” với răng miệng mà đánh răng cần đúng cách và cẩn thận mới mang lại hiệu quả. Ngược lại đánh răng sai cách chẳng những không làm sạch răng mà thậm chí còn gây mất men răng, tổn thương lợi rất nguy hiểm.

Vì sao hơi thở nặng mùi?

Có nhiều lý do gây nên tình trạng này nhưng những nguyên nhân thường gặp nhất là do mắc bệnh liên quan đến răng miệng như sâu răng, viêm lợi, hay thiếu ý thức vệ sinh răng miệng.

Vi khuẩn chính là “khắc tinh” của hơi thở. Lượng vi khuẩn quá lớn tập trung ở răng, nướu, lưỡi, hay cổ họng đều có thể khiến cho hơi thở khó chịu hơn.

Đọc thêm