Dập tắt dịch từ đầu, không để lan rộng!

(PLO) - Là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị trực tuyến với 63 đầu cầu của cả nước về công tác chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS.CoV) vừa được Bộ chủ quản tổ chức chiều qua (8/6) tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS.CoV tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài ngày 2/6
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS.CoV tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài ngày 2/6
Chưa có ca nào nhiễm MERS.CoV ở Việt Nam
Tại Hội nghị, TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến thời điểm này, dịch bệnh MERS.CoV đã được ghi nhận tại 26 quốc gia với tổng số 1.218 trường hợp (TH) mắc, trong đó 449 TH tử vong. Hiện, có nhiều ý kiến khác nhau về nguy cơ xâm nhập dịch vào nước ta. 
Theo nhận định của Bộ Y tế, nguy cơ dịch vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do Việt Nam và Hàn Quốc có sự giao lưu, đi lại rất nhiều. Đặc biệt, thời điểm này rất nhiều người Việt Nam làm ăn, sinh sống từ Hàn Quốc trở về (Sân bay Nội Bài khoảng 1.000 TH/ngày, sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM khoảng 1.700 TH/ngày)…
Trước những diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh từ Hàn Quốc, mấy ngày gần đây dân tình vô cùng hoang mang trước thông tin đã có TH mắc MERS.CoV tại Việt Nam. Về thông tin này, TS. Trần Đắc Phu khẳng định, có 03 ca nghi ngờ mắc được chuyển đến các bệnh viện (BV), tuy nhiên tất cả các TH đều được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus MERS.CoV. 
Thời điểm này Việt Nam chưa  có ca nào mắc MERS. CoV. Cũng theo đại diện Cục Y tế dự phòng, các cơ sở được chỉ định xét nghiệm khẳng định MERS.CoV của ta đều đủ điều kiện xét nghiệm phân lập và cho kết quả chính xác. Các TH được xét nghiệm phải có các triệu chứng điển hình và có tiền sử dịch tễ (tiếp xúc gần người bệnh, đi về từ vùng có dịch; ngồi cùng hàng ghế người nhiễm, trong gia đình có người mắc...). 
Để nhanh chóng phát hiện bệnh nhân (BN) và tránh để dịch lan rộng ra cộng đồng, tất cả các TH nghi mắc đều phải được loại trừ sàng lọc tại sân bay, hoặc đưa về theo dõi tại cộng đồng. Muốn vậy, chúng ta phải khuyến khích người dân chủ động khai báo thông tin… 
Chú trọng yếu tố dịch tễ     
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận xét, nguy cơ dịch bệnh sẽ vẫn tiếp diễn và bùng phát trong vài năm tới vì virus vẫn ẩn chứa trên lạc đà. Vì vậy, chúng ta phải có kế hoạch phòng chống dài hạn. 
Bên cạnh đó, vị đại diện WHO cũng cảnh báo nguy cơ lớn lây nhiễm dịch bệnh vẫn là môi trường BV bởi phần lớn các BN được phát hiện tại các cơ sở y tế. BN dễ bị nhiễm bệnh thường có các bệnh tiềm tàng và rất nặng, cao tuổi già yếu… 
Chính vì thế, WHO đưa ra khuyến nghị đối với các quốc gia: Cần phải đẩy mạnh công tác phòng chống nhiễm khuẩn trong BV; BN phải được chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm, cách ly kịp thời để phòng tránh lây nhiễm ra cộng đồng…
Trước nghi ngại virus MERS.CoV đã có sự biến chủng, đại diện WHO cho hay, hiện tại Hàn Quốc đã phân lập virus  và giải trình gen, kết quả cho thấy có sự tương đồng với loại virus  đang lưu hành ở Trung Đông, chưa có bằng chứng cho thấy virus 
MERS-CoV có sự biến chủng. Ngoài ra, cũng chưa có thông tin cụ thể về đường lây truyền, cũng như  bằng chứng về sự lây truyền bền vững giữa người và người. Tuy nhiên, WHO dự đoán sẽ có thêm nhiều ca nhiễm MERS.CoV ghi nhận tại Hàn Quốc…
Cùng chung quan điểm nêu trên, TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định, thực tế các dịch bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, SARS... ở Việt Nam cho thấy phần lớn các ca bệnh đều phát hiện trong BV, bởi vậy việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong BV phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, phải chú trọng khâu tổ chức phát hiện sớm và cách ly người bệnh, tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế và người nhà BN. Thậm chí cả trường hợp dành hẳn một BV điều trị cho BN, khi có dịch bệnh xảy ra. 
Tuy dịch bệnh chưa xảy ra nhưng TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các địa phương phải xem xét, rà soát lại các quy trình kỹ thuật, trang thiết bị y tế, đặc biệt là công tác nhiễm khuẩn BV, cấp cứu lưu động...  Bên cạnh đó, cũng phải đặc biệt quan tâm đến việc phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Dập tắt dịch từ đầu, không để dịch lan rộng!
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, đây là quốc gia phát triển và đã được cảnh báo dịch, tuy nhiên diễn biến dịch vẫn phức tạp với 87 ca bệnh được ghi nhận (trong đó 6 ca tử vong) đến nay. Hiện, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc phòng chống (thành lập 4 đội phản ứng nhanh, áp dụng tờ khai y tế ở các sân bay…). 
Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan mà phải sát sao từng giây từng phút trong hoạt động phòng chống dịch. Đặc biệt, phải có sự lãnh đạo bài bản, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam. Muốn vậy, phải cố gắng bằng mọi cách phát hiện dịch sớm, bao vây, dập tắt dịch, không để dịch lan rộng, đặc biệt phải huy động mọi phương tiện để cứu sống BN…! 
Bên cạnh công tác giám sát, dự phòng dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng công tác truyền thông cũng phải được quan tâm hơn. Thực tế đã chứng minh, làm tốt truyền thông, hiệu quả phòng chống dịch rất cao. Ca nghi nhiễm MERS.CoV ở TP.HCM là một bằng chứng sinh động. Đó cũng là hiệu quả của hoạt động áp dụng tờ khai ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng nhờ công tác truyền thông, giám sát kịp thời, ca nghi ngờ mắc đã được phát hiện, cách ly và theo dõi. BN cũng đã được xét nghiệm và khẳng định kết quả âm tính với MERS.CoV. 

Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế vừa được tổ chức chiều tối qua (8/6) tại Hà Nội cho thấy, các bộ, ban, ngành đều đã có những động thái tích cực và khẩn trương trong hoạt động phòng chống dịch bệnh MERS.CoV. 

Dự đoán, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ Hàn Quốc vào Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trước thông tin các lao động bất hợp pháp Việt Nam từ Hàn Quốc trở về trong thời gian tới - ẩn họa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ quốc gia này về nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo, muốn dịch bệnh không vào nước ta, chúng ta phải cản dịch ngay từ các cửa khẩu, theo hướng dẫn của Bộ Y tế (cách ly, chống nhiễm khuẩn, xét nghiệm, tiếp tục theo dõi…) trên tinh thần cách ly vẫn phải là số 1. 

Để phòng tránh lây nhiễm ra cộng đồng, nhất là trong cán bộ y tế, tốt nhất nên thiết lập một phòng khám ngoại trú riêng. Cán bộ y tế phải được tập huấn một cách nghiêm ngặt. Cùng với đó, phải đặc biệt quan tâm đến công tác chống nhiễm khuẩn BV; bổ sung trang thiết bị, hóa chất… 

Vấn đề truyền thông tại phường, xã phải được chú trọng. Để chủ động và phối hợp tốt trong hoạt động phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sẽ họp thường kỳ hàng tuần, thậm chí thiết lập trang thông tin về phòng chống dịch bệnh MERS.CoV. 

Về công tác hậu cần, cần lên kế hoạch bổ sung, hỗ trợ, tập trung những tỉnh có nhiều người Hàn Quốc và Việt Nam sinh sống tại đó. Nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào ngân sách phòng chống dịch của Bộ Y tế. Bộ Y tế sẽ bàn với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đề nghị phải cách ly.

Cán bộ y  tế càng phải tập trung phòng chống lây nhiễm
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, MERS.CoV lây chủ yếu qua đường hô hấp theo 3 con đường chính: Tiếp xúc qua giọt bắn, tiếp xúc gián tiếp với dụng cụ và qua đường không khí. Đối tượng nguy cơ chính vẫn là nhân viên y tế, do đó cán bộ y  tế càng phải tập trung phòng chống lây nhiễm trong môi trường làm việc của mình. 
“Mặt khác, thời kỳ ủ bệnh tương đối dài (2-14 ngày), vì thế có thể BN đã mắc bệnh nhưng vẫn tiếp xúc với cộng đồng rồi khi có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng mới đến cơ sở y tế, khi BN phát hiện bệnh thì đã lây nhiễm cho rất nhiều người rồi. Do đó, nếu chúng ta bỏ qua việc tìm hiểu tiểu sử bệnh sẽ rất nguy hiểm!” - PGS.TS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh. 

Đọc thêm