Dễ nhiễm bệnh vì nấm mốc khi trời nồm

(PLO) - Thời tiết của miền Bắc đang là thời điểm lý tưởng để nấm mốc phát triển, tấn công thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Bác sĩ Lưu Thị Hoa - cán bộ Y tế Hà Nội cho biết: Thời tiết nồm ẩm mùa xuân như miền Bắc hiện nay khiến thực phẩm, đồ dùng bị mốc, bị mủn hay sờ vào thấy nhờn tay thậm chí có nhớt ở các thớt gỗ, đũa ăn cơm. Các thức ăn để qua đêm bên ngoài rất dễ bị nấm mốc bởi thời tiết hiện tại là môi trường lý tưởng cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển.

Nấm mốc ở đũa, thớt, thức ăn tiếp xúc trực tiếp với cơ thể. Thậm chí, có những loại nấm vô cùng nhỏ (vi nấm) phát triển mà mắt thường không nhìn thấy. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Nhiều loài nấm mốc phát triển trên rau củ quả, gạo đỗ, lạc... khiến chúng biến đổi màu sắc, mùi vị, giảm chất lượng, đặc biệt là các chất dinh dưỡng như tinh bột, đường, protein, axitamin, lipit, vitamin và các khoáng chất. Nấm mốc làm thối rữa hoa quả, rau, hạt ngũ cốc và tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn khác phát triển và gây hại.

Trẻ em, trẻ sơ sinh, người già và những người sức khỏe kém là những người dễ bị ảnh hưởng của nấm mốc nhất. Triệu chứng nhiễm nấm mốc bao gồm ho, thường xuyên thấy mệt mỏi, mắt và họng bị kích thích, đau đầu, da trở nên mẫm cảm hay buồn nôn, tiêu chảy mất nước gây đến suy kiệt cơ thể. Ngoài ra các bào tử nấm còn gây viêm nhiễm đường hô hấp dẫn đến ho, viêm đường hô hấp, khó thở, mệt mỏi, viêm xoang, viêm phế quản, dị ứng..

Theo BS Lưu Thị Hoa, để đối phó với nấm mốc, vi khuẩn, bát đũa, dao thớt khi dùng xong nên rửa luôn, rửa sạch, treo hoặc kê lên để thớt nhanh khô. Tương tự với đũa nên để "tãi" ra cho đũa khô chứ không nên dồn đống khiến rửa từ sáng mà đến chiều ăn thấy đũa vẫn còn ẩm, ướt. Tốt nhất, trước khi dùng nếu thấy thớt, đũa vẫn còn ẩm thì có thể hơ qua trên bếp lửa, nhiệt độ cao sẽ giúp sấy khô đũa, thớt, đồng thời diệt vi khuẩn, nấm mốc. 

Đọc thêm