Đi viện không dùng tiền mặt, mừng và lo

(PLVN) - Từ lợi ích thiết thực của thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, Bộ Y tế đã chỉ đạo một số bệnh viện trên cả nước thí điểm áp dụng các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng hỗ trợ giao dịch điện tử y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng hỗ trợ giao dịch điện tử y tế.

Liệu cách làm này có ảnh hưởng gì đến quy trình khám chữa bệnh? Câu hỏi này vẫn đang tiếp tục được thực tiễn áp dụng trả lời.

Xu thế tất yếu

Nhiều năm trở lại đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến và phát triển tại nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ như tại Trung Quốc mọi sinh hoạt mua bán hàng ngày đã trở nên thuận tiện bằng việc thanh toán online. Đi chợ, các bà nội trợ chỉ cần quét mã QR của một số ứng dụng có liên kết với tài khoản ngân hàng. Không cần tiền mặt, không tốn thời gian cũng như nỗi lo trộm cắp hay rơi mất tiền.

Thậm chí tháng 4/2017, trong một hội nghị quy tụ những công ty hàng đầu về công nghệ thông tin ở thành phố Thâm Quyến, Jack Ma đã nói: "Cách mạng công nghệ đi đôi với cách mạng việc làm, đến ăn xin ngoài đường cũng dùng mã QR để xin tiền"...

Tại Việt Nam giao dịch qua thanh toán điện tử  đang tăng mạnh, khoảng 367.000 tỉ đồng mỗi ngày. Ngày 1/10, trao đổi tại cuộc họp báo về tình hình hoạt động của ngành Ngân hàng từ đầu năm đến nay, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 8 tháng đầu năm nay đạt trên 104 triệu giao dịch với gần 61.000 tỉ đồng, tăng 19,57% về số lượng và 26,66% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.

Như vậy, bình quân số lượng giao dịch đạt gần 629.000 giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 367.000 tỉ đồng/ngày. Ông Sơn cho biết việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên, tính đến cuối tháng 7 đã đạt khoảng 83,3 triệu tài khoản cá nhân, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, trong 7 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 158 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 410.000 tỉ đồng tăng gần 16% cả về số lượng cũng như giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 7 tháng đầu năm nay, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 226 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 10,9 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 51,8% và 18,3% so với cùng kỳ năm 2018). Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 2,09 triệu tỉ đồng, tăng tương ứng 104,9% và 155,3% so với cùng kỳ năm 2018…

Thanh toán bằng mã QR
Thanh toán bằng mã QR

Viện phí không tiền mặt – mừng và lo

Từ lợi ích thiết thực của thanh toán không dùng tiền mặt đối với ngành Y tế như: người dân không phải chờ đợi xếp hàng, rút ngắn thời gian thanh toán viện phí, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần; không phải mang tiền mặt, giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình nằm điều trị; người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán...,  Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trên toàn quốc.

Theo thống kê của ngành Y tế, hiện nay có khoảng hơn 30 bệnh viện đã triển khai các giải pháp, các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và đạt được những kết quả tương đối khả quan.

Được biết, Việt Nam hiện nay có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động Mobile Banking và 31 ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Gần 14.000 cơ sở y tế có sử dụng tài khoản ngân hàng.

Hiện tại có nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: thẻ sử dụng POS, ATM hoặc cài thẻ vào điện thoại để thanh toán; dùng  điện thoại sử dụng ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử hoặc quét mã QR để thanh toán, điều này mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

"Tôi thấy hình thức thanh toán bằng thẻ này rất tiện lợi.  Đáng nhẽ phải tiến hành phương pháp thanh toán này từ lâu rồi mới đúng. Vì chiếc thẻ khám chữa bệnh này còn  tích hợp với thẻ ngân hàng nên ngoài thanh toán viện phí; thanh toán tiền thuốc; nạp tiền và rút tiền; còn có thể thanh toán tại hệ thống cửa hàng tiện lợi…

Vì vậy tôi không cần mang giấy tờ gì hay tiền trong người mà vẫn có thể khám hay sử dụng bất kì dịch vụ nào khi ở trong viện. Điều này giúp tôi tránh phải trường hợp để quá nhiều tiền hay giấy tờ trong người có thể dễ bị mất cắp hay rơi rớt” - một bệnh nhân đang nằm điều trị tại Viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ.

Tuy ủng hộ nhưng ông Nguyễn Đình Trình quê Thanh Hóa cũng chia sẻ lo lắng: “Nghe nói giờ đây người ta thanh toán bằng thẻ, rồi quét qua điện thoại thuận tiện lắm. Những người ở quê như ra Thủ đô khám chữa bệnh không phải lo lắng về việc mang tiền nhiều ra bảo quản thế nào cho an toàn không bị mất cắp. Thế nhưng chúng tôi cũng không rành về mấy thứ điện tử này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi sử dụng. 

Mong rằng các cơ quan chức năng cần có biện pháp làm đơn giản hoá hơn nữa hoặc có những chính sách hỗ trợ giúp những người già, những người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa để chúng tôi có thể tiếp nhận được hình thức thanh toán viện phí mà không dùng tiền mặt này một cách dễ dàng”. 

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian qua ngành Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong công tác đào tạo nhân lực y, dược. Đây cũng là nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đổi với các dịch vụ trong ngành Y tế.

Bên cạnh những thuận lợi, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập như người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán…. 

Xây dựng quy trình khám, chữa bệnh phù hợp giải pháp viện phí không tiền mặt

Theo PGS – TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, việc triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ tác động đến sự thay đổi quy trình nghiệp vụ khám chữa bệnh thông thường của đơn vị.

Để đảm bảo sự tác động đó không gây ảnh hưởng, hay xáo trộn không tích cực đến bệnh viện, các cán bộ y tế và người dân đến khám, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xây dựng quy trình nghiệp vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa phòng, bộ phận liên quan trong đơn vị.

Bên cạnh đó, bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đẩy mạnh công tác truyền thông về thanh toán toán viện phí không dùng tiền mặt tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trên các phương tiện truyền thông tại bệnh viện như: xây dựng các tài liệu hướng dẫn thanh toán viện phí tại bệnh viện, phát các tờ rơi hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện, đăng tải tài liệu lên webiste bệnh viện.

Bệnh viện cần phải bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón và hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán viện phí không dùng tiền mặt một cách thuận tiện, dễ dàng. Việc lựa chọn các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán có các điều kiện đảm bảo về an toàn, có cam kết về bảo mật thông tin thanh toán, thông tin bệnh nhân, thông tin người đến khám... cũng rất cần thiết. 

Anh Tuấn (ghi)

* Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi; người dân nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt của bệnh viện nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện còn thấp; kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn; phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí giao dịch… Đó là những lo lắng của người đứng đầu ngành Y tế khi triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

* Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong và triển khai hiệu quả thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Tại Bệnh viện này, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR (Quick Response) trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện và ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng đợi thanh toán viện phí hay đến bệnh viện khám bệnh phải mang theo tiền mặt.

Đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán viện phí từ xa. Số bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán viện phí của bệnh viện.

Đọc thêm