Dịch sốt xuất huyết: Công tác diệt bọ gậy chưa thực sự hiệu quả

(PLO) - Chiều tối qua (25/8) Bộ Y tế đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì. 
Dịch sốt xuất huyết: Công tác diệt bọ gậy chưa thực sự hiệu quả

Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) cho biết: Trong 2 tuần gần đây sốt xuất huyết của Hà Nội không tăng, có xu hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao. Một số quận nội thành có số mắc giảm so với tuần trước như Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân. Một số quận, huyện ngoại thành có xu hướng tăng như Hà Đông, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Thanh Oai. Từ ngày 1/1/2017 đến 22/8/2017, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành huyện Thanh Trì (chiếm 80% tổng số bệnh nhân), tại 570/584 xã, phường (chiếm 97% tổng số xã, phường). Phân bố số bệnh nhân mắc theo lứa tuổi, nghề nghiệp, khu vực trong  năm 2017, chưa ghi nhận sự thay đổi so với 10 năm trước. Cụ thể: 85% số người lớn mắc, 15% dưới 15 tuổi mắc, học sinh, sinh viên lao động mắc chiếm 40-50%. Tập trung chủ yếu ở nội thành, chiếm 90%. 

Kết quả đánh giá phun hóa chất sau một ngày cho thấy hiệu quả cao. Tại tất cả các điểm phun qua giám sát không còn muỗi trưởng thành, chỉ số mật độ muỗi sau phun đều bằng 0. Tuy nhiên, chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy trước và sau phun đối với một số phường có giảm nhưng chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Cụ thể tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai) có chỉ số dụng cụ chưa nước có bọ gậy trước phun là 26 sau phun là 12. Tại Thanh Lương (Hai Bà Trưng) có chỉ số dụng cụ chưa nước có bọ gậy trước phun là 40, sau phun là 30, còn tại Khương Thượng (Đống Đa) có chỉ số dụng cụ chưa nước có bọ gậy trước phun là 20, sau phun là 7.

Trả lời thắc mắc của nhiều người dân sau khi phun hóa chất đã xuất hiện muỗi, PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay: “Hóa chất diệt muỗi đang sử dụng là thuốc Deltamethrin, nước ta đã kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt về hiệu lực và tính an toàn của thuốc, thuốc đã được các hội đồng chuyên gia về sốt xuất huyết khuyến cáo đưa vào phòng chống côn trùng, trong đó có sốt xuất huyết. Thuốc rất tốt, tuy nhiên việc giải quyết bọ gậy chưa được giải quyết triệt để nên sau khi phun hóa chất vẫn còn muỗi, việc phun hóa chất chỉ diệt được số muỗi trưởng thành, còn số bọ gậy già chỉ sau vài giờ sẽ thành muỗi tràn vào nhà. Đó là nguyên nhân mà nhiều người dân cho rằng sau khi phun hóa chất vẫn còn muỗi”.

100% xã, phương, thị trấn thành lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch (26.038 đội với 63.119 người) và tổ giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết. Trên thực tế, 98% các đội xung kích diệt bọ gậy đã hoạt động. Tuy nhiên, một số đơn vị xung kích thực hiện chưa đạt hiệu quả, số lượng xung kích còn thiếu so với quy định, một đội phải phụ trách nhiều hộ, có nơi đội xung kích đã hoạt động, nhưng kiểm tra lại còn sót ổ bọ gậy. Qua giám sát cho thấy 60% hoạt động có hiệu quả, 40% chưa thực sự hiệu quả.

Trước tình hình dịch đang có những diễn biến phức tạp,  lo ngại trước sự gia tăng số ca nhiễm sốt xuất huyết sau khi học sinh tựu trường, Thứ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long đã đề nghị các quận, huyện tiếp tục quan tâm công tác phòng chống dịch hơn nữa. Trong tuần này, phấn đấu 100% các trường học được phun hóa chất. Nếu trường nào phát hiện có bọ gậy hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh sốt xuất huyết, các địa phương không được lơ là công tác phòng chống các dịch bệnh khác như tay - chân - miệng, H7N9, bệnh dại… 

Đọc thêm