Điều trị ho cho trẻ bằng “diện chẩn” - nên hay không?

(PLO) - Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, chính vì thế, internet đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều mẹ để dò la, tư vấn, chia sẻ cách chữa ho không cần dùng thuốc, không phải đưa con tới gặp bác sĩ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, không có một phương pháp hay loại thuốc nào được dùng chung, chữa trị chung với tất cả các loại ho, bởi mỗi nguyên nhân gây ra ho lại được áp dụng một phác đồ điều trị khác nhau.
Phương pháp chữa ho bằng ngải cứu, cao dán được nhiều mẹ chia sẻ (ảnh chụp facebook).
Phương pháp chữa ho bằng ngải cứu, cao dán được nhiều mẹ chia sẻ (ảnh chụp facebook).

Chữa ho cho trẻ bằng ngải cứu và cao dán

Ở trẻ, các bộ máy tiêu hóa, hô hấp, hệ miễn dịch còn non yếu, chưa hoàn chỉnh, cho nên trẻ rất dễ bị tác động bởi các yếu tố như nhiễm virus, cảm lạnh, khói thuốc lá, khói bếp than... Theo thống kê, mỗi trẻ trung bình mắc các bệnh lý về hô hấp khoảng 4 - 6 lần mỗi năm. Một trong những nỗi ám ảnh của các mẹ có con nhỏ là con bị ho, cảm cúm, nhất là mỗi dịp thay đổi thời tiết. Ngoài đưa con đi gặp bác sỹ và tuân theo các đơn thuốc thì nhiều mẹ còn áp dụng các phương pháp dân gian như cho trẻ uống nước chanh đào ngâm với mật ong hay các loại nước chiết xuất từ lá húng chanh, xương sông, lá hẹ, rau diếp cá, rau tía tô…

Mới đây, một mẹ có nickname T.V.A mới chia sẻ thêm một phương pháp và coi đó như là thần dược chữa ho, khò khè, sổ mũi cho con. Theo như chia sẻ của chủ tài khoản T.V.A, sau một đêm ngủ điều hòa thì bé bắt đầu bị ho và sổ mũi. Để điều trị dứt điểm tình trạng này, mẹ của bé đã dùng phương pháp “diện chẩn”. Chỉ sau 2 ngày áp dụng phương pháp này thì con đã đỡ ho đến 80% và tới ngày thứ 3 thì khỏi hẳn.

Chia sẻ của mẹ T.V.A đã được lan rộng trên khắp các diễn đàn và nhận được những lời “hỏi xin ý kiến” của hàng trăm các mẹ khác. Chủ facebook này cũng vô tư đưa ra hướng dẫn của mình cho các mẹ khác áp dụng: Dùng lá ngải cứu đắp lên vùng phổi phía sau lưng, lòng bàn chân và cổ tay của bé rồi dùng máy sấy hơ nóng. Nếu có điếu ngải, tức là lấy ngải cứu phơi, sấy, nghiền nát, sau đó cuộn lại thành hình điếu thuốc thì gọi là điếu ngải. Có thể đốt điếu ngải và hơ cho trẻ ở những phần nêu trên.

Sau khi hơ xong, dán cao salonpas vào các huyệt cạnh mũi, hai bên tai, cổ tay, lòng bàn chân. Để cao dán suốt đêm, chỉ gỡ ra khi trẻ tỉnh giấc vào ban ngày. Chủ tài khoản cũng không quên nhấn mạnh thêm, từ khi thực hành phương pháp trị ho và sổ mũi thì bé không phải phụ thuộc vào bất kỳ một viên thuốc kháng sinh nào nữa. Đến khi bé khỏi ho rồi, thi thoảng các mẹ cũng nên tiếp tục lặp lại việc này như một cách để phòng ho cho con.

Theo mẹ T.V.A thì không chỉ có chị dùng mẹo này để trị nghẹt mũi mà gần như cả khu dân cư nơi chị ở ai cũng biết đến phương pháp này. Có gia đình vì không có vườn rộng nhưng vẫn để ra một ô nhỏ trồng ngải cứu làm thuốc.

Sai lầm nghiêm trọng dẫn con đến tử vong

Với phương pháp đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội nói trên, các bác sĩ cũng đưa ra cảnh báo, cách chăm sóc sai lầm của phụ huynh khiến nhiều bệnh nhi bị biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Lương y Vũ Quốc Trung - Hội viên Hội Đông y Việt Nam cho hay, ngải cứu có tính ấm, vị cay, tốt cho lá lách, thận, gan, có tác dụng làm ấm và bồi bổ cơ thể, giảm lạnh và tiêu ẩm, điều hòa kinh mạch và cầm máu rất hiệu quả. Trong đông y, ngải cứu vẫn được dùng trong châm cứu nhưng hạn chế dùng cho trẻ con vì có chứa tinh dầu. Việc dán cao vào các huyệt đạo trên mặt là không nên. Cách làm này thường được người am hiểm tường tận về các huyệt đạo làm nhưng người dân thường không nên tự tiện áp dụng, có thể nguy hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ.

Mặt khác, ho và sổ mũi là hai triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp và nó có thể tự khỏi sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị. Có những trường hợp có thể diễn biến kéo dài tới 7 ngày hoặc kéo dài hơn rồi sẽ khỏi mà không cần phải dùng thuốc. Thời gian khỏi bệnh sẽ phụ thuộc vào loại virut trẻ bị nhiễm. Ngoài ra, có thể khẳng định luôn rằng không có một phương pháp hay loại thuốc nào được dùng chung, chữa trị được tất cả các loại ho này. Bởi mỗi nguyên nhân gây ra ho lại được áp dụng một phác đồ điều trị khác nhau. 

Do đó, khi dùng các phương pháp chữa bệnh từ thảo dược phụ huynh cũng cần hiểu rất rõ dược tính và cách dùng đúng cho trẻ, nếu không sẽ “tiền mất, tật mang”. Trong ngải cứu có chứa tinh dầu và tinh dầu được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi, trẻ hít phải tinh dầu có thể gây ngộ độc. Ngay cả với trẻ lớn vẫn rất có thể bị dị ứng tinh dầu như hoạt chất methyl salicylate có thể làm nóng, gây rộp, xung huyết da. Menthol làm tăng tiết mồ hôi và làm thân nhiệt trẻ bị hạ thấp. Tinh dầu còn có khả năng ức chế hô hấp, gây suy hô hấp dẫn đến ngưng tim, ngưng thở.

Hơn nữa, việc dán cao Salonpas là điều chống chỉ định đối với trẻ nhỏ, bởi Salonpas được khuyến cáo chỉ dùng cho trẻ trên 12 tuổi. Việc tự ý dán Salonpas lên nhiều bộ phận của cơ thể trẻ là cực kỳ nguy hiểm. Salonpas không phải để chữa ho, viêm mũi mà được dùng để giảm đau, kháng viêm như đau vai, đau lưng, đau cơ, mỏi cơ, bầm tím, bong gân, đau dây thần kinh, thấp khớp, đau khớp, đau đầu,... 

Có thể thấy việc chỉ dùng một phương pháp, áp dụng đối với mọi trường hợp, mọi đối tượng mà không quan tâm đến nguyên nhân để chữa ho cho trẻ là phương pháp rất phi lý. Trên thực tế, nhiều mẹ cứ phớt lờ việc đưa con đi khám hoặc để con ho lâu đã khiến con càng mắc nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nếu trẻ đã có những triệu chứng như sốt cao kéo dài, khó thở, thở nhanh,... thì cha mẹ tuyệt đối không cố sử dụng những phương pháp dân gian nữa. Cần đưa trẻ đi đến các cơ sở y tế ngay vì có thể trẻ đã bị viêm phế quản, viêm phổi.