Điều trị viêm gan C tại Việt Nam: Bệnh nhân gặp khó

(PLO) - Viêm gan C là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiến triển âm thầm, có nguy cơ tử vong cao. Hiện nay, đã có phác đồ điều trị viêm gan C, sử dụng các thuốc thế hệ mới mang lại hiệu quả điều trị thành công lên đến 90% nhưng giá thành thuốc khá cao và chưa được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả gây nhiều khó khăn cho người bệnh.
Thuốc điều trị viêm gan C chưa được BHYT chi trả (ảnh minh họa)
Thuốc điều trị viêm gan C chưa được BHYT chi trả (ảnh minh họa)

Bệnh tiến triển âm thầm, điều trị tốn kém

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, tại Việt Nam, có hơn 1 triệu người nhiễm Viêm gan C, gây nên gánh nặng cho toàn xã hội. ấn đề đáng lo ngại hiện nay, khoảng 90% người nhiễm viêm gan C không biết mình đang nhiễm bệnh, bởi bệnh diễn ra âm thầm, không có triệu chứng gì cho đến khi gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến gan, số bệnh nhân được tiếp cận điều trị viêm gan virus C thấp.  

Mặt khác, về vấn đề điều trị căn bệnh này, PGS Đỗ Duy Cường cho biết, bệnh nhân phát hiện viêm gan C cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh dẫn đến xơ gan, ung thư gan và ngăn ngừa lây nhiễm cho cộng đồng.

Hiện thuốc điều trị viêm gan C thế hệ cũ có hiệu quả thấp, điều trị rất tốn kém: 5 triệu đồng/mũi điều trị, nhiều tác dụng phụ như sốt, sút cân, thiếu máu, tỷ lệ thành công thấp khoảng 40% nên bệnh nhân rất nản. Nhiều bệnh nhân vì thế đã bỏ dở điều trị nửa chừng. 

Hiện có thuốc thế hệ mới (thuốc kháng vi rút trực tiếp Direct acting antivirals - viết tắt DAA), tuy giá thành còn cao nhưng chi phí điều trị đã được giảm xuống hơn sáu lần, thuốc dạng viên uống một lần một ngày hầu như không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, bệnh nhân phải tự chi trả mọi chi phí từ tiền thuốc đến các xét nghiệm liên quan dựa vào sự hỗ trợ từ phía gia đình mà không được chi trả bằng BHYT.

Giá thuốc điều trị viêm gan C tại Việt Nam còn cao

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho rằng, bệnh nhân viêm gan C ở Việt Nam còn thiệt thòi so với các nước khác, bệnh nhân vẫn đang điều trị viêm gan C tự phát, các bác sĩ kê đơn bệnh nhân tự trả tiền mua thuốc, BHYT chưa chi trả. Dù Việt Nam đã có chương trình hành động quốc gia về viêm gan, với mục tiêu đến năm 

2030 loại trừ viêm gan nhưng trên thực tế chưa có động thái can thiệp cụ thể để đảm bảo thuốc đến tay bệnh nhân dễ dàng. Thuốc điều trị viêm gan C không nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả. Ngoài ra, các tổ chức xã hội cũng cần tăng cường nhận thức giáo dục, phòng bệnh đối với những người có nguy cơ cao như tiêm chích và có quan hệ tình dục không an toàn, để từ đó hạn chế mắc mới và lây nhiễm viêm gan C trong cộng đồng.

“Hiện thế giới có hơn 50 loại thuốc điều trị viêm gan C, thời gian điều trị ngắn, ít tác dụng phụ, hiệu quả cao. Giá thành cho một đợt điều trị ở một số nước chưa đến 100 USD, nhiều nước được Chính phủ tài trợ.

Các thuốc này có tỷ lệ điều trị khỏi trên 90%, ít độc tính và thời gian điều trị ngắn hơn nhiều so với các loại thuốc trước đây. Việt Nam có thể áp dụng, chỉ khi điều trị thành công cho những người mang bệnh thì trong cộng đồng sẽ giảm được nguồn lây mới có thể tiến tới kiểm soát được bệnh viêm gan C”, bà Oanh nhấn mạnh. 

Cùng quan điểm, PGS Cường chia sẻ: “Hiện nay, nhiều bệnh lây lan âm thầm như viêm gan C thì chưa được quan tâm đúng mức. Theo đó, đòi hỏi Bộ Y tế nên vào cuộc, cần có hướng dẫn cụ thể hơn nữa, cập nhật lại do có nhiều loại thuốc mới, các chương trình sàng lọc, cần phát hiện sớm, điều trị sớm chứ không phải tới xơ gan, ung thư gan mới điều trị và cần được đưa vào chương trình BHYT. Ngoài ra,  hiện nay thuốc điều trị viêm gan C tác dụng phụ ít, an toàn, độc tính thấp, do đó có thể phân về các tuyến, huyện/tỉnh để theo dõi, điều trị cho bệnh nhân”.

Đọc thêm