Đời khoa học lừng lẫy của Giáo sư Tôn Thất Tùng

(PLO) -Bị kẹp giữa một nền y học yếu kém và chi phối bởi người  Pháp, nhưng với sự chăm chỉ, ham học hỏi, quan sát và thực hành, bác sĩ họ Tôn đã làm rạng danh cho nền y học nước nhà, còn đồng nghiệp trên thế giới, thì lấy làm cảm phục ông...  
GS Tôn Thất Tùng bên bệnh nhi
GS Tôn Thất Tùng bên bệnh nhi

Vượt qua tất cả những khó khăn cả về cơ sở vật chất trong y học, cũng như sự tự mãn quá đáng của giới y học Pháp nơi đất Việt, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã từng bước khẳng định chỗ đứng của mình trong giới y học nước nhà, cũng như tên tuổi được ghi nhận trong nền y khoa thế giới. 

Một nền Tây y yếu kém

Chính nhờ óc quan sát tinh tường, luôn đặt vấn đề trong thực tế nghề nghiệp, bác sĩ họ Tôn đã phát hiện ra những điều mà bao đồng nghiệp người nước ngoài đã sai. Trong hồi ký “Đường vào khoa học của tôi”, ông cho hay:

“Nhiều lần tôi thấy các thầy tôi sai vì họ đưa cách hiểu biết ở phương Tây vào các nước nhiệt đới. Họ tưởng sỏi mật của ta chỉ nằm trong túi mật thôi, trong khi sỏi lại nằm nhiều trong gan. Quái lạ nhất là con giun đũa, ở đâu trên người chết tôi cũng chạm phải nó, ở ruột thừa, ở ruột non, trong ống mật, trong ống gan, trong phế quản, trong mạch máu! Các thầy tôi thì nghĩ rất giản đơn: Khi người chết, giun chui lung tung mọi chỗ! Dần dần tôi biết quan hệ những triệu chứng của bệnh nhân lúc sống với những thương tổn khi chết”.

Từ thực tế đó, bao nhiêu giả thiết, bao nhiêu câu hỏi được đặt ra đòi hỏi phải có lời giải đáp. Đó chính là động lực để óc tìm tòi của ông không ngừng nghiên cứu để đi tới chân lý. 

Nền Tây y người Pháp du nhập vào Việt Nam theo bước chân xâm lược của họ, buổi ban đầu thực sự lạc hậu, yếu kém, từ trình độ bác sĩ cho đến phương tiện, trang thiết bị y học. Hãy xem miêu tả của chính bác sĩ Tôn:

“Lúc ấy, ngay cả bác sĩ phụ trách mổ xẻ của bệnh viện Phủ Doãn cũng không hề khám cho bệnh nhân trước khi mổ. Thử hỏi vậy có đúng bệnh? Chính vì vậy nên mới có chuyện lạ đời, là trong kết luận của vị bác sĩ này thì “Người bản xứ Việt Nam không đau ruột thừa, không đau tiền liệt tuyến và các bệnh ở Việt Nam đều do giun sán cả”. 

GS Tôn Thất Tùng tại phòng làm việc
GS Tôn Thất Tùng tại phòng làm việc

Đối với trẻ em, dù có bị bệnh gì, thì chẩn đoán thường chỉ có một loại bệnh, đó là viêm đường ruột. Và để cho phong phú hồ sơ bệnh án, bác sĩ người Pháp, cũng là Phó Giám đốc Đại học Y khoa tìm cách phù phép, gian dối khi ra lệnh cho phụ tá người Việt rằng “Tôi nhờ các anh chẩn đoán luôn luôn cho tôi: sưng phổi, viêm yết hầu, thiếu dinh dưỡng, để cho thống kê của tôi có nhiều màu mè một chút”. 

Trong giáo dục, đào tạo bác sĩ của ĐH Y khoa, cũng không khá khẩm hơn bao nhiêu khi thầy dạy giải phẫu lại là một bác sĩ nha khoa, thầy dạy sinh lý thì thích diễn giải trên sân khấu hơn là giảng dạy… Còn trang thiết bị y tế, khám chữa bệnh, nó cũng tương đồng, kém cỏi như trình độ của bác sĩ vậy. Chứng cứ là các máy X quang thì dây điện không có bọc ngoài, nên có thể giật chết bác sĩ, bệnh nhân bất cứ lúc nào. 

Đường vào khoa học

Trong quá trình thực hành nghề, dần dần, bác sĩ Tôn Thất Tùng đúc rút ra được nhiều nhận định cần thiết cho nghề nghiệp. Ông thấy rằng “Quan sát là cơ bản của khoa học”. Chính bởi thế đối với ông “có thể nói rằng những người thầy tốt nhất của tôi là những y tá ở Phủ Doãn, và các bệnh nhân ở đấy”. Cũng chính nhờ việc không ngừng quan sát, học hỏi, mà bác sĩ họ Tôn không ngừng khám phá những điều mà những người đi trước chưa làm được hoặc bỏ qua. 

Tỉ như có lần ở viện mổ xác “tôi phát hiện ra một hiện tượng rất kỳ lạ; hàng chục con giun đã chui vào các đường mật ở trong gan, dùng một cái nạo xương gọi là kuya-rét (curette), tôi đã phẫu tích rõ ràng cơ cấu trong gan; một việc chưa bao giờ thấy trong các sách lúc bấy giờ”.

Trong khi ông thầy Huard thì cho rằng việc ấy hiếm thấy ở chỗ “hiếm có thấy giùn chui nhiều thế này vào trong gan”, thì bác sĩ họ Tôn lại nghĩ khác. Ông thấy lạ ở chỗ “là tôi đã phẫu tích tất cả các đường mật trong gan, một điều mà chưa ai làm được”. Việc này, đã thay đổi lớn lao cuộc đời khoa học của ông. 

Ông cũng nhận thấy “cách đặt vấn đề có thể đưa khoa học vào hai đường khác nhau”. Đồng thời, để có thể tham khảo được các tài liệu, qua đó bổ túc kiến thức ngành nghề, thì “trước hết phải biết các ngoại ngữ”. Nhờ đó ông thấy tài liệu y học của Pháp tỏ ra tự mãn với thành tựu, trong khi tài liệu Anh, Mỹ thì luôn đặt các vấn đề, từ đó mà mở ra cho ông những chân trời của sự tưởng tượng. 

Tem thư kỷ niệm 100 năm sinh GS Tôn Thất Tùng
Tem thư kỷ niệm 100 năm sinh GS Tôn Thất Tùng

Không chỉ hiểu biết về y học, vị giáo sư tương lai của nền y học nước nhà còn thấy rõ tầm quan trọng của khoa học liên ngành, vì công trình của người này đều có thể giúp cho người kia, “Vì vậy ta nên coi trọng sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học”. Và trong khi nghiên cứu, thì nhận định về một điểm nhỏ “có khi có tính quyết định đến giá trị của toàn bộ một công trình”

Mối quan tâm của bác sĩ Tôn, tập trung nhiều vào gan, và dần dần, ông có những phát hiện mới trong lĩnh vực này. Thời gian 1935-1939, ông đã mổ hơn 200 cái gan người chết, và phẫu tích tất cả các gan ấy, đối chiếu để tìm những nét chung. Chính bởi thế ông đã có một kỹ thuật đặc biệt, đó là chỉ trong 15 phút, ông đã có thể phơi trần tất cả các mạch máu trong gan, và “nhờ cách làm việc như vậy sau này tôi có thể cắt gan, không kể bộ phận nào của nó, chỉ không đầy 10 phút”. 

Khai mở phương pháp mổ mới

Nói về đóng góp của GS. Tôn Thất Tùng, ta thấy rằng, không chỉ có công lao với nền y học nước nhà, mà những tìm tòi, phát kiến của ông, có giá trị mang tầm thế giới. Thế nên, nhận định dưới đây của GS, BS Daniel Jaeck người Pháp trong bài viết “Giáo sư Tôn Thất Tùng-Một nhân cách lớn, trí tuệ uyên bác và kỹ thuật phẫu thuật tuyệt vời”, cho ta thấy được phần nào điều đó:

“Đối với chúng tôi, Giáo sư vẫn là một trong những ông tổ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất trong phẫu thuật hiện đại về gan. Các công trình của Giáo sư là nguồn gốc của những tiến bộ lớn lao trong chuyên ngành phẫu thuật. Giáo sư đã có công lao lớn nhất trong việc tạo dựng và phát triển phương pháp phẫu thuật gan hiện đại phát triển trên toàn thế giới”. Vậy, công lao ấy là gì? 

Trong cuộc đời khoa học của mình, GS. Tôn Thất Tùng đã có “123 công trình nghiên cứu của bản thân và nhiều bài viết về nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học-công nghệ. Ông là người chẩn đoán và mổ thành công trường hợp đầu tiên viêm tụy cấp do giun chui ống mật, hay đưa ra phương pháp cắt gan mới, từ cắt gan hạ phân thùy đến phân thùy, cắt gan phải, cắt gan trái… Năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, còn gọi là “phương pháp mổ gan khô”, hay “phương pháp Tôn Thất Tùng”.

Trang nhật ký của GS Tôn Thất Tùng
Trang nhật ký của GS Tôn Thất Tùng

Rồi phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch cũng được ông tiên phong… Ông cũng là người đi tiên phong trong lĩnh vực mổ tim mạch ở Việt Nam, năm 1958, khi là người đầu tiên mổ tim ở nước ta. Không chỉ thế, GS họ Tôn còn nghiên cứu cả về chất độc dioxin do Mỹ rải xuống trong chiến tranh Việt Nam cùng tác hại của nó, để trên cơ sở đó đấu tranh với Mỹ trong việc không giải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam.

GS Hồ Đắc Di, cũng là một danh y, là bà con với ông, đã hết lời ngợi khen GS họ Tôn là: “Trong giới phẫu thuật thế giới, số người được giải thưởng Lannelongue như anh ấy quá hiếm, hiếm hơn cả số nhà vật lý được giải thưởng Nobel hay số nhà toán học được giải thưởng Fields”… “Có vị giáo sư người Pháp đã nói với tôi thế này: “Tôn Thất Tùng là một của báu xa xỉ đối với Việt Nam”.../.

Đọc thêm