Dùng thần sa làm thuốc, hãi hùng thói quen nguy hiểm

(PLO) - Tại phố Lãn Ông, con phố dược liệu lớn nhất giữa trung tâm Hà Nội, người mua không gặp bất cứ khó khăn nào nếu muốn mua một vài lạng hồng đơn, hùng hoàng, thần sa, chu sa… về để làm thuốc. Thế nhưng, thực chất đây chính là kim loại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người.
Dùng thần sa làm thuốc, hãi hùng thói quen nguy hiểm

Hồng đơn chính là oxit chì, có dạng bột màu hồng, màu đỏ tươi hoặc màu cam. Thần sa, chu sa chính là sunfua thủy ngân, màu tía, dạng tinh thể nhỏ như hạt muối, lấp lánh ánh kim. Hùng hoàng chính là sunfua asen, có dạng bột hoặc để miếng, màu vàng có ánh kim. Và mục đích của người dân khi mua những kim loại nặng này là gì?  

“Hồng đơn này được dùng để chữa sốt cao, co giật. Nhưng vì nó là kim loại nặng, gây độc tới sức khỏe con người nên cửa hàng không dám bán cho người ta làm thuốc nữa, mà chỉ bán cho khách mua về cúng khi trấn trạch nhà đất thôi em ạ. Ở đây cửa hàng có đóng thành hai loại, một loại gói 50 ngàn đồng và một gói 150 ngàn đồng. Em mua về… cúng thì chị bán, còn mua về làm thuốc thì thôi, công an bắt được họ phạt như chơi”, một chủ cửa hàng dược liệu trên phố Lãn Ông tỏ vẻ e dè.

Dùng thần sa làm thuốc, hãi hùng thói quen nguy hiểm ảnh 1

Hồng đơn, hùng hoàng, thần sa, chu sa trên phố Lãn Ông, Hà Nội được bán công khai để về làm thuốc!?

Tại một cửa hàng khác, người bán hàng lại hết sức chào mời, trái ngược với thái độ lo ngại, e dè của người chủ cửa hàng trước: “Ở đây thần sa, chu sa, hùng hoàng, hồng đơn chị có hết. Em muốn mua loại nào cũng có. Hồng đơn rẻ nhất có giá 80 ngàn đồng/lạng. Còn thần sa, chu sa đắt hơn, phải 200 ngàn đồng/lạng em ạ. Hùng hoàng thì 170 ngàn đồng/lạng. Em muốn mua bao nhiêu cũng có. Em mua nhiều không?”. 

Nói rồi chủ cửa hàng mang ra một hộp nhỏ như hộp cơm, bên trong là những gói bột đủ màu sặc sỡ với vàng, đỏ, cam, tím, có gói còn lấp lánh ánh kim. “Hồng đơn chữa sốt cao, co giật. Hùng hoàng chữa sốt rét, hen suyễn. Chu sa, thần sa chữa mất ngủ, giật mình, mê sảng, giấc ngủ không yên, trẻ con hay khóc đêm”, người bán hàng tiếp lời.

Về vấn đề đưa kim loại nặng vào làm thuốc đông y, ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Thực tế hiện nay người dân rất dễ dàng mua được những kim loại nặng trên về để làm thuốc với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Hầu như ở các chợ nào cũng có, từ các chợ ở quê cho đến các chợ trong thành phố. Người ta coi những chất này là thuốc, như thạch tín, hùng hoàng là sunfua asen dùng để sát khuẩn, hồng đơn là oxit chì dùng để chữa sốt cao, co giật, thần sa chu sa chính là sunfua thủy ngân… Tuy nhiên, đây là những kim loại rất độc nhưng dân ta vẫn cứ tin là thuốc y học cổ truyền là “nguồn gốc tự nhiên rất lành tính” mà không biết rằng nó cực độc với sức khỏe con người”. 

Theo các chuyên gia y tế, với những độc chất trên với mức độ đủ lớn, hoặc do mức độ ít hơn nhưng tích lũy lâu dài, sẽ dẫn tới ảnh hưởng cho sức khỏe con người. 

Ví dụ như thủy ngân, dạng methyl hữu cơ, sẽ gây tổn thương thần kinh, biểu hiện chứng run rẩy, khó khăn trong diễn đạt, giảm sút trí nhớ... và nặng hơn nữa có thể gây tê liệt, nghễnh ngãng, nói lắp, thao cuồng (trong y văn gọi là hội chứng Minamata). Nếu nhiễm độc thủy ngân, tùy theo từng đường tiếp xúc sẽ gây độc với thận, thần kinh, hô hấp hay tiêu hóa và có thể tử vong hoặc bị di chứng. 

Nhiễm độc chì gây thiếu máu, đau bụng, táo bón, co giật, hôn mê và đặc biệt ngay cả ở mức độ nhiễm độc nhẹ vẫn gây giảm trí tuệ ở trẻ em. Nhiễm độc cadimi (hội chứng Itai-Itai): nhiễm độc lâu dài gây suy thận, mất xương, thậm chí là ung thư vú...

Riêng nhiễm độc asen có thể dẫn tới ngộ độc asen mãn tính (hội chứng Arsenosis syndrome) với màu da xám đen, dày sừng bàn tay, bàn chân, tóc rụng, viêm dạ dày-ruột, viêm móng mắt, dáng đi loạng choạng, người gầy còm, kiệt sức rồi tử vong trong vài năm. Đối với phụ nữ mang thai, asen có thể gây sảy thai.

Ngộ độc asen cấp tính có triệu chứng giống như bệnh tả, xuất hiện rất nhanh. Bệnh nhân nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục (phân không tanh), khát nước dữ dội, mạch yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và chết sau 48 giờ.  

Thực tế tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân là trẻ em bị ngộ độc chì từ thuốc cam, thuốc tưa lưỡi… được lưu hành bất hợp pháp có chứa chì (hồng đơn). Một số loại thuốc cam mà Trung tâm Chống độc thu thập được có hàm lượng chì rất cao với 21,95%, 33,3%, trong đó, có một mẫu hồng đơn có hàm lượng chì lên tới 60%.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, chì, thủy ngân, cadimi, asen là hoàn toàn có hại, rất độc và không có vai trò gì trong cơ thể con người. Khi những chất này đi vào cơ thể sẽ gây ra những tổn hại khó hồi phục, thậm chí không hồi phục. Hơn nữa việc chữa trị không đơn giản một hai ngày là xong mà có thể phải điều trị nhiều tháng, nhiều năm. Hiện nay khi xã hội phát triển, đời sống con người được cải thiện hơn, sức khỏe được bảo vệ hơn thì những chất hoặc những thuốc có độc tính nhiều với sức khỏe sẽ phải được thay thế bằng những loại thuốc hoặc chất khác có ít tác hại hơn.

Đọc thêm