Dương tính với sán lợn mà bác sỹ chỉ kê giấy hẹn có đáng lo?

(PLVN) - Thời gian vừa qua, nhiều phụ huynh tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ồ ạt đưa con lên Hà Nội khám và lấy máu xét nghiệm sán lợn sau lùm xùm về thực phẩm bẩn tại Trường Mầm non Thanh Khương. Sau khi có kết quả nhiều người tỏ ra lo lắng khi con mình dương tính mà bác sỹ chỉ kê giấy hẹn.
Nhiều phụ huynh tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đưa con đến Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng trung ương kiểm tra sán lợn.
Nhiều phụ huynh tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đưa con đến Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng trung ương kiểm tra sán lợn.

Dương tính nhưng không điều trị?

Được biết, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cũng tổ chức lấy máu xét nghiệm sán lợn cho 19 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Thế nhưng, vì lo lắng cho con mà phụ huynh đã không quản đường xa đưa con lên Hà Nội để xét nghiệm.

Theo ghi nhận của phóng viên, suốt tuần qua tại  Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và  Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng trung ương, luôn trong tình trạng quá tải vì phụ huynh từ Bắc Ninh đưa trẻ đến xét nghiệm sán.

Anh Nguyễn Đình Hướng ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành chia sẻ: “Nghe được thông tin trường của con theo học xuất hiện trường hợp nhiễm sán lợn do sử dụng thực phẩm không đảm bảo, gia đình tôi vô cùng lo lắng cho sức khỏe của con.

Mặc dù, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng tổ chức lấy máu xét nghiệm cho các cháu nhưng để an tâm hơn gia đình tôi vẫn bắt xe ra Hà Nội để xét nghiệm lần 2 cho cháu và so sánh kết quả xem xét nghiệm ở hai nơi có khớp với nhau không, chứ không sốt ruột lắm”.  

Phiếu xét nghiệm dương tính phụ huynh cung cấp.
Phiếu xét nghiệm dương tính phụ huynh cung cấp.

Gạt nước mắt chị Dương Thúy Hằng, người ở cùng xã với anh Hướng cho biết: “Chúng tôi ở quê quanh năm tất bật lo kinh tế không có nhiều thời gian chăm sóc cho các con. Tin tưởng nhà trường, thầy, cô giáo chúng tôi gửi con cho thầy cô chăm nom, bây giờ nghe tin các cháu bị sán, chưa biết thực hư thế nào nhưng lo  quá nên 4 giờ sáng ngày hôm kia đã phải lên đường xuống đây khám.

Sau khi nhận được kết quả con tôi dương tính với sán lợn tôi buồn lắm, nhưng bác sỹ cũng không kê đơn, không cho nằm viện chỉ hẹn hai tuần sau lên khám lại. Mấy cô chú kia cũng có con như vậy. Chúng tôi nóng ruột lắm mong các bác sĩ đưa ra biện pháp cụ thể để chữa trị dứt điểm cho cháu”. 

Bế hai cháu gái trên tay đợi làm thủ tục nhập viện bà Trương Thị Quý ở Thuận Thành, Bắc Ninh lo lắng; “Nhà tôi cả hai đứa đều dương tính mà cô chị được nằm viện điều trị, còn em gái nó thì không được một viên thuốc nào. Bác sỹ hẹn đứa em hai tuần nữa quay lại tái khám, không rõ sao lại lạ thế”.

Dương tính chưa chắc đã nhiễm sán

Chiều 19/3, tỉnh Bắc Ninh tổ chức cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi hàng nghìn gia đình ở huyện Thuận Thành kéo lên Hà Nội xét nghiệm do nghi ngờ thực phẩm cung cấp cho trường học không đảm bảo chất lượng.

Thống kê từ ngày 15-17/3, có 186 trường hợp dương tính với ấu trùng sán lợn. Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm không bảo đảm xuất hiện ở Trường Mầm non Thanh Khương và sau đó tự nguyện đưa con cháu đi xét nghiệm ở các cơ sở y tế là rất chính đáng.

Ông Phong cũng cho biết việc điều trị bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn cũng không khó khăn, thuốc không đắt tiền. Nếu nhiễm sán, chỉ cần uống một liều thuốc duy nhất là có thể diệt. Nếu nổi ấu trùng dưới da thì quá trình điều trị có thể kéo dài hơn, nhưng đều có thuốc.

Cũng theo ông Phong, dù kết quả xét nghiệm máu dương tính với ấu trùng sán lợn, nhưng theo các tài liệu trong và ngoài nước thì kết quả này cũng không thể cho thấy chắc chắn thời điểm đó đang có ký sinh trùng trong cơ thể, bởi xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần vào công tác chẩn đoán.

Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành năm 2004, kết quả dương tính với ấu trùng sán lợn chưa phải điều trị. Bệnh nhân chỉ được chỉ định điều trị sau khi có những biểu hiện như đi ngoài ra đốt sán (nhiễm sán trưởng thành) và nổi các mụn hạch (nhiễm ấu trùng sán). Bộ Y tế sẽ cử cán bộ từ trung ương xuống các trường, cùng với y tế địa phương kiểm tra, theo dõi trong thời gian chờ tái khám cho các trường hợp dương tính.

“Đối với các cháu chưa có kết quả, chưa xét nghiệm, tôi đề nghị cán bộ y tế địa phương cùng với cán bộ giáo dục, nhà trường không những chỉ theo dõi ấu trùng, ký sinh trùng đường ruột mà phải theo dõi sức khỏe các cháu thường xuyên. Nếu có bất thường thì phải xử lý kịp thời”, ông Phong nhấn mạnh.

Bộ Y tế khẩn cấp yêu cầu Bắc Ninh dừng lấy máu xét nghiệm sán lợn

Bộ Y tế đã đề nghị Bắc Ninh ngừng lấy mẫu máu trẻ mầm non để xét nghiệm sán, bởi kết quả dương tính không có nghĩa là mắc bệnh và đây chỉ là xét nghiệm mang tính chất hỗ trợ, cần có một số xét nghiệm khác mới có thể xác định bệnh.

Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính thì không cần phải xét nghiệm lại. Bộ Y tế cũng đề nghị Bắc Ninh cần tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu bản chất của bệnh, ý nghĩa của các biện pháp chẩn đoán, xác định người đang mắc bệnh hay không.

Đọc thêm