Giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo lộ trình: Để dân không “sốc”...

(PLO) - Từ ngày 1/6/2017, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức tăng giá hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Việc điều chỉnh giá cho nhóm đối tượng này là để đảm bảo công bằng giữa người tham gia và người chưa tham gia BHYT, khuyến khích việc toàn dân tham gia BHYT.
Chuẩn bị tăng viện phí với nhóm người bệnh không có thẻ BHYT
Chuẩn bị tăng viện phí với nhóm người bệnh không có thẻ BHYT

Hàng nghìn dịch vụ y tế sẽ tăng giá kịch khung

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới từ ngày 01/06. Theo tính toán, nhiều dịch vụ y tế tăng giá từ 20-50% so với hiện hành, cá biệt có những dịch vụ sẽ tăng giá 2-3 lần so với giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày.

Mặc dù mức điều chỉnh tăng chủ yếu ở khoảng 20-30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn đồng; thậm chí, đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao. Ví dụ như chụp X quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu đồng lên gần 6,7 triệu đồng...

Ngoài ra, giá tiền khám tối đa (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 sẽ tăng từ 20.000 đồng/lượt hiện nay lên 39.000 đồng/lượt, ở bệnh viện hạng II tăng từ 15.000 - 35.000 đồng/lượt, BV hạng III tăng từ 10.000 - 31.000 đồng/lượt, bệnh viện hạng IV tăng từ 7.000 - 29.000 đồng/lượt. Cùng với đó giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực/ghép tạng/tủy... tại các bệnh viện cũng điều chỉnh tăng giá. 

Theo Bộ Y tế, thực tế thì lộ trình tăng giá này đã có độ trễ rất nhiều theo Luật BHYT, bởi sau một năm giá dịch vụ y tế dành cho khoảng 20% dân số chưa có thẻ BHYT này mới đuổi kịp giá của những người đang khám, chữa bệnh BHYT. Do đó, với mức tăng như vậy cũng là một cách nâng cao tính chủ động và chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện và bảo đảm độ phủ BHYT 100%.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Thông tư 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2017 nhưng không phải là đến ngày 1/6/2017 tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này. “Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình từng bước, thận trọng, không thực hiện điều chỉnh đồng loạt mà có phân chia tiến độ điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT và thu nhập của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết.  

Theo lộ trình, có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8/2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017. Hà Nội cũng áp dụng mức viện phí mới đối với bệnh nhân chưa có bảo hiểm y tế vào tháng 8 tới đây và TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện vào tháng 10/2017.

Gánh nặng cho những người không có thẻ BHYT

Trên thực tế, đã có không ít những bệnh nhân chấn thương nặng, phải phẫu thuật nhiều lần đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng. Với những người có mức sống trung bình, số tiền này có thể là cả gia tài. Với nhiều người không có BHYT, họ đã phải chấp nhận buông bỏ cuộc sống vì không thể gánh nổi khoản viện phí khổng lồ.  Mới đây, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong số gần 20% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó có người là buôn bán nhỏ, người làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Với những đối tượng này, khi chưa có thẻ bảo hiểm y tế, viện phí tăng lên, nếu không may ốm đau, họ sẽ không biết phải trông chờ vào đâu. 

Ngoài ra, khi giá viện phí tăng, nhiều người bệnh đặt ra câu hỏi: Sau khi tăng giá viện phí, chất lượng khám chữa bệnh có đáng “đồng tiền bát gạo”? Hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương vẫn đang trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép hai người/giường. Vậy, khi cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa được đầu tư thì làm sao người bệnh dám kỳ vọng chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng cùng viện phí. Với nhiều bệnh nhân, vì sức khỏe, họ sẵn sàng gác chiếc thẻ bảo hiểm y tế sang một góc để khám chữa bệnh theo dịch vụ, theo yêu cầu, cho dù giá có cao tới đâu.

Ông Phan Văn Quang (chăm sóc người nhà đang điều trị bệnh tại BV Bạch Mai) chia sẻ: “Tình trạng quá tải ở các bệnh viện trung ương vẫn tiếp diễn, từ khâu khám đến chụp chiếu, xét nghiệm… người bệnh vẫn phải chờ rất lâu. Trong khi đó, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh khiến bệnh nhân chúng tôi cũng chưa thấy hài lòng. Tới đây, tăng viện phí, bệnh nhân sẽ phải chi trả tiền điều trị nhiều hơn, vậy không biết chất lượng dịch vụ bệnh viện có tăng hay không. Mấy lần trước đây, tăng viện phí cũng nói sẽ tăng chất lượng nhưng rồi đâu vẫn đấy cả thôi”.

Lý giải việc điều chỉnh giá cho nhóm đối tượng này là để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và không có thẻ bảo hiểm y tế trong chi trả chi phí cho bệnh viện, khuyến khích người chưa có thẻ bảo hiểm y tế tham gia mua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, có câu hỏi đặt ra là vào thời điểm hiện nay, với những chế tài về giá liệu đã đủ mạnh mẽ để tạo bước “đột biến” trong tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế hay chưa? Một lẽ khác, cần phải có những giải pháp khác như tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân tham gia mua bảo hiểm y tế. Đồng thời phải cởi mở và thuận lợi về thủ tục để người dân mua thẻ bảo hiểm y tế nhiều hơn, làm sao để bảo hiểm y tế hấp dẫn và có lợi ích thật sự với người dân,... Có như vậy mới hy vọng tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân theo đúng lộ trình.