Gieo mầm hy vọng cho trẻ tự kỷ tại trung tâm Sơn Ca

(PLO) - Hôm nay, 21/10 tại trung tâm Sơn Ca diễn ra buổi khám miễn phí cho trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, chậm nói và Down với sựtham gia tư vấn của ThS. Bs Nguyễn Thị Hồng Thúy Tổ trưởng chuyên môn, Khoa Tâm Bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bs Nguyễn Thị Quý - Khoa Tâm Bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bác sỹ thăm khám và tư vấn cho phụ huynh tại trung tâm Sơn Ca
Bác sỹ thăm khám và tư vấn cho phụ huynh tại trung tâm Sơn Ca

Nỗ lực giúp trẻ hòa nhập

Nằm trong ngõ nhỏ đường Đông Quan (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) là trung tâm giáo dục và can thiệp phục hồi cho trẻ tự kỷ Sơn Ca. Trung tâm được thành lập năm 2012, tính đến nay đã được năm năm. Hiện tại, trung tâm có chín em tham gia học bán trú, độ tuổi từ tám đến mười bảy tuổi. Ngoài ra còn nhiều trường hợp tham gia học khoảng vài tiếng một ngày đối với các em tình trạng bệnh tương đối nhẹ. Trung tâm có 5 giáo viên giảng dạy, đa số đều gắn bó với trung tâm từ khi thành lập.

Cô giáo Thuận- phụ trách chính của trung tâm cho biết: Chương trình thăm khám miễn phí đợt này có 20 phụ huynh đăng kí cho con, tất cả đều là những người lần đầu tiên đến với trung tâm. Ngoài ra sẽ có một số phụ huynh có con đã theo học tại đây đến để được thăm khám và tư vấn, chủ yếu là trường hợp nặng.

Các em đến thăm khám đa số ở độ tuổi tiểu học, em bé nhất chỉ mới hai tuổi rưỡi. Phụ huynh các em cho biết đều phát hiện ra con có dấu hiệu bất thường như tăng động quá mức, nhạy cảm với một số hình ảnh, âm thanh, ít nói, mất ngủ,…Có em mới bị ở mức độ nhẹ, có em đã tương đối nặng, có các hành vi quá khích, la hét khi chơi, chậm phản ứng hoặc không phản ứng khi giao tiếp với người khác. Các bác sỹ, các cô và các mẹ chủ yếu giao tiếp với các con bằng việc kết hợp ngôn ngữ nói với việc biểu đạt bằng hình thể, tranh ảnh.

Cô Phúc- giáo viên tại trung tâm chia sẻ: Để khẳng định các em đến với trung tâm khi nào có thể giao tiếp bình thường với mọi người xung quanh thì rất khó, bởi vì cần rất nhiều thời gian và nỗ lực. Bình thường sau từ một đến hai tuần, các bé sẽ quen với môi trường học tập, thầy cô và bạn bè xung quanh.

Trung tâm hướng đến dạy trẻ những kỹ năng để có thể giao tiếp, hòa nhập với thế giới xung quanh. Đối với một số em có tình trạng bệnh khá nặng, mất đi ngôn ngữ, chưa ý thức được hành vi thì trung tâm sẽ tập trung dạy cho các em biết cách để tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho bản thân, dạy cách để có thể bộc lộ suy nghĩ và giao tiếp với người khác bằng hành động cử chỉ.

Chị Huyên, Phụ huynh của em Trọng Hiếu (đang theo học tại trung tâm) nghẹn ngào: Từ khi sinh ra Trọng Hiếu vẫn như những đứa trẻ bình thường, được ba tuổi rưỡi thì gia đình phát hiện em có biểu hiện bất thường, giành ống hút từ trẻ khác hay cắn các đồ vật rồi chạy nhảy quá khích. Năm 4 tuổi em Hiếu mất dần khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ. Việc đưa Hiếu đến học tại trung tâm rất khó khăn, cần nhờ đến hai người khỏe mạnh để đưa đón.

Hiếu năm nay mười bảy tuổi,là học viên lớn tuổi nhất ở trung tâm, em đã theo học được 5 năm kể từ khi trung tâm được thành lập. Tình trạng bệnh của Hiếu khá nặng, từ khi học ở trung tâm nhờ sự giúp đỡ của các cô, Hiếu đã có thể tự phục vụ sinh hoạt bản thân, biết sử dụng các đồ vật đơn giản, giúp đỡ các cô làm một số việc cần đến sức lực.

Những phương pháp điều trị hữu ích

Trao đổi với phụ huynh, ThS. Bs Nguyễn Thị Hồng Thúy chia sẻ phương pháp can thiệp và hỗ trợ phục hồi cho trẻ tự kỷ tại nhà bằng việc tìm hiểu sở thích của các em, diễn tả bằng hình ảnh, lên lịch trình cho trẻ, tạo ra nhu cầu cho trẻ kết hợp thực hiện massage thư giãn các khớp tay, chân. Trong đó phương pháp hỗ trợ trẻ bằng hình ảnh là hết sức quan trọng. Hình ảnh giúp trẻ phát huy khả năng quan sát, trí nhớ và tư duy. Đối với trẻ chưa biết sử dụng ngôn ngữ nói để thể hiện nhu cầu bản thân, việc dùng phương tiện khác để hỗ trợ hoặc thay thế cho ngôn ngữ nói như tranh ảnh, cử chỉ điệu bộ (chỉ ngón) là điều thiết yếu. Ngoài ra nên tạo điều kiện cho trẻ sống và vui chơi ở không gian mở, gần gũi với thiên nhiên.

Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Thúy là một trong những người gắn bó lâu năm với các chương trình thiện nguyện, thăm khám miễn phí cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ với mục đích chia sẻ khó khăn với các gia đình có con bị tự kỷ và tạo điều kiện tốt nhất để các bé được phát hiện sớm, điều trị kịp thời do Bệnh viện Nhi Trung Ương và một số đơn vị, trung tâm từ thiện tổ chức.

Đọc thêm