GS Tôn Thất Tùng - Một đời vì nước nhà

(PLO) -Không chỉ làm tốt việc nghiên cứu y học, GS Tôn Thất Tùng còn đem sức vóc của mình, tận tâm phục vụ đất nước, góp phần làm cho nền y học nước nhà phát triển. Mà bạn bè thế giới, thì nể phục nền y khoa nước Việt nhiều hơn nữa. Thành công của ông, có sự hậu thuẫn to lớn của người bạn đời Nguyệt Hồ. 
GS Tôn Thất Tùng phát biểu tại một hội thảo khoa học.
GS Tôn Thất Tùng phát biểu tại một hội thảo khoa học.

Qua công trình kỷ niệm sự nghiệp GS Tôn Thất Tùng mang tên “Giáo sư Tôn Thất Tùng, người thầy thuốc mẫu mực của nhân dân”, có nhận xét về ông rằng “Không chỉ là chiến sĩ áo trắng trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, là Thầy của nhiều thế hệ y, bác sĩ tài năng”… “Có thể thấy rõ, ở GS Tôn Thất Tùng tinh thần trách nhiệm, tài năng, lòng nhân ái luôn hòa quện trong suốt cuộc đời cống hiến của ông vì con người”. Cuộc đời ông đã chứng minh điều đó. 

Tận tâm vì nước

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Tôn Thất Tùng được tín nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế trong thời gian dài (1947-1961). Đồng thời, ông được nhân dân tin tưởng, bầu vào cơ quan lập pháp của đất nước: Quốc hội trong sáu khóa (khóa II đến khóa VII).

Ông cũng là ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đó không đâu hơn là lòng nhiệt thành với nước, với dân. Mà nào đã hết, bên cạnh hoạt động chính trị, ông còn không ngừng ươm mầm, đào tạo những thế hệ học trò ngành y để bổ sung lực lượng “từ mẫu” cho nền y học nước nhà. 

Trong đời mình, GS họ Tôn cũng đã viết nhiều công trình nghiên cứu để lại cho đời. Trong đó, cuốn “Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật” của ông được xuất bản là cuốn sách khoa học đầu tiên về ngành Y được xuất bản tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng thành công, ông được cử làm Giám đốc BV Phủ Doãn, cùng với GS Hồ Đắc Di bắt tay xây dựng trường Đại học Y. Từ năm 1954, ông là Giám đốc BV Hữu nghị Việt-Đức, và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại của Đại học Y Dược Hà Nội. 

Với tài năng vượt trội của mình, tên tuổi GS Tôn Thất Tùng được giới y khoa khắp nơi trên thế giới biết tới, kính trọng. Ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, thành viên Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, hội viên Hội Quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hòa Dân chủ Đức, thành viên Hội những nhà phẫu thuật Algérie… Riêng trong lĩnh vực mổ gan, một lĩnh vực làm nên tên tuổi của ông, GS Tôn Thất Tùng đã có hơn 50 công trình đăng tải trên các tạp chí phẫu thuật có uy tín trên thế giới. 

Sự tín nhiệm đối với ông, được thể hiện ở sự trân trọng của giới y khoa trên thế giới, xem ông như “một trong những ông tổ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất của phẫu thuật hiện đại về gan” (lời của GS, BS Daniel Jaeck, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật châu Âu (ESA). Ngoài ra, ông từng giành được những giải thưởng y khoa cao quý trên thế giới, như: Huy chương Bạc của Liên hợp Pháp (1939), Huy chương Bạc của trường Đại học Y khoa Paris (1940), Huân chương Vàng phẫu thuật quốc tế Lannelongue (Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris)… 

GS. Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế (trái) và GS. Hồ Đắc Di tại Việt Bắc năm 1952
GS. Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế (trái) và GS. Hồ Đắc Di tại Việt Bắc năm 1952

Khoa học thắng hủ tục

Như ta đã biết, với bà con dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, đa phần khi bệnh tật, thì tin là ma làm, và phó mặc số phận của mình cho thầy mo, giúp mình “bắt ma”. Tư duy ấy, đã ăn sâu bén rễ nơi phong tục đồng bào qua bao đời, chẳng dễ gì thay đổi được nếp nghĩ lạc hậu. Ấy vậy mà có lần, bác sĩ Tôn Thất Tùng, đã làm cho thầy mo phải tâm phục khẩu phục. 

Đầu năm 1947, ông cùng độ ngũ y bác sĩ BV Phủ Doãn di chuyển lên An toàn khu tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang để tiếp tục hoạt động giáo dục, đào tạo và khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nơi đây. Bà con dân tộc lúc ấy, tin vào tài năng “bắt ma bệnh” của thầy mo hơn là tay nghề chữa bệnh của các y bác sĩ.

Và có lần…một thầy mo có đứa cháu bị bệnh đái ra máu, bao nhiêu tài sản trong gia đình lần lượt được bán đi để có tiền làm lễ cúng đuổi ma, mà bệnh tình đứa bé ngày thêm nặng, thân hình gầy gò, da xanh và hay kêu đau.

Cúng bái mãi bệnh vẫn không thuyên giảm, cuối cùng, nghe lời khuyên của dân làng, thầy mo đành cầu cứu đến bác sĩ Tôn Thất Tùng. Với kinh nghiệm khám chữa bệnh, chỉ nhìn qua đứa bé, bác sĩ họ Tôn đã biết đứa bé bị sỏi bàng quang.

Để cứu sống được đứa bé, phải mổ; việc làm này cũng sẽ góp phần giúp bà con tin vào thực tế khoa học hơn là những tập tục mê tín dị đoan lâu nay. Nhưng thầy mo nghe vậy, sợ bệnh viện có ma, nhất quyết đòi làm một lán nhỏ ngay trước phòng mổ cho đứa bé. Bác sĩ Tôn Thất Tùng cũng chiều lòng. 

Khi mổ, viên sỏi to bằng nắm tay đứa trẻ được lấy ra, dù cuộc phẫu thuật khó khăn, nhưng cuối cùng cũng thành công. Sau đó hàng ngày, các y tá thăm nom, chăm sóc bệnh cho đứa bé. Dần dà, đứa trẻ khỏi bệnh, da dẻ hồng hào trở lại.

Thầy mo thấy cháu khỏi bệnh thì vui mừng lắm, không ngớt lời thán phục bác sĩ Tôn, gọi ông là “vị thánh sống”, và nằng nặc đòi được vái lạy vị thánh sống Tôn Thất Tùng để cảm ơn.

Sau ca mổ thành công này, tiếng lành đồn xa, bệnh nhân người dân tộc thiểu số tin tưởng vào tài năng của bác sĩ nhiều hơn là các thầy mo. Vậy là khoa học đã chiến thắng được hủ tục lạc hậu bao đời ngự trị nơi phong tục đồng bào. 

Bà Vi Nguyệt Hồ bên cạnh tượng người bạn đời, GS Tôn Thất Tùng đặt tại BV Việt-Đức
Bà Vi Nguyệt Hồ bên cạnh tượng người bạn đời, GS Tôn Thất Tùng đặt tại BV Việt-Đức

Chuyện tình riêng

Qua bài viết “Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng với gia đình và người thân” của hai người con gái giáo sư là Ngọc Trân, Hồng Tâm, ta được biết đôi nét về tình yêu lớn của đời ông: “Cha mẹ chúng tôi là mọt đôi được trời sinh ra cho nhau. Ông bà luôn kính trọng, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh”. Người vợ hiền của ông, bà Vi Thị Nguyệt Hồ, kết duyên với ông khi bác sĩ họ Tôn ở tuổi 32. Và những thành công, sự nghiệp ông để lại cho đời, có sự giúp đỡ, hy sinh lớn lao của người đầu gối tay ấp ấy.

Bà Hồ vốn là cựu nữ sinh trường Trung học nữ Felix Faure danh tiếng của Hà Nội, vì sự nghiệp của chồng, bà không học tiếp để lấy bằng bác sĩ, mà làm công việc của một y sĩ, trợ giúp cho ông mổ xẻ gần 30 năm, bởi bà xác định “trong gia đình cần có những người sẵn sàng hy sinh những ước vọng của bản thân mình để giúp người bạn đời của mình hoàn thành sự nghiệp”.

Cũng bởi đức hy sinh của người vợ hiền, nên bà chính là người trợ thủ đắc lực, được GS họ Tôn tin tưởng tuyệt đối, và cao quý biết bao nhiêu khi “Mối tình của hai người luôn bền chặt đến tận ngày nay, khi ông đã đi xa hơn 30 năm nhưng hàng tuần bà vẫn đến thăm ông tại Nghĩa trang Mai Dịch, tâm sự cùng ông những chuyện vui buồn trên đời”. 

Là một tài năng của nền y học nước nhà, chính GS Tôn Thất Tùng, là người nhiều lần chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đáp lại, Bác Hồ rất quý ông, như hồi ký “Đường vào khoa học của tôi”, ông ghi: “Thường sau khi tiêm thuốc cho Bác, Bác hay giữ tôi lại để hỏi chuyện công việc, chuyện gia đình. Biết tôi đã có con trai đầu lòng, Bác nói: “Để tôi đặt tên cho nó. Tên chú có bộ mộc, nên đặt tên cho con chú tên Bách”. Cho mãi đến nă m1968, một năm trước khi Bác mất, trong một buổi họp, Bác còn hỏi thăm cháu Bách”. 

Ghi nhận những cống hiến của ông đối với đất nước, GS Tôn Thất Tùng đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như danh hiệu Anh hùng Lao động (1962), Huân chương Hồ Chí Minh (1992), Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-kỹ thuật… Dù đã về cõi vĩnh hằng, nhưng những di sản khoa học của cố GS họ Tôn để lại cho đời, vẫn có giá trị trường tồn đối với dân tộc và nhân loại…/. 

Đọc thêm