Hà Tĩnh: Cứu sống 2 trẻ sinh non ngừng tim, ngừng thở

(PLO) - Ngày 5/4, Bác sĩ Nguyễn Viết Đồng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các bác sĩ của đơn vị này vừa kịp thời cứu sống thành công 2 trẻ sinh non tháng trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở.
Các bác sỹ chăm sóc cho mẹ con sản phụ
Các bác sỹ chăm sóc cho mẹ con sản phụ

Trước đó, Khoa Sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận 2 sản phụ là Hoàng Thị Hằng (26 tuổi, ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà) và Nguyễn Thị Hồng Mơ (21 tuổi, ở xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) trong tình trạng đau bụng dữ dội.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã xác định thai mới 27 tuần và tiến hành đỡ đẻ gấp cho 2 sản phụ. Tuy nhiên khi sinh mỗi bé chỉ nặng gần 1kg, bị suy hô hấp sơ sinh nặng, tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim… các bác sỹ đã tiến hành cấp cứu, hồi sức cho bé, đồng thời cho chuyển sang Khoa Nhi để tiếp tục điều trị.

Bác sĩ Lê Hữu Anh, Trưởng Khoa Nhi cho biết: Sau khi tiếp nhận các bác sỹ đã tiến hành cấp cứu, hồi sức, cho thở máy, bơm Surfactant qua nội khí quản, đặt tĩnh mạch rốn, nuôi dưỡng hoàn toàn qua tĩnh mạch thì da có biểu hiện hồng lên, có nhịp tim trở lại...

Sau khi được bơm Surfactant và cho thở máy được một thời gian, 2 bé được chuyển qua chế độ chăm sóc đặc biệt như: nằm lồng ấp, nuôi dưỡng qua tĩnh mạch, cho thở bằng máy thở máy PEEP… Đến nay sau quá trình được điều trị tích cực sức khỏe 2 bé đã ổn định, dự kiến sẽ cho xuất viện trong vài ngày tới.

Các bác sỹ khuyến cáo người dân, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, đối với những sản phụ có tiền sử đẻ non tháng nếu mang thai thì cần đi khám định kỳ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản để được tư vấn đầy đủ, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường thì cần đến ngay sơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Còn như đối với 2 trường hợp sinh non trên sau khi xuất viện, gia đình phải chú trọng việc giữ thân nhiệt cho bé thật tốt bằng phương pháp Kangaroo, đây là một phương pháp y học thích ứng được lựa chọn để chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc trẻ; đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ; trong chăm sóc phải đảm bảo vệ sinh vô trùng.

Đọc thêm