Hăng hái... rút tiền mua BHYT

(PLO) - Đã hơn một tuần một số bệnh viện điều chỉnh tăng viện phí với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện vẫn diễn ra bình thường, các bệnh viện không gặp vướng mắc trong việc áp dụng quy trình. Nhiều người bệnh tâm sự, chính nhờ việc có người thân ốm phải nằm viện điều trị họ mới thấy dịch vụ khám BHYT tốt hơn nhiều, do đó đã “thức tỉnh” để người thân của họ mua BHYT hăng hái hơn.
Đăng ký khám bệnh không có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện K
Đăng ký khám bệnh không có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện K

“Bỏ tiền ra mua không may có bệnh còn đỡ lo”

Chúng tôi đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) vào đầu giờ sáng ngày 28/6. Các hàng ghế ở hành lang BV, ghế đá, tường bao quanh gốc cây đều chật kín người ngồi. Lân la hỏi chuyện bệnh nhân về vấn đề tăng giá viện phí với những bệnh nhân chưa có thẻ BHYT thì được biết việc tăng viện phí lần này đang trở thành vấn đề “nóng”, len lỏi vào từng bữa ăn giấc ngủ của người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân. Xoay tiền mua bảo hiểm đang là nỗi lo lớn của nhiều bệnh nhân.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Thủy (Hải Phòng) tới viện điều trị ung thư vú đã gần một tháng nay, thông tin tăng giá viện phí chị cũng mới nghe qua ti vi chứ chưa biết tăng cụ thể thế nào. Đáng lo hơn, mới đây hai vợ chồng chị đang tính, năm nay không mua bảo hiểm cho chồng và cô con gái nữa vì bao nhiều tiền đã dồn hết cho chị chữa bệnh. Vậy nhưng, giờ viện phí lại tăng, anh chị lo đứa con ở nhà hay ốm vặt, thường xuyên phải đi viện.

Đồng quan điểm, bệnh nhân Phan Thị Nhi, 40 tuổi (Nam Định) bất ngờ bị đột quỵ hôn mê, tím tái, thở ngáp, mạch và huyết áp không đo được. Các bác sĩ chuẩn đoán cô bị tắc động mạch vành, muốn điều trị dứt điểm phải can thiệp nong và đặt stent động mạch vành phải để tái thông lại mạch máu bị tắc. Chi phí cho trường hợp này là 60 triệu đồng, nếu có BHYT thì giảm được ít nhất là khoảng 50% hoặc có thể nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại cô không có BHYT, khi được các bác sĩ thông báo gia đình đã vội vàng mua bảo hiểm y tế cho cô để kịp điều trị bệnh.

Đó cũng là nỗi lo chung của 20% dân số chưa tham gia BHYT do gặp khó khăn trong chi trả viện phí. Và hầu hết các bệnh nhân tới viện khám bệnh trong lúc ngồi chờ kết quả, những cuộc trò chuyện của họ đều khuyên nhủ, động viên nhau nên mua BHYT cho cả gia đình để có thể yên tâm hơn khi gặp những chuyện chẳng may phải nằm viện điều trị. “Viện phí tăng, không có BHYT thì nguy, chắc tôi phải về bán thóc đi để mua bảo hiểm cho cả nhà. Bỏ tiền ra mua không may có bệnh còn đỡ lo. Mà may mắn không phải dùng đến thì cũng coi như làm từ thiện. Vì từ sáng ngồi đây, hỏi những người xung quanh có bệnh nhân chi phí cả chục triệu đồng mỗi tháng”, chị Đỗ Thị Lạng (Hà Nam) chia sẻ. 

Cứu người là trên hết

Ghi nhận tại các bệnh viện, do đều đã có sự chuẩn bị kỹ càng nên khâu khám bệnh, thanh toán giữa bệnh nhân BHYT, bệnh nhân không BHYT, bệnh nhân khám theo yêu cầu dù có các mức giá khác nhau nhưng thanh toán đều thuận lợi. Trao đổi với phóng viên, TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ 20/6 đến nay bệnh viện đã bắt đầu triển khai tăng viện phí đối với bệnh nhân chưa có thẻ BHYT theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tại bệnh viện, việc tăng viện phí ảnh hưởng nhiều nhất đối với bệnh nhân điều trị nội trú do đặc thù đa phần là những bệnh nhân nặng từ các tuyến dưới chuyển lên và đa phần các bệnh nhân này đều đã có BHYT.

Do đó, bệnh viện không bị ảnh hưởng nhiều cũng như không gặp khó khăn gì trong quá trình áp dụng quy trình. Kể từ tháng 1/ 2015 khi mà Bệnh viện triển khai Luật BHYT sửa đổi, tăng khối nội trú và giảm mức chi trả của bảo hiểm cho ngoại trú thì bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai rất được lợi. Còn lại tỷ lệ người đến chữa bệnh không có BHYT ở bệnh viện không nhiều, chỉ nằm ở một số ít bệnh nhân đến khám ngoại trú. Điều chỉnh này đưa lên bằng mức chi trả của bảo hiểm do đó đảm bảo mức công bằng giữa người tham gia bảo hiểm và người không tham gia bảo hiểm. Đó là một chủ trương đúng. 

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân cho rằng viện phí không như những mặt hàng khác là người thụ hưởng có quyền chọn lựa. Bởi nếu đã bệnh thì dù có bảo hiểm hay không vẫn phải chấp nhận tất cả, kể cả phải khánh kiệt tài sản. Rất nhiều người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, mỗi khi bệnh nặng là phải chạy vạy vay mượn, cầm cố đất đai, nhà cửa để có tiền chữa bệnh. Cũng vì thế mà dẫn đến thực trạng nhiều người có bệnh vẫn cố chịu đựng, không dám đến bệnh viện nên bệnh ngày càng trầm trọng thêm.

Về vấn đề này, trên thực tế, hầu hết các bệnh viện công trên địa bàn Hà Nội đều thống nhất dứt khoát không để bệnh nhân nghèo không đến bệnh viện điều trị vì viện phí tăng cao. Cứ tiếp nhận điều trị trước, nếu gặp khó khăn trong thanh toán, tùy từng trường hợp cụ thể miễn giảm hoặc xin ý kiến lãnh đạo giải quyết. Đầu tiên dựa trên cơ sở gia đình bệnh nhân cố gắng. Ví dụ với trường hợp bệnh nhân phải trả chi phí điều trị hết 100 triệu nhưng gia đình chỉ có 50 triệu, còn 50 triệu nếu trường hợp là những gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn thì Phòng Công tác xã hội của bệnh viện sẽ tiếp xúc lấy thông tin, kết hợp kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình.

Thông thường số tiền 100 triệu đổ lại thường là giải quyết được ngay, hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân. Trong trường hợp số tiền lớn, Phòng Công tác xã hội huy động không đủ thì bệnh viện sẽ có phương án miễn giảm viện phí cho bệnh nhân. 

“Bệnh viện không phải là cơ sở kinh doanh, ngoài chuyện đảm bảo thu - chi làm sao cho cân đối thì bệnh viện còn phải làm nhiệm vụ chính trị. Do đó bệnh viện không quá khắt khe giữa câu chuyện có tiền mới chữa bệnh, hay không tiền không chữa bệnh. Với phương châm cứu người là ưu tiên số một, bệnh nhân nghèo vẫn được cấp cứu, điều trị kịp thời. Mỗi một năm bệnh viện miễn giảm 4-5 tỷ đồng cho những trường hợp như thế. Thậm chí có những trường hợp nặng không có khả năng chi trả viện phí, họ bỏ điều trị không trả tiền, những trường hợp đó bệnh viện đành phải cho tiền, đó là những trường hợp bất khả kháng”, TS Hùng nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, nếu cứ mãi làm việc thiện thì e rằng các bệnh viện không trụ nổi. Vấn đề cốt lõi là cần một chính sách đúng, có tính thuyết phục và phù hợp với thực tế của từng địa phương, từng bệnh viện. Một mặt, các địa phương cần chủ động phân bổ ngân sách, huy động nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, chỉ đạo các bệnh viện sử dụng phần chênh lệch thu - chi để hỗ trợ khám, chữa bệnh giúp các trường hợp khó khăn chi trả viện phí.

Mặt khác, để gia tăng tỷ lệ số người tham gia BHYT thì bên cạnh việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cần có thêm các giải pháp khác như tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHYT, hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và khả năng cung cấp dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh… từ đó mới thúc đẩy nhanh quá trình tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020.

Đọc thêm