Hàng loạt câu hỏi từ ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam

(PLO) - Mới đây, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM vừa cho biết bệnh viện này đang chuẩn bị các thủ tục cho ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam. Từ lời công bố này một loạt câu hỏi đặt ra…
Pháp luật cho phép cá nhân xác định lại giới tính nếu giới tính của người đó có giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác.
Pháp luật cho phép cá nhân xác định lại giới tính nếu giới tính của người đó có giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác.

Hai câu chuyện từ hai bệnh viện

Theo thông tin từ Bệnh viện Bình Dân TP HCM, ngày 8/3, một trường hợp tên là N.A.V. (sinh năm 1992, sống tại Nha Trang) tới Bệnh viện Bình Dân khám. V. mang tên con gái, lớn lên thân hình nảy nở và có ngực như con gái nhưng bộ phận sinh dục lại…nửa gái nửa trai.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bộ nhiễm sắc thể của bệnh nhân là 46 xx (giới tính nữ).  

Trao đổi với báo chí, Thạc sĩ bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP HCM cho biết: "Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm như chụp CT scanner thấy bệnh nhân tồn tại cả tinh hoàn phải và tiền liệt tuyến lẫn tử cung (lưỡng giới thật). Ca này tạo hình thành nam (theo mong muốn của bệnh nhân - PV) rất thuận lợi vì bệnh nhân đã có sẵn 2 bìu, chỉ cần đặt tinh hoàn nhân tạo vào. Xem xét hoàn cảnh, chúng tôi thấy nguyện vọng của bệnh nhân xứng đáng, ngay trong ngày 10/4 đã trình ban giám đốc và đưa ra hội đồng chuyên môn hội chẩn”.

Một thông tin khác từ Bệnh viện E, Hà Nội cho thấy bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nữ 24 tuổi ở Hà Nội có cả 2 bộ phận sinh dục nam và nữ trên cơ thể.

Theo người nhà bệnh nhân, khi sinh ra là con gái nhưng bệnh nhân lại phát triển thêm cả cơ quan sinh dục nam. Do mang hình thái là nữ và hàng tháng đều có kinh nguyệt đều đặn nhưng bộ phận sinh dục nam ngày càng phát triển, khiến bệnh nhân cảm thấy mặc cảm và tự ti trong cuộc sống và giao tiếp với mọi người xung quanh. 

Để trả lại con đúng với giới tính thực, gia đình quyết định đã đưa con đến khám tại khoa Phụ sản – Bệnh viện E. Tại đây, các bác sĩ Khoa Phụ sản tiến hành khám cho bệnh nhân và chẩn đoán là bệnh nhân bị dị dạng lưỡng tính bộ phận sinh dục.

Cụ thể, trên bộ phận sinh dục ngoài có hình ảnh lưỡng giới có cả bộ phận sinh dục nữ và bộ phận sinh dục nam. Các bác sĩ tiến hành thăm khám và siêu âm cho bệnh nhân thấy có đầy đủ cơ quan sinh dục của nữ giới như buồng trứng trái đúng vị trí, tử cung hoàn chỉnh và bình thường, âm đạo, nhưng bên ngoài cơ thể lại có cả âm vật và dương vật có chiều dài 4cm và theo lời bệnh nhân có thể cương cứng.

Ở vùng xương mu bên phải cách vùng dương vật 5cm có cấu trúc tròn di động giống như tinh hoàn, ranh giới rõ, đường kính 1,5cm và không đau... Các bác sỹ đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục nam và tiến hành chỉnh hình cơ quan sinh dục nữ cho bệnh nhân.

Sau ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, bệnh nhân đã thật sự trở thành một người phụ nữ hoàn chỉnh và có thể sinh hoạt tình dục, sinh con bình thường.

Xác định lại giới tính hay chuyển đổi giới tính ?

Nói về trường hợp của N.A.V., Bệnh viện Bình Dân TP HCM cho biết đây sẽ là ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam vì bệnh nhân tuy có bộ nhiễm sắc thể của bệnh nhân là 46 xx (giới tính nữ) nhưng lại mong muốn trở thành nam giới.

Còn nói về trường hợp của bệnh nhân nữ 24 tuổi ở Hà Nội, theo Bệnh viện E, Hà Nội đây là xác định giới tính và tái tạo lại bộ phận sinh dục cho phù hợp. Tuy được định nghĩa khác nhau, nhưng theo chủ quan của người viết, hai trường hợp này đều cùng một bản chất đó là xác định lại giới tính trong tình huống cả hai bệnh nhân đều có bộ phận sinh dục không rõ ràng nửa gái nửa trai. 

Bộ luật Dân sự năm 2005 ghi nhận quyền xác định lại giới tính (Điều 36) cho phép  “cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó có giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác  định rõ về giới tính”.

Để hướng dẫn Điều 36 của Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định số 88/2008/NĐ-CPcủa Chính phủ quy định chi tiết về xác định lại giới tính đã ra đời và quy định rõ các trường hợp được xác định lại giới tính là: nam lưỡng giới giả nữ; nữ lưỡng giới giả nam; lưỡng giới thật với các chỉ dẫn nhận biết dưới góc độ y khoa rõ ràng kèm theo. 

Quay lại với trường hợp tại Bệnh viện E, bệnh nhân đã được chỉ định làm các xét nghiệm đánh giá về giới tính. Kết quả cho thấy, bệnh nhân có bộ nhiễm sắc thể là nữ giới và có lượng hoóc - môn sinh dục nữ bình thường, nồng độ testosterone thấp nên các bác sĩ quyết định loại bỏ bộ phận sinh dục nam cho phù hợp.

Còn trường hợp ở Bệnh viện Bình Dân TP HCM thì theo bác sĩ sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm như chụp CT scanner thấy bệnh nhân tồn tại cả tinh hoàn phải và tiền liệt tuyến lẫn tử cung (lưỡng giới thật). Như vậy, so sánh hai trường hợp nêu trên tại hai bệnh viện với quy định của Điều 5 về tiêu chuẩn y tế xác định khuyết tật bẩm sinh về giới tính của Nghị định 88 có thể thấy hoàn toàn trùng khớp.

Được biết, sau khi Nghị định 88 có hiệu lực, theo công nhận của Bộ Y tế có 4 cơ sở y tế đủ điều kiện để xác định lại giới tính theo luật định là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội.

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính phải là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ngoại, sản, nhi của Nhà nước tuyến Trung ương hoặc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng một tuyến tỉnh. Có phòng xét nghiệm di truyền tế bào và di truyền phân tử….