Hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm vào mùa

(PLO) - Thời điểm giao mùa đông - xuân nhiệt độ ngoài trời thay đổi khó lường, có khi rét đậm, rét hại kéo dài, có khi lại nóng ấm, nhiệt độ lúc lên cao, xuống thấp, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh như tay – chân – miệng, ho gà, thủy đậu, sốt vi rút, tiêu chảy… sinh sôi, phát triển. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi mắc các bệnh dịch này, nếu để bệnh nặng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm và gây tử vong. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế có thể phòng ngừa các dịch bệnh này bằng cách tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Giao mùa đông xuân lo ngại bệnh dịch sinh sôi

Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi dịp đông – xuân là số ca nhập viện vì mắc phải các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về sốt do vi rút, các bệnh truyền nhiễm, tiêu hóa, tiêu chảy do vi rút lại tăng lên. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), chỉ trong một thời gian ngắn đã có đến 20 bệnh nhi phải nhập viện vì mắc bệnh ho gà. Trong đó có nhiều ca bệnh nặng đã dẫn đến biến chứng viêm phổi, có trẻ bị suy hô hấp phải thở bằng máy.

Cùng với bệnh ho gà, chỉ trong một tuần qua cũng đã có hơn 10 bệnh nhi phải nhập viện vì mắc bệnh thủy đậu. Có những ngày, Khoa Truyền nhiễm đón từ 3 – 4 bệnh nhân. Điều đáng nói, có những bệnh nhi sơ sinh mới vài tuần tuổi cũng bị lây bệnh thủy đậu từ mẹ. Thống kê tại Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba cũng cho thấy từ ngày 1/1 đến nay đã ghi nhận hơn 70 bệnh nhân từ 12 tháng tuổi đến 11 tuổi bị mắc bệnh thủy đậu. Tại Bệnh viện E, trong một tháng trở lại đây cũng đã khám và điều trị cho hơn 20 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu.

Còn tại Đà Nẵng, theo số liệu chưa đầy đủ từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, từ đầu năm 2017 đến nay, tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã ghi nhận có hơn 1000 ca mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết là 851 ca, mắc tay – chân - miệng là 87 ca và thủy đậu 102 ca. Điều đáng nói, các ca này đều chớm tăng so với cùng kỳ năm 2016. Thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng cho biết tính đến nay đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp bị mắc bệnh tay – chân – miệng tại 57 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh các ca bệnh “truyền thống” thì do thời tiết thất thường, mùa đông – xuân năm nay còn ghi nhận thêm nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ, dù rằng dịch bệnh này thường chỉ bùng phát vào tháng 9, tháng 10 hàng năm. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có khoảng gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu, tăng nhanh so với dịp trước Tết Nguyên đán và tương đương với đầu mùa dịch tháng 9 hàng năm.

Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh tốt nhất

Theo các chuyên gia y tế, thời điểm giao mùa đông - xuân nhiệt độ ngoài trời thay đổi khó lường, có khi rét đậm, rét hại kéo dài, có khi lại nóng ấm, nhiệt độ lúc lên cao, xuống thấp, độ ẩm không khí cao khiến sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm trong khi các vi sinh vật (ký sinh trùng, nấm mốc, vi rút…) có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Theo đó, chúng sẽ nhanh chóng xâm nhập vào cơ thể gây ra hàng loạt nhóm bệnh về đường hô hấp, hệ tiêu hóa hoặc bệnh truyền nhiễm, da liễu.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vào mùa đông xuân các dịch bệnh như cúm, sởi, rubella, quai bị, tay - chân - miệng, thủy đậu… thường gia tăng. Bên cạnh đó, các dịch bệnh lây lan qua đường tiêu hóa, nhất là liên cầu khuẩn, tiêu chảy cấp cũng là vấn đề rất đáng lo ngại. Trong những tháng tới của năm 2017, tình hình dịch bệnh có thể có những diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, do sự giao lưu đi lại của người dân…

Được biết, trong số các bệnh nhi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, sởi, rubella, thủy đậu, tiêu chảy, cúm… tính từ đầu năm đến nay có nhiều gia đình có trẻ nhỏ có tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ mà không đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng. Hoặc có cha mẹ lại lo sợ phản ứng sau tiêm chủng, sợ con ốm nên tránh không muốn cho con đi tiêm dẫn đến trẻ dễ bị mắc bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định, tiêm phòng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh, giảm số trường hợp mắc bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, nhất là ở trẻ em, có thể bảo vệ được 90 – 95% trẻ. 

PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích thêm, các bà mẹ khi được tiêm ngừa vắc xin sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm, tiêu chảy… (hoặc đã từng mắc bệnh), cơ thể đã có miễn dịch sẽ truyền kháng thể cho trẻ trong quá trình mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ giai đoạn đầu sau sinh. Thêm nữa, khi duy trì được tỉ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm chủng. Vì thế, người chưa tiêm chủng, đặc biệt là phụ nữ tuổi sinh đẻ nên tiêm chủng.

Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông có nhiều bệnh nhi phải nhập viện do tiêu chảy. Chị Trần Thị Lan Phương (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết:

“Cháu nhà tôi bị tiêu chảy cách đây 3 ngày, mỗi ngày cháu đi ngoài đến gần chục lần, lần nào cũng đi ngoài phân lỏng. Do mất nước, ăn uống kém nên cháu rất mệt mỏi, thể trạng yếu ớt, quấy khóc nhiều khiến chúng tôi rất lo lắng. Tôi cũng thấy rõ được mặt tích cực của việc tiêm vắc xin phòng bệnh như vắc xin phòng cúm, phòng tiêu chảy do vi rút Rota… vì đã chứng kiến đứa trẻ hàng xóm cùng tháng sinh nhưng được tiêm vắc xin phòng bệnh nên rất ít khi bị nhiễm các loại bệnh này. Tuy nhiên, đây là những vắc xin dịch vụ trong khi kinh tế gia đình tôi eo hẹp nên không thể tiêm được”.

Bên cạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh, các chuyên gia y tế cũng cho biết việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống được giữ gìn sạch sẽ cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Tùy theo điều kiện thời tiết mà có cơ chế giữ ấm phù hợp với sức khỏe mỗi người, trời lạnh thì mặc áo ấm, trời nóng thì mặc đồ thoáng mát. Cùng với đó là ăn uống đầy đủ về lượng và chất cũng giúp cơ thể có sức đề kháng để chống chọi với bệnh tật.

Đọc thêm