Hệ lụy từ việc sinh con bằng mọi giá

(PLO) - Chi phí cho mỗi ca thụ tinh trong ống nghiệm (ICSI) hiện nay trung bình khoảng 60-80 triệu đồng. Dù tỷ lệ sinh con bằng kỹ thuật ICSI hiện nay thành công ở mức 30% nhưng với khát khao có “của để dành”, có người nối dõi tông đường, nhiều người đã bằng mọi cách để thực hiện giấc mơ, làm phát sinh những hệ lụy khi sinh con bằng phương pháp khoa học.
Hệ lụy từ việc sinh con bằng mọi giá
Sinh mãi không được thì phải thuê đẻ mướn
Ngày càng có nhiều người phải sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Và thế là từ mấy bệnh viện chuyên khoa hàng đầu, hiện nay cả nước có khoảng 20 bệnh viện, trung tâm hỗ trợ sinh sản. Nhiều bệnh viện đã lập ngân hàng lưu giữ tinh trùng. Vì chi phí khá tốn kém nên chỉ những người có tiền mới dám sinh con bằng phương pháp khoa học. Còn rất nhiều người vô sinh nhưng không có tiền, lặng lẽ dập tắt hy vọng trong nỗi buồn mênh mang. 
Khoa học y học đã mang lại những điều kỳ diệu mà trước đây chỉ có trong cổ tích cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh. Sau mấy lần thụ tinh nhân tạo thất bại, một nữ bác sĩ sinh năm 1960 sung sướng đến tột cùng khi được làm mẹ ở tuổi 53. Hạnh phúc hơn nữa, chị sinh đôi được hai đứa trẻ khỏe mạnh. 
Nhiều cặp vợ chồng khi xử lý 3 phôi được cả 3 phôi, bác sĩ đề nghị hủy bớt phôi đi nhưng họ nhất định không chịu. Thế là dù số tiền dành dụm đã đổ hết vào bệnh viện để có con, giờ nuôi một lúc 3 đứa trẻ là một núi khó khăn, gian khổ nhưng họ không thể bỏ đi một đứa con nào. 
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm chưa cao, chỉ khoảng 30%. Một số người thành công từ lần áp dụng kỹ thuật đầu tiên nhưng nhiều người phải nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm mới sinh được con. Nhiều trường hợp làm đi làm lại vẫn chẳng có mụn con nào.
Nếu lấy số tiền kể trên nhân lên với số lần thực hiện sinh con bằng ống nghiệm, có người tốn vài trăm triệu, có người tốn tiền tỷ. Giấc mơ “của để dành” khiến nhiều gia đình “khuynh gia bại sản”. Thế nhưng không chịu thất bại, tự mình không thể sinh được con, nhiều cặp vợ chồng phải thuê người khác mang thai giùm. 
Vợ chồng anh L. sinh sống tại Cộng hòa Séc. Sau nhiều lần thụ tinh nhân tạo ở nước ngoài không thành, vợ chồng anh trở về Việt Nam. Ròng rã nhiều năm trời, vật vã đi hết bệnh viện phụ sản tại Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh tốn hàng tỷ đồng, vợ anh L. vẫn không thể mang thai. 
Khi anh L. đã ngoài 50 tuổi, còn chị vợ bước vào tuổi 46 thì họ dừng hành trình tự sinh con lại mà thuê một phụ  nữ trẻ mang thai hộ với giá một trăm triệu đồng. Phôi được tạo ra từ tinh trùng của anh L. và noãn của người vợ được cấy vào tử cung của người phụ nữ đẻ thuê. Sau 9 tháng 10 ngày, chị này sinh một bé trai kháu khỉnh. 
Như thỏa thuận từ trước, vợ chồng anh L. làm thủ tục xin con đẻ của mình làm con nuôi. Người phụ  nữ đẻ thuê sau khi biết vợ chồng anh L. kinh tế khá giả, có một biệt thự lớn ở Hà Nội đã đòi 500 triệu đồng nữa thì mới chịu giao con. Tiền tỷ còn chả tiếc, tiếc gì 500 triệu đồng  nên vợ chồng anh đồng ý luôn. Nhận con xong, vợ chồng anh L. vội vã quay lại Séc để tránh việc người phụ nữ đẻ thuê tiếp tục làm tiền họ. 
Làm mẹ đơn thân bằng mọi giá: nguy cơ cận huyết từ việc mua tinh trùng
Khi luật pháp tạo một hành lang pháp lý cho những người phụ nữ đơn thân sinh con bằng phương pháp khoa học thì ngày càng có nhiều phụ nữ không có điều kiện lấy chồng hoặc không muốn lấy chồng nhưng muốn sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. 
Bà Ch. 46 tuổi, là giáo viên dạy nghề may tại một trường khuyết tật ở Thái Bình. Trước đây, bà yêu một anh bộ đội cùng quê nhưng hai người không lấy được nhau. Bà Ch. lấy chồng nhưng không may, người chồng lại không có khả năng sinh sản nên hai người đã chia tay nhau.
Bà Ch. là con một nên sau khi chia tay chồng, bà về ở với mẹ đẻ của mình đã ngoài 80 tuổi. Năm 2011, sau khi nhận được hai trăm triệu đồng tiền đền bù đất đai  vì Nhà nước mở đường chiếm dụng vào đất ở của gia đình bà, bà Ch. khăn gói lên Hà Nội, tìm người yêu cũ, tỏ ý muốn có một giọt máu của ông. 
Cố nhân của bà Ch.  cho là bà "thần kinh" vì hai người đã chia tay nhau hàng chục năm, cả hai đều có gia đình, nay người yêu cũ quay về “ xin tinh trùng” khiến ông thực sự “sốc”. Dù người yêu cũ kiên quyết không hiến tinh trùng, bà Ch. vẫn đến bệnh viện xin thụ tinh bằng phôi của người khác. Họ hàng khuyên bà Ch. rằng con bà có đẻ được ra cũng là con của người khác, thế thì đi xin con nuôi mà nuôi, để tiền đó mà nuôi đứa trẻ nhưng bà bỏ ngoài tai. Cấy phôi lần một không thành, tiền vẫn còn, bà Ch. tiếp tục tràn trề hy vọng vào lần thụ tinh lần hai... 
Nếu như hiến máu và hiến nội tạng nhằm cứu chữa người bệnh thì hiến tinh trùng và trứng là tạo cơ hội cho ra đời một con người. Một sinh linh chào đời với nguyên tắc bí mật thông tin về người cha, người mẹ sẽ có những hệ lụy về sau như hôn nhân cận huyết, tình cờ nhận ra cha con sẽ giải quyết thế nào?
Luật Hiến, ghép mô, tạng cấm tuyệt đối việc mua bán trứng, tinh trùng bởi chúng không phải là hàng hóa. Luật thừa nhận việc hiến tặng, xin - cho và bên nhận sẽ thanh toán mọi chi phí cho bên hiến, thế nhưng việc khan hiếm tinh trùng khiến chúng rất đắt giá. 
Các bệnh viện có ngân hàng tinh trùng cũng thường xuyên trong tình trạng “thiếu vốn”. Việc lấy và bảo quản trứng khó hơn nên nguồn trứng càng hiếm. Bệnh viện thiếu, không thể cung cấp đủ trứng và tinh trùng cho danh sách bệnh nhân dài lê thê, do đó bệnh nhân muốn có con thì phải tự tìm người cho. Các bệnh viện thường lấy nguồn hiến tinh trùng là các sinh viên của các trường đại học. 
Người môi giới bán tinh trùng cũng quảng cáo tinh trùng của các sinh viên cao to, đẹp trai, thông thái. Việc hiến tinh trùng hay trứng được coi là việc làm nhân đạo, đem lại hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã biến thành việc mua bán trái luật. Người bán tinh trùng bán được càng nhiều càng tốt và chuyện gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ? Đó là câu chuyện ở thì tương lai….

Đọc thêm